Thứ Hai, 29/04/2024 23:22:12 GMT+7

Tin đăng lúc 02-10-2023

Lượt xem: 1755

Cần có thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lớn mạnh là nền tảng vững chắc để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính phát triển CNHT có ý nghĩa đối với doanh nghiệp (DN). Đã có nhiều DN được hưởng lợi từ các chính sách này như các chính sách ưu đãi, các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và quản trị, kết nối cung cầu…
Cần có thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển
Cần có thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể thúc đẩy doanh nghiệp CNHT phát triển

Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng để ngành CNHT Viêt Nam phát triển bền vững thì vẫn cần tiếp tục có thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể.

 

Chính sách chưa đủ mạnh

 

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đến ngành công nghiệp trong nước nói chung và CNHT nói riêng. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành như: Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT; Quyết định 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025; gần đây nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP ban hành năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, kèm theo đó là các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các luật về thuế cũng quy định những chính sách, điều kiện… để hỗ trợ các DN CNHT.

 

Có thể thấy các chính sách đã có, tuy nhiên chưa đủ mạnh và còn dàn trải. Vì vậy, ngành CNHT mặc dù đã có những thành tựu nhất định nhưng chưa phát triển được như kỳ vọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

 

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên, đó là:

 

+ Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh và còn dàn trải, nguồn lực chưa tập trung, chưa có sự đồng bộ. Hiện nay, văn bản cao nhất của ngành CNHT là Nghị định 111 và mới dừng ở mức Nghị định, còn các nội dung chính sách đã đề xuất trong Nghị định thì còn phải tham chiếu đến các văn bản luật của các chuyên ngành khác. Các DN muốn hưởng chính sách hỗ trợ này thì phải xem xét đến những văn bản chuyên ngành có liên quan.

 

+ Nguyên nhân nữa là việc triển khai chính sách còn hạn chế, sự đồng bộ giữa các Bộ, ngành chưa cao, cùng với đó là các địa phương cũng có sự chậm trễ nhất định trong việc xây dựng các chương trình phát triển CNHT, trong khi đó, nguồn nhân lực làm việc về CNHT thì ít ỏi, khó có thời gian để nghiên cứu, đề xuất, triển khai các chính sách cũng như tư vấn cho UBND các địa phương trong việc ban hành chính sách về CNHT.

 

+ Cuối cùng, đó là vấn đề về năng lực của các DN CNHT. Hiện nay, các DN trong nước còn nhiều hạn chế, xuất phát điểm của các DN Việt Nam thường kém xa so với các DN nước ngoài, trong khi đó, các DN Việt lại đang phải vay vốn với lãi suất không hề thấp, còn với các nguồn vốn lãi suất ưu đãi thì lại không dễ tiếp cận, trong khi ngành sản xuất công nghiệp thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Bên cạnh đó, một điểm hạm chế hiện nay đó là sự kết nối giữa các DN FDI và DN Việt chưa tốt, các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam thường kéo theo các DN vệ tinh đi cùng, đây là những DN đang cung cấp cho họ, vì vậy, rất khó để các DN CNHT trong nước chen chân vào chuỗi cung ứng này.

 

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Chuyên gia về chuỗi cung ứng cho rằng, hiện vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước và thực tế tiếp cận của DN. Khoảng cách này chưa được thu hẹp chủ yếu do nguồn lực Nhà nước có hạn, trong khi nhu cầu của DN rất lớn, một số giải pháp được ban hành nhưng khó có thể triển khai trên thực tế. Hơn nữa, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ chỉ triển khai ở cấp Trung ương mà chưa được triển khai ở cấp địa phương, khiến cho quy mô và mức độ bao phủ của các biện pháp hỗ trợ không đến được số đông DN như mong đợi. 

 

Cần có thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể

 

Các doanh nghiệp CNHT trong nước cần nỗ lực nâng cao năng lực để đáp ứng được tất cả các tiêu chí mà các tập đoàn lớn đưa ra

 

Theo các DN, điều mà họ cần là sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc kết nối thông tin liên quan đến nhu cầu của các DN FDI đang muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc biệt, tạo điều kiện về mặt bằng, lãi suất để hỗ trợ các DN CNHT trong nước triển khai mở rộng hoạt động sản xuất. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN CNHT nội địa và tăng cường kết nối nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng. Đặc biệt, rất cần các DN đầu tầu mang tính dẫn dắt thị trường, kết nối để từ đó tạo sự lan toả và chuyển giao cho các DN trong nước.

 

Còn theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thì cần sớm xây dựng Luật CNHT và ban hành trong thời gian nhanh nhất, trong đó có những chính sách cụ thể cho ngành CNHT để từ đó thúc đẩy các DN Việt Nam phát triển. Đặc biệt là tạo các cơ chế chính sách về vốn, khoa học công nghệ, tiếp cận mặt bằng, giao thương quốc tế, tham gia các hội chợ thường niên để các DN Việt Nam có thể thường xuyên được kết nối, trao đổi thông tin. Từ đó, các DN có thể gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thương mại qua các kênh online, offline.

 

Hiệp hội DN ngành CNHT TP.Hà Nội (HANSIBA) đề xuất, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc – Trung – Nam) để phát triển các ngành CNHT, phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì, như vậy sẽ tránh lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Cùng với đó, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...); cho phép các DN tư nhân thuộc ngành CNHT và CNHT công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài, nhằm nâng cao khả năng sản xuất, liên kết tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

 

Nói về các giải pháp để hỗ trợ DN trong nước tham gia được nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng để sao cho các chính sách sẽ đến được các DN. Để làm được điều này rất cần sự hỗ trợ chung tay của các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng chính sách đồng bộ và đủ mạnh để hỗ trợ hiệu quả cho các DN CNHT Việt. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục tư vấn cho Chính phủ ban hành những chính sách, nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; hình thành các khu, cụm công nghiệp CNHT để sao cho trong đó có các DN đầu tầu dẫn dắt các DN CNHT...

 

Có thể thấy, cơ hội cho các DN CNHT trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn khi nhiều tập đoàn FDI đang dịch chuyển sản xuất, chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Tuy nhiên, để các DN trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này, bên cạnh sự nỗ lực của các DN trong việc nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng được tất cả các tiêu chí mà các tập đoàn lớn đưa ra, thì rất cần sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành của Chính phủ. Cần có những chính sách hỗ trợ đột phá, cụ thể để tháo gỡ những nút thắt về vốn, đất đai... cho DN CNHT trong nước, đây chính là nguồn lực quan trọng tiếp thêm sức mạnh cho DN phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển CNHT trong thời gian tới.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang