Thứ Hai, 29/04/2024 22:58:16 GMT+7

Tin đăng lúc 05-11-2016

Lượt xem: 3873

Cần bộ tiêu chí nông thông mới phù hợp với hơn thực tiễn địa phương

Thảo luận tại hội trường hôm nay (4/11), trong nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các đại biểu cho rằng, chương trình đã được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị vào cuộc, được toàn dân ủng hộ và tham gia tích cực. Song, vẫn còn nhiều bất cập từ cơ chế, chính sách, tiêu chí cũng như cách thức tổ chức, nhất là ở cấp cơ sở.
Cần bộ tiêu chí nông thông mới phù hợp với hơn thực tiễn địa phương
Các đại biểu cho rằng, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 cần khắc phục những hạn chế của bộ tiêu chí cũ...

Nhiều tiêu chí chưa phù hợp

 

Đi thẳng vào vấn đề bộ tiêu chí NTM chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đánh giá, một số tiêu chí đưa ra còn bất hợp lý, gây lãng phí. Điển hình như tiêu chí về chợ và trung tâm bưu điện. “Không ít chợ xây xong đã lãng phí trong lúc đó lại thiếu tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, đặc biệt là các nhà văn hóa ở thôn, bản” - đại biểu Phương dẫn chứng.

 

Chỉ ra những bất cập trong bộ tiêu chí NTM trong giai đoạn vừa qua, đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) nêu rõ, tiêu chuẩn xét các xã đạt chuẩn NTM chưa chuẩn vì vừa qua, nhiều xã được công nhận đạt tiêu chí nhưng thực chất vẫn còn châm chước để đạt mục tiêu kế hoạch.

 

Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi), từ kinh nghiệm và thực tiễn thực hiện bộ tiêu chí NTM trong thời gian vừa qua, việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2016 - 2020 cần khắc phục những hạn chế của bộ tiêu chí cũ, đẩy mạnh việc phân cấp và giao quyền cho UBND tỉnh chủ động quy định cụ thể một số tiêu chí, nhất là về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất.

 

Đặc biệt, theo đại biểu Trang, khi hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí mới, cần tính đến 2 vấn đề, thứ nhất, nên quy định có 3 mức độ là xã NTM loại 3, loại 2 và loại 1 để tạo điều kiện cho tất cả các xã xây dựng NTM theo lộ trình cụ thể, phù hợp điều kiện, điểm xuất phát của từng địa phương, khắc phục hạn chế hiện nay là xã có điều kiện thì xây dựng NTM, xã có khó khăn thì không tham gia xây dựng NTM.

 

Hơn nữa, cần quy định các tiêu chí với mức độ linh hoạt để địa phương chủ động lựa chọn, tập trung đầu tư phát triển mạnh các tiêu chí phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, phong tục tập quán và phát huy tiềm lực, lợi thế định hướng phát triển của địa phương, vùng, miền.

 

Ngoài ra, cần nghiên cứu để có cơ chế đầu tư cho các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2015 tiếp tục duy trì bền vững, phát huy và nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

 

Khắc phục tình trạng chạy theo thành tích

 

Từ thực tế triển khai Chương trình xây dựng NTM thời gian quan, nhiều đại biểu khẳng định, không ít địa phương chạy theo thành tích, phô trương, nặng tính phong trào dẫn đến huy động quá sức dân, huy động cả hộ nghèo, cả người cao tuổi và hộ chính sách đóng góp và kết quả là nợ đọng rất lớn.

 

... và có cơ chế xử lý nợ đọng trong xây dựng NTM giai đoạn vừa qua


Cụ thể hơn, đại biểu Đặng Hoài Tân (đoàn Bình Định) dẫn số liệu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện có 2.061 xã đã về đích, hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, nhưng đến cuối năm 2016, số nợ phát sinh cho đầu tư xây dựng NTM của các địa phương đã đến con số 15.000 tỷ đồng. “Cá biệt có nhiều địa phương mất khả năng thanh toán” - đại biểu Tân lo lắng.

 

 

Để khắc phục hạn chế này, nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần điều tra, thống kê đầy đủ, công bố tình trạng nợ của các xã; số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức; đánh giá việc chi tiêu ngân sách cho chương trình này cũng như mức độ tác động của nó đến tình trạng ngân sách chung. Đặt câu hỏi như vậy không phải để phê bình, truy cứu mà để tìm ra chỗ sai, chỗ lệch của cách làm, hạn chế lãng phí, tập trung sức lực vào đúng điểm cốt lõi của chương trình.

 

Bổ sung thêm giải pháp, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An) cho rằng, cơ chế quản lý thanh, quyết toán vốn đầu tư đối với công trình do ngân sách nhà nước hỗ trợ dưới 50% là chưa cụ thể, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, giám sát, huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng NTM.

 

Do đó, trong thời gian tới, để huy động được toàn xã hội tham gia, tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng NTM, cần phải công khai, minh bạch các công việc.

 

“Người dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều. Nếu người dân hiểu kỹ các vấn đề thì sẽ xóa được tư tưởng trông chờ, ỷ lại và tích cực đóng góp” - đại biểu Tuấn khẳng định.

 

Ngoài ra, để có nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đại biểu Tuấn cho rằng, cần có cơ chế lồng ghép cụ thể, rõ ràng, thống nhất từ Trung ương đến địa phương giữa chương trình này với các chương trình, đề án khác. Song song đó là công tác rà soát nợ đọng, ưu tiên bố trí thanh toán dứt điểm nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án mới, không để nợ phát sinh.

 

Nguồn Baocongthuong.com.vn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang