Chủ Nhật, 05/05/2024 11:11:53 GMT+7

Tin đăng lúc 23-03-2022

Lượt xem: 1020

Cẩn trọng khi mua thuốc chữa Covid-19

Trong những ngày qua, cùng với việc số ca F0 tăng cao, thị trường thuốc, trang thiết bị y tế cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Trên mạng cũng xuất hiện rất nhiều loại thuốc chữa trị Covid-19 được quảng cáo, rao bán trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ. Hậu quả đối với sức khoẻ người tiêu dùng là điều hoàn toàn có thể nhìn thấy rõ.
Cẩn trọng khi mua thuốc chữa Covid-19
Các nhà thuốc trên đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đều tấp nập người vào mua thuốc và kit test nhanh Covid -19

Từ những kinh nghiệm truyền tai nhau trên mạng xã hội, rất nhiều người nhiễm Covid-19 hay người có nguy cơ nhiễm Covid-19 đã nhanh tay tìm mua các sản phẩm được quảng cáo có công dụng "điều trị dự phòng" SARS-CoV2. Mặc dù chưa được cấp phép tại Việt Nam, có nhiều sản phẩm quảng cáo dưới mác "hàng xách tay" nhanh chóng chiếm được lòng tin của khách hàng bởi một niềm tin ngây thơ rằng ở nước ngoài bán rất chạy.

 

Chị Nguyễn Thị Dung, 50 tuổi, ở Hà Nội cho biết, vì gia đình có F0 nên chị nhanh tay mua được 1 hộp thuốc đỏ Abidol của Nga với giá 200.000 đồng/hộp để uống dự phòng. Theo hướng dẫn của nhà cung cấp, 1 hộp thuốc Arbidol có 10 viên. Ai là F1 thì uống 1 viên/ngày. Chị cho biết: "Mấy ngày gần đây, số ca nhiễm tăng nhanh, khi tôi hỏi mua thêm thì đã tăng lên 500.000 đồng/hộp".

 

Trường hợp khác là chị Nguyễn Thu Thảo, 45 tuổi vốn có bệnh nền về đường hô hấp nên rất lo lắng nếu chẳng may bị nhiễm. Dù đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19, chị vẫn quyết định mua dự phòng 10 hộp Arbidol màu xanh trong nhà. Khi nghe tin đồng nghiệp là F0, chị đã vội vàng uống ngay “liều dự phòng” như lời quảng cáo sản phẩm trên mạng.

 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đây là những sản phẩm xách tay, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, người dân không nên tự ý sử dụng. Việc này vừa gây lãng phí tiền bạc, vừa tiếp tay cho các nhóm buôn lậu thuốc.

 

Còn theo dược sĩ Hà Quang Tuyến - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, "thuốc xanh, thuốc đỏ" hay Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus…

 

Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi thuốc kháng virus có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Vì thế, việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ, trong quá trình sử dụng cần giám sát cẩn thận tác dụng phụ để tránh xảy ra rủi ro. Hiện nay, thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam.

 

Cùng với việc săn lùng các loại thuốc ngoại theo lời truyền miệng, người dân cũng có thói quen chữa bệnh theo kinh nghiệm của người từng mắc hơn là theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này đã dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi và gặp phải hậu quả đáng tiếc.

 

Điển hình là trường hợp mà bác sĩ Nhật Minh Thắng, chuyên khoa Tiêu hóa - thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc và điều trị F0 tại nhà chứng kiến. Bác sĩ Nhật Minh Thắng chia sẻ: "Mấy ngày gần đây, khi thăm khám cho bệnh nhân đã phát hiện F0 bị chảy máu tiêu hóa do tự ý dùng Corticoid (loại Medrol 16mg) để điều trị Covid-19".

 

Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, dù các bác sĩ liên tục cảnh báo nhưng tình trạng lạm dụng Corticoid (Medrol) vẫn xảy ra rất nhiều. "Người già, trẻ con cứ ho sốt, sợ ăn xuống phổi, là các dược sĩ bán thuốc, "lang vườn" kê cho người bệnh Medrol. Tác dụng đúng là có đỡ sốt, đỡ ho, đỡ sưng nề nhưng hậu quả thì vô cùng. Cụ thể, Medrol làm ức chế hệ miễn dịch, tiếp tay cho virus nhân lên, dễ bội nhiễm vi khuẩn, làm bùng phát tiểu đường, huyết áp và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác" - bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết.

 

Dịch bệnh Covid-19 đang đặt ra những thách thức chưa có tiền lệ về sức khoẻ, y tế. Trước “biển thông tin” nhiễu loạn trên mạng xã hội, người tiêu dùng nên có cho mình một cơ chế sàng lọc thông tin chính xác để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng.

 

Minh Phương

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang