Thứ Sáu, 26/04/2024 13:51:25 GMT+7

Tin đăng lúc 21-05-2022

Lượt xem: 1320

Chống gian lận trong thương mại điện tử - cần sự chung tay của toàn xã hội

Thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng trở nên phổ biến, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều chú trọng phát triển hình thức thương mại mới này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, các chiêu trò gian lận thương mại điện tử cũng từ đó mà tăng theo với nhiều thủ đoạn mới và tinh vi hơn.
Chống gian lận trong thương mại điện tử - cần sự chung tay của toàn xã hội
Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm về thương mại điện tử

 

Nhiều thủ đoạn gian lận thương mại mới và tinh vi

 

Những năm gần đây, TMĐT ở Việt Nam có tốc độ phát triển, tăng trưởng rất nhanh, khoảng 30-35%. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Lợi dụng sự phát triển nhanh của TMĐT và phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều tổ chức, cá nhân đã tìm mọi cách để trục lợi từ hình thức này và tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.

 

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng nghìn sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc rao bán trên mạng xã hội, cũng như các sàn giao dịch điện tử. Điển hình là trong tháng 3, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, kiểm tra và thu giữ lượng lớn kit test nhanh và thuốc điều trị covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, đa số các đối tượng nhập lậu số hàng trên từ bên kia biên giới, sau đó thông qua mạng xã hội để móc nối với các đầu mối tiêu thụ bán kiếm lời.

 

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian gần đây, các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc phát hiện các vi phạm gặp không ít khó khăn. Nếu như trước đây TMĐT chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…

 

Ngoài ra, một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi, bởi muốn phá các vụ việc vi phạm pháp luật này phải tìm được hàng hóa, do vậy những thủ đoạn trên khiến việc “lật tẩy” mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, các đối tượng thường sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng, nhưng muốn có lệnh khám nhà ở là nơi cất giấu thì không hề dễ dàng và mất nhiều thời gian.

 

Một hình thức lừa đảo khá tinh vi nữa đó là các đối tượng thuê người giả vờ vào mua và đánh giá sản phẩm tốt nhằm tăng uy tín của gian hàng, đánh lừa người tiêu dùng, bởi thực chất sản phẩm bán ra lại không đúng những gì mà các đối tượng đã quảng cáo trên mạng…

 

Trong khi đó, trên các sàn TMĐT, do cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên sàn nên các sàn TMĐT làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó là, có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng.

 

Nhiều giải pháp phòng chống gian lận trong TMĐT

 

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với diễn biến phức tạp của các hành vi vi phạm sử dụng các phương tiện công nghệ trên không gian mạng, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT để triển khai trên cả nước.

 

Trong quá trình thực hiện kế hoạch này, lực lượng chức năng nhận thấy, hoạt động kinh doanh TMĐT rất phức tạp, khó xác định đối tượng vi phạm do các đối tượng này thường dùng công nghệ để xóa dấu vết, "ẩn danh". Tuy nhiên, sau một thời gian "tổng lực" triển khai cũng thu được kết quả tích cực.

 

Thống kê cho thấy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp cung cấp thông tin cho Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, công an các địa phương trên 300 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hoạt động các trang mạng, ứng dụng TMĐT; đồng thời, kiến nghị các sàn TMĐT gỡ bỏ trên 14.000 sản phẩm và trên 4.300 gian hàng vi phạm.

 

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực như: Tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn, vận động người nộp thuế khai và tự nộp thuế; đẩy mạnh công tác truy thu, xử phạt qua thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook, Youtube, Apple; tăng cường quản lý thuế đối với các tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và các trang điện tử hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam.

 

Đối với các sàn TMĐT, thời gian qua, để ngăn chặn hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Chotot... đã dùng công nghệ, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI để lọc hàng giả, tuy nhiên, vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái.

 

Cần sự chung tay của cả xã hội và hệ thống chính trị

 

Trước thực trạng ngày càng nhiều vụ gian lận TMĐT với số lượng cũng như giá trị ngày càng lớn, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, có thể thấy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động kinh doanh TMĐT là hết sức khó khăn. Để công tác này có sự chuyển biến căn bản, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và cả hệ thống chính trị là vô cùng quan trọng.

 

Theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888), Tổng cục QLTT đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không những ở thương mại truyền thống mà cả không gian TMĐT. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu như ký cam kết với các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki… để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các tổ chức cá nhân có hành vi đưa lên sàn để bán các sản phẩm nhập lậu, hàng giả….

 

Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng kết hợp với các cơ quan chức năng khác trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả hàng nhái; kết hợp các hiệp hội, cơ quan báo chí để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng trong việc báo cáo các trường hợp vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý và ngăn chặn.

 

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt các cơ quan chức năng thì sự chung tay của các doanh nghiệp, của người tiêu dùng đóng vai trò hết sức quan trọng. Các sàn TMĐT cần nâng cao vai trò của mình trong công tác quản lý sàn TMĐT. Các chủ sàn TMĐT – nhà cung cấp nền tảng kinh doanh cần xác minh thông tin người bán đầy đủ; hợp tác, phối hợp với các đơn vị truy xuất nguồn gốc hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa, từ đó kiểm soát được hàng giả hàng nhái trên sàn TMĐT; bên cạnh đó, cần làm tốt hơn khâu giải quyết khiếu nại để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, cần quan tâm hơn đến tính minh bạch của các trang TMĐT, không mua hàng ở những trang web không có địa chỉ rõ ràng, niêm yết giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực tế hàng hoá…

 

Đặc biệt, để quản lý chặt hoạt động kinh doanh TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các quy định về thủ tục kiểm tra, chính sách mặt hàng, chính sách thuế để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực TMĐT trong thời gian tới.

 

Minh Anh

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang