Thứ Bẩy, 27/04/2024 14:17:59 GMT+7

Tin đăng lúc 02-09-2023

Lượt xem: 585

Cảnh giác với món đồ nướng khi mùa Thu - Đông đến gần

Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ đầu năm đến tháng 8/2023, lực lượng QLTT Thủ đô đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ vận chuyển số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, thậm chí đã bốc mùi hôi thối.
Cảnh giác với món đồ nướng khi mùa Thu - Đông đến gần
Đồ nướng - món khoái khẩu của nhiều người

Trong đó, có nhiều mặt hàng như: Nội tạng, nầm lợn, chân gà… dù chất lượng không bảo đảm, có nguy cơ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vẫn được các thương nhân tẩy trắng, tẩm ướp gia vị, chế biến thành các món ăn trông bắt mắt, tỏa mùi thơm hấp dẫn tại các quán bán đồ nướng.

 

Đồ nướng là món ăn đường phố hút khách, đặc biệt là giới trẻ, vì hương vị hấp dẫn, thực đơn đa dạng và giá cả phải chăng. Với mức giá từ 99 ngàn đến 139 ngàn đồng/xuất ăn, cao hơn cũng chỉ dưới 200 ngàn đồng/người/xuất ăn, vào các buổi tối, nhất là khi thời tiết chuyển dần sang mùa Thu – Đông, tại các khu phố Nam Đồng, Hồ Khắc Di (quận Đống Đa), dọc đường quanh hồ Linh Đàm ra đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai)…, chủ quán đua nhau mời chào, chèo kéo thực khách và “thượng đế” cũng thỏa mái lựa chọn những nhà hàng để thưởng thức các món ăn như nầm lợn, nầm bò, thịt ba chỉ, dạ dày, bạch tuộc, mực khô, cá khô, hàu, chân gà, bánh mỳ bơ, rau củ...

 

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội có có mô hình quán nướng buffet giá “siêu rẻ” xuất hiện ở vỉa hè, với vài ba chiếc bàn nhựa, ghế nhựa đủ cho một nhóm nhỏ người, đặt trên chiếc bếp nướng loại nhỏ và vài đĩa thực phẩm tươi sống. Những thực khách ở đây chủ yếu là sinh viên, người lao động, cặp đôi nam nữ - những người ít tiền bởi mức giá đồ nướng rẻ, hợp với túi tiền của họ.

 

Tuy nhiên, các loại thực phẩm nói trên, đặc biệt là nội tạng động vật, đòi hỏi phải được sơ chế thật kỹ càng, nếu làm qua loa thì những loại ký sinh trùng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, gây nên một số loại bệnh nguy hiểm như bệnh tả, viêm gan, thương hàn, kiết lỵ. Chưa kể nguy cơ khác khi các loại rau củ và nguyên liệu khác để làm đồ nướng không được rửa sạch sẽ, bảo quản không đúng cách, bị nhiễm bụi bẩn từ vỉa hè... Trong thực tế, đa phần các quán đồ nướng vỉa hè thường có cơ sở vật chất tạm bợ, nguồn nước sinh hoạt hạn chế.

 

Anh Nguyễn Quốc An (phường Thanh Xuân Nam, Hà Nội) cho biết, một buổi tối, anh rủ bạn ra đường Nguyễn Xiển nhâm nhi hàu nướng vì cứ nghĩ đàn ông dùng hàu nướng sẽ đại bổ, tăng cường sinh lực. Phải nói là hàu của chủ quán chế biến có mùi thơm, hấp dẫn, nhưng mấy tiếng sau khi về nhà, anh bị đầy hơi và miệng nôn, trôn tháo, vợ anh phải gọi bác sĩ cấp cứu.

 

Theo PGS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, các món thực phẩm nướng ăn thì ngon, giàu đạm nên được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, khi thịt nướng ở nhiệt độ cao, các chất đạm sẽ khó tiêu hơn, dẫn đến đầy bụng, có cảm giác ậm ạch sau khi ăn. “Ở nhiệt độ cao, các chất béo trở nên không tốt cho tim mạch. Người ăn nhiều món nướng có thể bị mỡ máu cao. Một số chất sinh ra khi nướng kết hợp với khói và chất đạm có thể là nguyên nhân tác động xấu dẫn tới một số bệnh (tim mạch, xương khớp), ăn nhiều có thể gây ra ung thư”.

 

 

Các món nướng được giới trẻ ưa thích

 

Nhiều người nghĩ rằng, việc nướng thực phẩm bằng bếp cồn khô hay nướng với bơ sẽ an toàn hơn vì cồn Ethanol là nhiên liệu sạch, an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, hiện trên thị trường, các loại cồn Methanol (có thể gây ngộ độc) có giá rẻ hơn nhiều so với cồn Ethanol. Nếu cửa hàng sử dụng cồn Methanol thì khi đốt cháy, khói của nó có thể chứa một lượng hơi Methanol chưa kịp cháy, nếu thực khách hít phải một lượng lớn hơi Methanol thì dễ có nguy cơ bị ngộ độc.

 

Bà Hoàng Thị Minh Thu, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, các món đồ nướng như chân gà, nội tạng... là những nguyên liệu đòi hỏi phải sơ chế thật sạch, nếu làm sơ sài, những loại ký sinh trùng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, gây nên một số loại bệnh nguy hiểm, như: Tiêu chảy, tả, viêm gan, thương hàn... Thế nhưng, đa phần các quán đồ nướng vỉa hè thường có cơ sở vật chất tạm bợ, nguồn nước sinh hoạt hạn chế, do đó, khâu sơ chế sạch thực phẩm trước khi đưa vào chế biến còn qua loa.

 

Theo một đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì các thực phẩm vỉa hè, ven đường đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, bởi nguồn nguyên liệu không rõ ràng, nguồn nguyên liệu có thể nuôi ở vùng ô nhiễm, nguyên liệu hư hỏng biến chất, ngay tại môi trường đó điều kiện chế biến không đảm bảo, dụng cụ, trang thiết bị nướng không đảm bảo.

 

Ngoài ra, vấn đề nữa đó là ô nhiễm từ môi trường như bụi, ô nhiễm, thực phẩm ươn thối tẩm các loại hoá chất, gia vị. Các loại thực phẩm bán ế có thể người bán lại trữ lại ngày mai bán lại. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn vì hải sản được khuyến cáo không nên ăn thừa, chế biến để lâu quá.

 

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo không nên ăn quá nhiều đồ nướng, đặc biệt là những đồ nướng làm từ nguyên liệu ôi thiu, tẩm ướp hương liệu hóa học. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mỗi người cần chú ý khi dùng đồ nướng cần lựa chọn những quán hàng có uy tín và không nên dùng những thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc tốt nhất là nên ăn đồ nướng tại nhà với nguồn thực phẩm tươi sạch tự mình đi mua, tẩm ướp. Nếu không có điều kiện ăn đồ nướng tại nhà, trước khi ăn đồ nướng hãy lựa chọn cơ sở được cấp giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm đầy đủ để loại trừ những rủi ro không đáng có cho mình và người thân.

 

Mai Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang