Chủ Nhật, 28/04/2024 11:59:08 GMT+7

Tin đăng lúc 27-04-2022

Lượt xem: 2793

Cần những chính sách ưu đãi sát thực tế hơn để CNHT ngành Da giày phát triển

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) da giày đặt mục tiêu, từ nay đến năm 2025, sản xuất, nội địa hoá từ 75-80% các nguyên liệu của ngành với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì còn rất nhiều việc phải làm.
Cần những chính sách ưu đãi sát thực tế hơn để CNHT ngành Da giày phát triển
Để ngành Da giày Việt Nam phát triển bền vững, không có cách nào khác là phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu trong nước

 

Nút thắt của ngành Da giày

 

Sản phẩm giày dép của Việt Nam hiện có thị trường rộng lớn, đã hiện diện ở 44 thị trường chủ yếu. Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021, lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Sang năm 2022, chỉ riêng 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép của nước ta ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, điều này khiến triển vọng đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm là 21 tỷ USD dần khả thi.

 

Mặc dù có thị phần lớn như vậy, tuy nhiên, trong chuỗi giá trị ngành Da giày thế giới, Việt Nam hoạt động chủ yếu ở các khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành chiếc giày; nguyên phụ liệu hầu hết được nhập từ nước ngoài về, trong đó, chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngành Da giày hiện mới chủ động được khoảng 55% nguyên phụ liệu cho hoạt động sản xuất trong nước, cá biệt mới chỉ có những mặt hàng như giầy thể thao đã chủ động được đến 80% và mặt hàng giầy vải đã chủ động gần như 100% nguyên phụ liệu ở trong nước.

 

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam cho biết, trong 3 phần chính cấu thành chiếc giày gồm đế giày, các nguyên liệu làm mũ giày và phụ kiện, hiện Việt Nam đã chủ động được phần đế giày, riêng phần mũ giày gồm vải, giả da hay da thuộc thì các doanh nghiệp Việt có thể làm được nhưng quy mô, sản lượng và chất lượng mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/6 nhu cầu sản xuất, còn phụ kiện thì đa số phải nhập khẩu.

 

Việc phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Điển hình là thời gian qua, do chính sách Zero Covid, Trung Quốc phong tỏa nhiều nơi, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất bị đình trệ, làm ách tắc chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước cho biết đang phải vật lộn để đáp ứng các đơn đặt hàng do thiếu nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, điều này đã ảnh hưởng đến việc sản xuất khiến doanh nghiệp bị thiệt hại khá lớn. Có thể thấy, vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất đang là nút thắt lớn đối với ngành Da giày Việt Nam.

 

Cần những chính sách ưu đãi sát thực tế hơn

 

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khiến nhu cầu sử dụng nguyên phụ liệu trong nước tăng cao, vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động tạo thành chuỗi khép kín, tức là, vừa sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, vừa sản xuất nguyên phụ liệu hoặc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu nội địa khác để vừa phục vụ sản xuất, vừa cung cấp ra thị trường...

 

 

Hiện các doanh nghiệp trong nước đã chủ động sản xuất được phần đế giày

 

 

Điển hình tại Công ty TNHH Hoá dệt Hà Tây, đại diện Công ty cho biết, trong hệ thống sản xuất của mình, đơn vị đã có riêng một công ty chuyên khai thác nguyên phụ liệu nội địa, đến hiện tại, công ty đã khai thác đến 80% - 85% nguyên liệu sản xuất trong nước, nhờ vậy đã chủ động hơn trong sản xuất. Còn với Công ty TNHH Giày Hà Tây, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp này đã chủ động liên kết với gần 40 doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, đến nay, có những dòng sản phẩm doanh nghiệp có thể chủ động được 100% nguyên phụ liệu. Nhờ vậy mà doanh nghiệp không bị gián đoạn sản xuất bởi thiếu nguyên phụ liệu do dịch COVID-19, lợi nhuận vẫn được duy trì, thậm chí doanh thu tăng trên 35%.

 

Tại Công ty CP Tập đoàn Gia Định, từ vài năm nay, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu. Sau khi đầu tư 20 ha chuyên sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất da giày ở An Phú (Thuận An, Bình Dương), công ty tiếp tục đầu tư thêm một cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, quy mô diện tích 50 ha tại Cụm công nghiệp Nam Tân Uyên (Bình Dương) nhằm mở rộng sản xuất CNHT... Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 3 cụm công nghiệp đã lấp đầy 100 doanh nghiệp chuyên sản xuất nguyên phụ liệu dành cho ngành da giày. Và để đáp ứng nhu cầu tăng cao do chuỗi cung ứng đứt gãy, vừa qua, doanh nghiệp này đã quyết định đầu tư thêm 2.500 tỷ đồng để xây dựng thêm một cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ở phía Bắc. Với sự chuẩn bị dài hơi trong những năm vừa qua, hiện Công ty hoàn toàn có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm giày lên hơn 80% và đủ sức cung cấp số lượng lớn nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp da giày trong nước.

 

Có thể thấy, đã có những doanh nghiệp có thể tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất cho mình và cung cấp cho các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này không nhiều, bởi đa số các doanh nghiệp CNHT là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cho biết, để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư cho công nghệ, tự động hoá,… họ thường gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là vấn đề về nguồn vốn nên đa phần các doanh nghiệp CNHT chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên phụ liệu cho hoạt động sản xuất trong nước. Thêm vào đó, do tỷ suất lợi nhuận của ngành này thấp, cộng với nhiều vấn đề liên quan đến môi trường… đã khiến nhiều địa phương không chào đón các dự án nguyên phụ liệu da giày.

 

Thực tế cho thấy, khi chủ động được nguyên phụ liệu, tỷ lệ nội địa hoá tăng sẽ giúp tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, quan trọng hơn đó là nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm da giày của Việt Nam.

 

Thời gian qua, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành CNHT, trong đó có ngành Da giày. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, từ đó gia tăng khả năng cung ứng nội địa, từng bước kết nối chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cơ chế chính sách vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả. Các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước cần có những chính sách sát với thực tế hơn nữa như chính sách ưu đãi về thuế, về lãi suất, mặt bằng cho doanh nghiệp; cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước… có như vậy mới khuyến khích doanh nghiệp CNHT đầu tư, phát triển, từ đó chủ động được sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, tạo động lực quan trọng cho phát triển bền vững và hiệu quả ngành Da giày Việt Nam.

 

Minh Vũ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang