Thứ Sáu, 26/04/2024 21:50:11 GMT+7

Tin đăng lúc 23-06-2022

Lượt xem: 648

Cẩn thận sập bẫy khi mua 'giày ảo' giá nghìn USD

Thời gian gần đây xuất hiện một hình thức kiếm tiền mới khiến nhiều người hào hứng. Đó là… chạy bộ hoặc đi bộ kiếm tiền. Nghe thì có vẻ hấp dẫn nhưng hình thức kinh doanh này đang tiềm tàng rất nhiều nguy cơ khiến người dùng sập bẫy.
Cẩn thận sập bẫy khi mua 'giày ảo' giá nghìn USD
Giao diện của ứng dụng STEPN

Trên một diễn đàn của sinh viên miền Bắc, tài khoản tên Lê Thúy đăng dòng trạng thái rất “câu khách”: “Tuyển người chạy bộ (vừa có sức khỏe, vừa có tiền). Điều kiện: Có kỹ năng chạy bộ; chạy đều với tốc độ 8-12 km/h; chạy vào thời gian cố định là 18h; chạy hàng ngày và lâu dài; chạy khoảng 20 km/ngày (có thể lập đội 5-7 người tiếp sức). Tiền thưởng 1 triệu đồng/ngày, nhận tiền theo tuần (1 tuần/lần)”.

 

Nhiều người có thể sẽ ngạc nhiên với hình thức “chạy bộ kiếm tiền” này. Nó là hình thức “Move-to-earn”, giúp người dùng kiếm tiền qua những chuyển động hàng ngày bằng cách sử dụng công nghệ cảm biến và đo lường chuyển động của con người. Một số dự án như STEPN đã trở thành những sản phẩm tiên phong cho loại hình này trên blockchain. Tại các hội nhóm đầu tư tiền số tại Việt Nam, Stepn trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi, nhiều người tham gia.

 

Theo một số chuyên gia về tiền ảo, thực chất việc mời gọi tuyển người chạy như trong mẩu quảng cáo trên một số diễn đàn sinh viên chính là tuyển người “chạy thuê” cho một hoặc vài cá nhân nào đó đang sở hữu nhiều account. Những người này đang đầu tư rất nhiều tiền để sở hữu cùng lúc nhiều “đôi giày ảo”, do đó họ cần người chạy hộ để kiếm tiền. Nhưng ngay từ đầu, nhiều chuyên gia đã nhận ra nó là sự kết hợp giữa tiền ảo và đa cấp.

 

Lê Ngọc Bằng (sinh viên Đại học Thủy lợi, Hà Nội) thường xuyên chạy thuê cho những người có nhu cầu. Trên diễn đàn, Bằng khá nổi tiếng bởi thể lực rất tốt, đảm bảo được những yêu cầu của người thuê mình. Bằng nói: “Chạy bộ là đam mê của em, bất kể nắng hay mưa ngày nào em cũng chạy khoảng 15 km vào mỗi buổi chiều. Từ khi biết đến dịch vụ thuê chạy này, em đã nhận mấy mối. Em cũng không quan tâm họ thuê chạy để làm gì, nghe nói là chơi coin. Cái mà em quan tâm chính là tiền họ thuê mình thôi”.

 

Theo như Bằng kể, một số bạn bè của anh sau khi chạy thuê một thời gian đã quyết định xuống tiền đầu tư mua “giày ảo” về tự chạy. Thậm chí nếu không đủ tiền, họ còn phải vay mượn để mua thêm giày và thuê chạy để kiếm được tiền nhanh hơn, nhiều hơn. Bằng kể, vì thấy lợi nhuận nhiều nên nhiều người không chạy thuê nữa mà trở thành “chủ thuê”, vay mượn khắp nơi để sắm cho mình những đôi giày ảo này.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực chất đây là một hình thức đa cấp kiểu mới kết hợp giữa đầu tư tiền ảo và chạy bộ. Người chơi phải tải app về điện thoại và đặt mua đôi giày ảo lên đến 20 triệu đồng. Sau khi đặt tiền mua giày, người chơi được hứa trả số tiền hậu hĩnh, có thể lên tới 30 USD/ngày. Điểm đặc biệt ở đây là: Đôi giày mà người chơi bỏ tiền mua là một đôi giày ảo, nhưng tiền mua lại là thật. Người chơi càng đầu tư nhiều giày thì sẽ càng có cơ hội thu được nhiều tiền.

 

Tuy vậy, số tiền người tham gia nhận được chỉ là tiền ảo có tên GST. Số tiền ảo này sẽ được chuyển về ví của app, sau đó lại chuyển tiếp một lần nữa về ví của sàn Binance. Từ đây người chơi mới được nhận tiền thật từ sàn giao dịch điện tử toàn cầu Binance. Các dự án đi bộ kiếm tiền (move-to-earn) này ngày càng được nhiều người biết đến và ham thích. Người ham chạy bộ thì “chạy show” để vừa được thoả mãn đam mê, lại kiếm thêm thu nhập. Người ham kiếm tiền thì có thể nhận ra cơ hội đầu tư thông qua những “đôi giày ảo” và “người chạy thật”.

 

Để mua giày trong STEPN thì người chơi phải nạp tiền thật vào Binance để quy đổi bằng đồng USDT hoặc các đồng coin ổn định khác (được gọi là stablecoin) rồi mua đồng SOL-Solana và nạp vào ví Solana trong app STEPN để mua giày. STEPN hoạt động như ứng dụng chạy bộ bình thường. Chỉ cần di chuyển đúng tốc độ quy định thì sau 1 phút nhà đầu tư sẽ được trừ 0,2 năng lượng rồi cộng coin.

 

Một đôi giày NFT của dự án có giá trung bình khoảng 23 triệu đồng. Đồng thời, người dùng có thể thuê giày để tham gia chạy bộ kiếm tiền số. Khi thuê giày, thu nhập từ việc chạy bộ sẽ giảm đi. Nhà đồng sáng lập của STEPN, Jerry Huang cho biết người chơi sẽ nhận được 70% lợi nhuận và người cho thuê giày sẽ hưởng 30% còn lại. Đến đầu tháng 4 năm nay, số lượng người chơi STEPN tăng nhanh, thậm chí còn nhiều hơn số giày có trên thị trường, khiến giá GST tăng mạnh, có thời điểm lên đến gần 8,5 USD/GST.  

 

Là người tham gia đầu tư vào hình thức này, anh Nguyễn Đình Quân (Quốc Oai, Hà Nội) cho hay, ngoài lý do đầu tư, nó còn cho anh động lực mỗi tuần 4 - 5 buổi ra đường để chạy bộ. Anh Quân nói; “Với người tập luyện, động lực để duy trì luyện tập thường xuyên là rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi cũng không hiểu lắm việc đầu tư này, cũng không chắc chắn điều gì. Mọi thứ tôi biết chỉ là “chạy mà lại có tiền”.  

 

Tuy nhiên, nhiều người chơi đã phản hồi rằng khi tham gia, người chơi không kiểm định được ai là người làm ra game này, tư cách đạo đức của họ ra sao, độ khả tín không cao. Đặc biệt là việc tham gia trò chơi may rủi này không được pháp luật thừa nhận nên khi hệ thống sập, người chơi là người lĩnh hậu quả.

 

Theo anh Quân, do không có ràng buộc gì, khi số người đi bộ kiếm token tăng lên cấp số nhân, dự án có thể sẽ tung token ra bán. Sẽ có người mua và người bán, dòng tiền sẽ đổ vào rất nhanh. Khi đó chủ dự án đứng sau cái này có bao nhiêu coin? Họ có thể “rút cầu”, lấy hết tiền và nghiễm nhiên trở thành người siêu giàu trong khi không tạo ra một giá trị gì ban đầu kể cả về công nghệ lẫn tokenomy.

 

Đây không phải là lần đầu tiên hình thức “chạy ra tiền” này xuất hiện. Khi đã bỏ ra tới vài chục triệu đồng để mua một đôi giày không đúng giá trị thật, người chơi sẽ cố chạy để đạt điểm hòa vốn rồi có lãi, nhưng để có lãi, người chơi sẽ phải tiếp tục “bơm” tiền cho app để kiếm được nhiều lãi hơn. Như vậy, khi người chơi bị mắc kẹt trong “vòng tuần hoàn ảo” này thì không khác nào như con thiêu thân, liên tục lao vào vòng xoáy.

 

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn (chuyên gia tài chính) cho rằng, dưới góc độ đầu tư thì STEPN vẫn là một trò chơi tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro. STEPN vận hành theo trend (xu hướng) nên khi đầu tư, người dùng cần chuẩn bị tâm lý rủi ro thua lỗ. Đặc biệt, mô hình kinh tế này được đánh giá là thiếu ổn định nếu không nâng cấp.

 

Trong khi đó, Wu Blockchain, chuyên gia phân tích lĩnh vực chuỗi khối và cập nhật tin tức độc quyền về đào Bitcoin tại Trung Quốc chia sẻ: “Nếu một trò chơi có nhiều người kiếm tiền hơn là tiêu tiều thì cuối cũng nó vẫn là đa cấp. Số tiền thu về của người chơi trước đến từ những người bỏ ra sau. Dự án sẽ ổn định khi người dùng sẵn sàng sử dụng nền tảng ngay cả khi họ thua lỗ. Nói cách khác, mô hình cân bằng tốt phải có lượng người dùng chi tiêu lớn hơn khách hàng đầu tư”.

 

Minh Lê


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang