Thứ Bẩy, 27/04/2024 06:36:53 GMT+7

Tin đăng lúc 28-11-2019

Lượt xem: 6342

Cận Tết, hàng lậu tràn lan

Càng về những tháng cuối năm, hoạt động giao thương diễn ra sôi động hơn với nhiều mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, biếu tặng trong các dịp lễ lớn như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các hoạt động buôn lậu, hàng giả cũng vào “mùa làm ăn”.
Cận Tết, hàng lậu tràn lan
Buôn lậu rượu gia tăng trong dịp cận Tết

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), trong 10 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng Tp. Hà Nội đã phát hiện, xử lý 20.430 vụ vi phạm (3.161 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 15.930 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.339 vụ hàng giả), thu ngân sách nhà nước hơn 4.064 tỷ đồng.

 

Thủ đoạn tinh vi

 

Ngay trong những ngày vừa qua của tháng 11, liên tiếp những vụ buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm cũng bị phát hiện và thu giữ.

 

Trong đó, ngày 21/11, Chi cục Hải quan KCN Việt Nam – Singapore đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ lô hàng nồi cơm điện nhập khẩu vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa. Lô hàng gồm 3.472 nồi cơm điện hiệu Toshiba loại 1 lít và 1,8 lít, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc đã được ráp hoàn chỉnh, trị giá trên 2,1 tỷ đồng.

 

Bao bì ngoài của lô hàng có dán nhãn giấy in sẵn nội dung bằng tiếng Việt Nam gồm: “Sản xuất tại Việt Nam”, “Dưới sự cho phép của Toshiba Corp”, “Địa chỉ nhà sản xuất: 40 VSIP Đường số 6, KCN Việt Nam – Singapore, Thuận An, Bình Dương”, “Chịu trách nhiệm: Công ty TNHH Sản phẩm tiêu dùng Toshiba Việt Nam, số 12, đường số 15, khu phố 4, Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM”, “Năm sản xuất: 2019”. Đồng thời, trên bao bì chứa sản phẩm trực tiếp thể hiện mã vạch 893 (Việt Nam), kèm theo sách hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt và trên nồi cơm điện có dán tem cảnh báo bằng tiếng Việt.

 

Cũng trong thời gian này, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 37 thùng bao các tông chứa 3.500 bao thuốc lá lậu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ của lô hàng đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

 

Trước đó, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang một đối tượng đang có hành vi cho các cây thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất vào hai thùng các tông, bên ngoài có in nhãn hiệu thuốc lá Thăng Long để ngụy trang với mục đích mang đi tiêu thụ. Quá trình kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện có 55.000 bao thuốc lá các loại do nước ngoài sản xuất đựng trong 110 thùng các tông.

 

Hồi đầu tháng 11, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường Quảng Bình cũng phát hiện và kiểm tra một xe tải vận chuyển 3.108 chai rượu do nước ngoài sản xuất, với giá trị ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng.

 

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ toàn bộ số rượu ngoại. Để qua mặt lực lượng chức năng, ngoài việc “chế” khoang riêng trong thùng container, các thùng rượu được bịt kín bằng nilon màu đen rồi quệt sơn các màu khác nhau để đánh dấu theo từng loại rượu.

 

“Không có vùng cấm”

 

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nhưng hoạt động buôn lậu, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong dịp cuối năm, bởi đây là thời điểm các thương nhân tập kết hàng hóa để phục vụ người dân dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

 

Từ những số liệu thống kê của cơ quan quản lý cho thấy tình trạng buôn lậu có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số lượng và giá trị hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá và rượu ngoại với nhiều thủ đoạn ngụy trang tinh vi nhằm tránh bị phát hiện.

 

Thực tế, tình trạng gia tăng của buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng xuất phát từ nhiều lý do nhưng đều có mẫu số chung là đem lại “siêu lợi nhuận” do không phải chịu bất cứ khoản thuế, phí nào.

 

Ví dụ mặt hàng thuốc lá, khoản lợi nhuận thu về từ buôn lậu có thể lên tới hơn 400%, trong khi thuốc lá nhập khẩu chính ngạch phải chịu thuế nhập khẩu 100 - 202,5%, thuế giá trị gia tăng là 10%; thuốc lá sản xuất trong nước phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%, thuế giá trị gia tăng 10%; quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá 2%.

 

Để đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mới đây đã yêu cầu các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2019.

 

Theo đó, các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp…

 

Trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chỉ đạo 389 đề ra, có một yêu cầu đáng chú ý là về công tác xây dựng lực lượng. Theo đó, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ luật, quán triệt quan điểm “không có vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Theo Thời Báo Kinh Doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang