Thứ Tư, 01/05/2024 23:50:50 GMT+7

Tin đăng lúc 09-03-2022

Lượt xem: 783

Cần cảnh giác với các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan trên mạng

Theo quy định, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc của trạm y tế xã/phường; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu. Việc mua bán thuốc phải được diễn ra tại nhà thuốc, dược sĩ phải có mặt để thực hiện công tác chuyên môn, tư vấn; các thuốc bán phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng kinh doanh thuốc trên mạng vẫn đang diễn ra tràn lan, khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Cần cảnh giác với các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan trên mạng
Thuốc không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên mạng xã hội

Đủ chiêu quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng

 

Thời gian qua, tình trạng mạo danh một số bác sĩ để tư vấn bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các website, mạng xã hội diễn ra ngày càng phổ biến, nhất là trên nền tảng Youtube xuất hiện tràn lan kiểu quảng cáo theo mô tuýp “nhà tôi ba đời” chữa khỏi bệnh sỏi thận, sỏi mật, xương khớp; hay thuốc chữa bệnh cao huyết áp, chỉ 1 liều là khỏi vĩnh viễn… thậm chí chữa khỏi cả bệnh ung thư. Ðể tự tạo lòng tin cho người tiêu dùng, những quảng cáo này cắt ghép, dàn dựng hình ảnh người nổi tiếng, lương y khám, chữa bệnh, thêm logo nhà đài, kênh thông tin chính thống khiến cho không ít người tin vào những lời quảng cáo trên.    

 

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, trung bình một tháng tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận, suy gan vì tự ý sử dụng những loại thuốc “gia truyền” không rõ nguồn gốc. Ðiển hình các triệu chứng gặp phải khi sử dụng các loại thuốc “gia truyền” này là: Men gan tăng cao, vàng da, vàng mắt,... có trường hợp bệnh nhân suýt ngừng tim, nguy hiểm đến tính mạng.

 

Tương tự, tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, thành phần. Nguyên nhân không loại trừ việc thuốc có thể bị trộn thêm các chất khác từ tây y, thậm chí là các chất cấm sử dụng. Phổ biến nhất là thuốc Nam trộn corticoid với liều cao để giảm đau, kháng viêm, giúp bệnh nhân viêm khớp giảm triệu chứng đau rất nhanh, nhưng để lại hậu quả lâu dài và hết sức nặng nề.

 

Không chỉ thuốc đông y, mà thuốc tây y, đặc biệt là thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được quảng cáo rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Trước thực trạng số ca Covid-19 trong cộng đồng tăng cao trong thời gian gần đây, không ít người dân đã tự tìm thuốc phòng và điều trị Covid-19 để tự điều trị hoặc dự trữ. Lợi dụng tâm lý này của người dân, nhiều đối tượng thông qua các trang mạng xã hội, các hội nhóm để chào bán các loại thuốc được quảng cáo là điều trị Covid-19. Mặc dù các loại thuốc này có giá cao, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp phép lưu hành nhưng vẫn được ngang nhiên buôn bán, thậm chí là cháy hàng trên thị trường.

 

Không nên tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, rao bán online

 

Không giống các mặt hàng tiêu dùng khác như quần áo, giày dép…. khi nhận hàng này người tiêu dùng có thể kiểm tra chất lượng của sản phẩm. Nhưng khi mua thuốc hay thực phẩm chức năng có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người thì việc mua qua mạng, người tiêu dùng không thể lường trước được những rủi ro sẽ gặp phải. Bởi người mua không biết người bán là ai; không biết thuốc đã được kiểm định, cấp phép hay chưa. Vì vậy, khi sử dụng thuốc mua qua mạng khi chưa nắm rõ nguồn gốc sau một thời gian sử dụng, nếu nhẹ có thể không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu nặng thì có thể liên quan đến tính mạng con người. Và khi xảy ra hậu quả xấu, người mua hàng khó có thể bảo vệ quyền lợi của mình, do việc xác định nguồn gốc hàng hóa là rất khó khăn.

 

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân không nên tự ý mua thuốc về sử dụng bất kể đó là thuốc đông y hay tây y. Đặc biệt đối với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà, người bệnh nên uống theo đơn thuốc được ngành Y tế hướng dẫn. Bởi mỗi người có cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau nên cần có sự chỉ định về liều lượng theo từng giai đoạn bệnh. Bên cạnh đó, thuốc y học cổ truyền hiện nay có một số bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh chứ không thể chữa khỏi bệnh nên người dân cần cẩn trọng.

 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc, phát hiện, thu giữ nhiều lô hàng là thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ được nhập lậu và rao bán trên mạng, tuy nhiên, vì lợi nhuận cao, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục buôn bán trái phép các loại thuốc này với nhiều hình thức tinh vi hơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Mới đây, trước thực trạng giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) trên thị trường tăng cao đột ngột, lưu thông một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Công văn hỏa tốc gửi Đội trưởng các đội quản lý thị trường trực thuộc về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, thuốc hỗ trợ điều trị, phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống, hỗ trợ điều trị Covid-19 gồm các loại: Bộ test nhanh kháng nguyên Covid-19, thiết bị đo nồng độ ôxy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19... Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, các lực lượng chức năng đã xử lý, xử phạt nhiều vụ việc liên quan đến hành vi bán thuốc điều trị Covid-19 trái phép, đặc biệt là những sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 xách tay, không có hoá đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Những vụ việc lớn, Cục QLTT Hà Nội đã chuyển cơ quan điều tra, để xử lý theo các quy định của pháp luật.

 

“Có bệnh thì vái tứ phương”, tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta tuỳ tiện trong việc mua và sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng, tiếp tay cho các đối tượng buôn bán thuốc trái phép. Người dân cần thận trọng và tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu trên mạng xã hội về các loại thuốc chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học, không rõ nguồn gốc xuất xứ; nên chọn mua thuốc tại các quầy thuốc, nhà thuốc đã có đăng ký kinh doanh và được Bộ Y tế công nhận để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách, uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra./.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang