Thứ Sáu, 26/04/2024 16:04:12 GMT+7

Tin đăng lúc 27-12-2018

Lượt xem: 14865

Chỉ tiêu cơ bản của Việt Nam năm 2019 và xếp hạng từ các tổ chức quốc tế

Năm 2018 sắp đi qua, nhìn lại, tuy còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng tựu chung, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội cơ bản, đó là một đất nước phát triển ổn định, hội nhập sâu rộng và ngày một nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam tiếp tục phát huy nội lực trong năm 2019, nhìn về một tương lại lạc quan, tươi sáng khi được các bạn bè quốc tế đánh giá là một quốc gia khá hấp dẫn.
Chỉ tiêu cơ bản của Việt Nam năm 2019 và xếp hạng từ các tổ chức quốc tế
Việt Nam tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ nhằm tạo ra thể chế

GDP năm 2019 phấn đấu tăng 6,6-6,8%

 

Đến cuối năm 2018, về tổng thể, cả nước đã đạt và vượt phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Điều này góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

 

Trên cơ sở đó, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua ngày 8/11/2018. Theo đó, 12 chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6% - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1% - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24% - 24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

 

Về tổng thể, năm 2019, Việt Nam tiếp tục hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; Thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công thực chất hơn; Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, kinh tế rừng, kinh tế biển, công nghiệp hỗ trợ, du lịch; Hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; Phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, củng cố giá trị và sự đoàn kết, tạo niềm tin và  khát vọng dân tộc...

 

Xếp hạng của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế

 

Trong những năm gần đây, môi trường đầu tư, kinh doanh, đời sống xã hội của Việt Nam liên tục được cải thiện, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

 

 

GDP Việt Nam 3 năm qua

 

Cụ thể, trong năm qua, Việt Nam đã được Trung tâm Nghiên cứu PEW (Mỹ) xếp hạng đứng đầu thế giới về sự thay đổi cuộc sống trong nửa thế kỷ qua, với 88% người Việt được khảo sát cho rằng cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn 50 năm trước, cao hơn con số tương ứng của Ấn Độ (69%), Hàn Quốc (68%) và Nhật Bản (65%), Philippines (43%) và mức trung bình 54% của châu Âu, đặc biệt là so với con số chưa tới 37% ở Mỹ… Việt Nam cũng được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình Australia xếp vị trí an toàn số một trong Bản báo cáo Chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI) công bố cuối tháng 11-2017. Đặc biệt, Việt Nam xếp thứ 11/67 quốc gia đáng sống đối với người nước ngoài và đã có những tiến bộ vượt bậc trong các chỉ số về môi trường làm việc, khả năng ổn định và hòa nhập (theo kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến Expat Insider gần đây, được thực hiện bởi Tổ chức InterNations - Mạng lưới cộng đồng những người sinh sống và làm việc ở nước ngoài lớn nhất thế giới, công bố trong quý 1/2017). Năm 2017, Việt Nam cũng được thăng hạng vượt trội trong nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về môi trường và kết quả kinh doanh. Việt Nam đứng ở vị trí 68/190 quốc gia/nền kinh tế, tức tăng 14 bậc so với năm 2016. Riêng chỉ số tiếp cận điện năng năm 2018 của Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc, đạt được mức xếp hạng cao nhất từ trước đến nay, đạt 87,94 điểm - đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế - tăng tới 37 bậc so với xếp hạng năm 2017 – theo Xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng xếp Việt Nam lên hạng 55, tăng 5 bậc so với năm trước và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2017 của Việt Nam tăng 12 bậc so với năm trước (tăng 29 bậc so với năm 2013)… Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng mới được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Moody's Investors Service) nâng mức đánh giá triển vọng, từ “ổn định” lên “tích cực” trên cơ sở đánh giá nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang trên đà ổn định, cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại được cải thiện, môi trường hoạt động của khu vực ngân hàng dần bình ổn…

 

Những thành công trên là kết quả của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Bằng những nỗ lực, đổi mới toàn diện cả trong nhận thức, chỉ đạo và hành động quyết liệt cũng như sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, Việt Nam đang vượt qua chính mình và được quốc tế công nhận. Mong rằng với một môi trường kinh doanh ngày một cải thiện, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư hơn nữa.

 

Hà Đăng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang