Thứ Năm, 09/05/2024 04:25:26 GMT+7

Tin đăng lúc 29-09-2021

Lượt xem: 783

Cảnh giác khi mua sản phẩm sâm Ngọc Linh qua các trang mạng

Hiện nay, trong hoàn cảnh đại dịch ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn, người tiêu dùng có điều kiện kinh tế rất quan tâm tới các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, nâng cao khả năng đề kháng, miễn dịch của cơ thể. Vì không có chuyên môn mà họ thường tin mua các sản phẩm qua các trang mạng quảng cáo một cách thiếu thận trọng. Sâm Ngọc Linh là một dược phẩm quý cũng bị đối tượng kinh doanh bất chính giao bán “tùm lum” như thế.
Cảnh giác khi mua sản phẩm sâm Ngọc Linh qua các trang mạng
Cảnh giác mua sâm Ngọc Linh qua mạng

Đôi nét giá trị sâm Ngọc Linh

 

Theo các thầy thuốc Đông y cho biết, sâm Ngọc Linh thuộc dòng họ cam tùng, có trong tự nhiên từ rất lâu và được đồng bào thiểu số Xê Đăng xem như một báu vật bồi bổ và chữa bệnh.

 

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt - Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam từng cho biết, sâm Ngọc Linh có nhiều thành phần, hợp chất quý hiếm. Những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm về loài sâm này đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan… Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài ra sâm hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

 

Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân, rễ củ. Cũng có thể sử dụng cả lá và rễ con. Nói chung phải chọn loại sâm có từ 7 – 8 tuổi mới sử dụng tốt. Người ta dựa vào sẹo trên thân rễ để tính tuổi của sâm; sâm trên thân rễ có trên 10 sẹo ước tính là trên 8 năm tuổi.

 

Năm 1973, đoàn cán bộ của khu y tế Trung Trung Bộ đã phát hiện loại sâm này tại miền Trung nước ta. sâm Ngọc Linh chủ yếu mọc trải dài ở chân núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum hay huyệt Nam Trà My tỉnh Quảng Nam, nơi có độ cao trên 1.800m so với mực nước biển. Năm 1978, đoàn công tác thứ hai phát hiện ra thêm một vùng sâm rộng lớn tới hàng chục kilomet, trữ lượng ước tính 7.000 cây. Với nguồn gốc và phát hiện có ý nghĩa to lớn này, sâm được gọi tên là sâm Ngọc Linh.

 

Năm 1984, sâm Ngọc Linh được đưa vào sách đỏ vì bị khai thác thiếu khoa học và Nhà nước đã nhanh chóng quyết định ký đề án phát triển cây sâm ở núi Ngọc Linh đến năm 2030, chuyên canh 19.000 ha, được tiến hành tại 7/10 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 9.000 tỷ đồng.

 

Như vậy, sâm Ngọc Linh chủ yếu có ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam. Đến nay, loài sâm này đã được Nhà nước coi là “Quốc bảo”. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của việc phát triển dược liệu trên địa bàn, ngày 02/3/2018, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU và tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định sâm Ngọc Linh là loại dược liệu đặc biệt cần quan tâm phát triển.

 

Theo thống kê gần đây của cơ quan chức năng cho thấy, toàn tỉnh Kon Tum đã phát triển được khoảng 600 ha sâm Ngọc Linh, trong đó tập trung  chủ yếu ở Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum (gần 600 ha) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô có hơn 13ha. Diện tích còn lại chủ yếu của người dân 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei tự trồng dưới những tán rừng và đang trong giai đoạn phát triển...

 

Như vậy, gần như sâm Ngọc Linh vẫn chưa bán ra thị trường (kể cả doanh nghiệp và người dân). Chỉ có Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum có cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Còn sâm củ thì công ty này cũng chỉ bán khi có khách hàng đặt nhưng số lượng cũng hạn chế.

 

Cảnh giác với rao bán sâm Ngọc Linh qua mạng

 

Với thực trạng sâm Ngọc Linh nêu trên là vậy, tuy nhiên, hiện nay, việc buôn bán sâm và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán sâm giả đang diễn ra khá phức tạp. 

 

Nhiều đối tượng kinh doanh bất chính sẵn sàng rao bán sâm Ngọc Linh trên các mạng xã hội facebook, zalo, trên địa bàn Hà Nội… và luôn khẳng định là sâm Ngọc Linh rừng tự nhiên, trong khi đó, hiện nay sâm Ngọc Linh tự nhiên rất hiếm.

 

Ông Trần Hoàn - Giám đốc Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết, hiện nguồn giống và sâm Ngọc Linh bán ngoài thị trường 90% không phải là sâm Ngọc Linh và số hạt sâm không phải sâm Ngọc Linh đưa vào vùng trọng điểm trồng sâm bán khá nhiều…

 

Nếu đến Gia Lai, Kon Tum, bạn sẽ thấy nhiều nơi rao bán sâm Ngọc Linh với giá từ 50-80 triệu đồng/kg sâm trồng, 80-100 triệu đồng/kg sâm tự nhiên. Tuy nhiên, các đối tượng rao bán hàng giả chủ yếu lấy các loại cây như điền trúc, tam thất... có ngoại hình rất giống để làm giả sâm Ngọc Linh và đa phần được đưa từ các tỉnh phía Bắc vào Kon Tum, trà trộn hoặc giả làm sâm Ngọc Linh Kon Tum rồi bán cho khách hàng. Mỗi ký tam thất chỉ có giá hơn 1 triệu đồng/1kg, nhưng khi "đội lốt" sâm Ngọc Linh Kon Tum thì giá gấp hàng chục lần…

 

Với vấn nạn còn tồn tại nêu trên, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác khi mua bán sâm Ngọc Linh, nhằm tránh tiền mất tật mang hay ôm nỗi bực mình bạn nhé!

 

Hà Linh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang