Chủ Nhật, 28/04/2024 02:17:21 GMT+7

Tin đăng lúc 16-09-2023

Lượt xem: 1290

Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố thúc đẩy ngành CNHT phát triển

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm và định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và coi đó là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư. Chính vì vậy, ngày 03/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT và các cơ chế chính sách liên quan, hệ thống pháp luật về CNHT, nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng ngày càng phát triển và lớn mạnh.
Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố thúc đẩy ngành CNHT phát triển
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang và Công ty TNHH khoa học kỹ thuật GOERTEK VINA hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành điện - điện tử

Bối cảnh và thực trạng nguồn nhân lực ngành CNHT

 

Theo các chuyên gia, hiện nay ở nước ta đang thiếu đội ngũ lao động cho ngành CNHT, bởi lĩnh vực này thâm dụng lao động đòi hỏi trình độ tay nghề cao, sản phẩm của các nhà máy CNHT là những sản phẩm mang tính đặc thù, theo quy chuẩn và yêu cầu thiết kế khắt khe của đơn vị đặt hàng. Nếu không có những giải pháp tích cực, đồng bộ nhằm phát triển nhanh trình độ của nguồn nhân lực cho CNHT, thì sẽ là điểm nghẽn lớn cho quá trình phát triển kinh tế nói chung, CNHT nói riêng, làm giảm hiệu quả của quá trình hội nhập sâu rộng và đón đầu làn sóng đầu tư của các công ty đa quốc gia ở nước ta khi các Hiệp định thương mại tư do thế hệ mới đã có hiệu lực.

 

Đặc biệt, khi tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao, bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh, đòi hỏi các DN, ngoài việc phải đầu tư nhiều hơn cho dây chuyền công nghệ mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu sản xuất thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình này ngày càng trở nên bức thiết. Mặc dù chúng ta có lực lượng lao động dồi dào, cần cù, nhưng hiện nay nguồn lao động có chất lượng cao vẫn còn quá ít, chủ yếu là các lao động giản đơn, chưa qua đào tạo chuyên ngành ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, quá trình lao động, ngoại ngữ và hạn chế trong việc thích nghi môi trường có áp lực cạnh tranh lớn. Nhiều DN còn chưa gắn kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu phát triển sản xuất nên có sự hụt hẫng về đội ngũ, không chủ động nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo thấp đã làm ảnh hưởng đến chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng, chất lượng kỹ sư, công nghệ viên, kỹ thuật viên và công nhân. Đặc biệt là lao động có tay nghề còn rất yếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia..., điều này khiến cho rất nhiều DN bị mất các hợp đồng sản xuất, các dự án đầu tư của các DN CNHT lớn trên thế giới...

 

Theo bà Phạm Ngô Thùy Ninh - Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Công Thương), mặc dù thời gian qua, nguồn nhân lực ngành Công nghiệp tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, về số lượng còn thiếu hụt lao động có tay nghề cao, thiếu nhân lực trong những ngành, nghề nặng nhọc độc hại (khai khoáng, luyện kim, làm việc trong hầm lò, lọc bụi điện, hàn chì…), còn về chất lượng, lao động chưa năng động và sáng tạo, thiếu tác phong chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu DN trong nhiều lĩnh vực như điện tử, công nghệ thông tin truyền thông, điều khiển tự động ở các trình độ. Đặc biệt, lĩnh vực chế biến, chế tạo là ngành sử dụng nhiều lao động nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 17,9%, mức thấp hơn trung bình của cả nước. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, CNHT chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị và trình độ công nghệ sản xuất so với thế giới, tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp. Do vậy, năng suất lao động của khu vực công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng chưa thể hiện được vai trò chủ chốt trong thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cho cả nền kinh tế.

 

Các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thăm quan mô hình sản xuất công nghệ cao của DN Hàn Quốc

 

Bên cạnh tăng cường công tác đào tạo trong nước theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành CNHT thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng được xem là giải pháp tiên quyết và cấp bách trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Thực hiện chủ trương này, Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc đã tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn, hỗ trợ trực tuyến về nâng cao trình độ nhân lực, chuyển giao công nghệ cho các DN trong lĩnh vực điện tử và ô tô, hướng đến việc hỗ trợ các DN Việt Nam sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như chất bán dẫn, bản mạch in, màn hình các loại, camera....

 

Cùng với đó, Bộ Công Thương Việt Nam đã đề xuất thành lập thêm tổ công tác 9 (WT9) nhằm hợp tác phát triển ngành CNHT theo “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8”, chủ yếu là tập trung vào các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực lãnh đạo hoạt động tại các DN CNHT nhằm mở rộng giao thương với các DN Nhật Bản, hỗ trợ ngành CNHT Việt Nam phát triển thêm về chiều sâu trong dài hạn.

 

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển nhà cung cấp, Bộ Công Thương còn phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (International Finance Corporation) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) để nâng cao năng lực DN CNHT Việt Nam, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chương trình có sự tham gia của 8 tập đoàn đa quốc gia (Ford, Canon, Toyota, Panasonic, Denso, Bosch, GE và Schneider Electric) và 45 DN thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo thông qua hai giai đoạn. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ cùng với Tập đoàn Samsung đào tạo nhân lực khuôn mẫu, đến nay đã triển khai được 02 khóa đào tạo tại Việt Nam (01 khóa đào tạo tại Hà Nội, 01 khóa đào tạo tại Tp. Hồ Chí Minh) với tổng số học viên là 52 học viên.

 

Đặc biệt, với hệ thống 31 trường đại học, cao đẳng trực thuộc đào tạo chủ yếu các ngành nghề liên quan lĩnh vực công nghiệp như: Công nghệ ô tô, cơ khí, công nghệ hóa học, vật liệu, sơn… Bộ Công Thương sẽ tạo thuận lợi cho các đối tác triển khai các kế hoạch hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy mối quan quan hệ toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc; Việt Nam – Nhật Bản và trực tiếp trao đổi, thống nhất Bản ghi nhớ và tiến tới ký kết cùng Công ty TNHH Hanwha Ocean, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Xanh về công tác đào tạo nguồn lực cho CNHT.

 

Các địa phương ráo riết phương án đào tạo nhân sự

 

Để thực hiện Nghị định này, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 02/KH-UBND về Chương trình phát triển CNHT TP Hà Nội năm 2023. Hà Nội phấn đấu có khoảng 950 DN hoạt động trong các lĩnh vực CNHT. Trong đó, khoảng 300 - 350 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

 

Theo đó, trong năm 2023, TP Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho DN CNHT thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển. Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất. Đồng thời, tổ chức Hội chợ chuyên ngành về CNHT năm 2023 với quy mô khoảng 200-300 gian hàng, qua đó thu hút DN CNHT quốc tế như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan tham gia. Đặc biệt, TP Hà Nội chú trọng công tác tổ chức tập huấn cho các DN CNHT Hà Nội với các nội dung: Quản trị DN sản xuất; Phổ biến, cung cấp thông tin cụ thể về hệ thống tiêu chí áp dụng, đáp ứng yêu cầu khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

 

TP Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của cả nước. Công nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP (chiếm khoảng 18% GRDP). Thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP nên các chính sách, các giải pháp phát triển công nghiệp - CNHT được điều chỉnh ngày càng thiết thực và phù hợp với thực tiễn phát triển của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Hiện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng suất sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho DN CNHT. Song song đó là các hoạt động kết nối, hỗ trợ DN bổ sung nguồn lực, cải thiện năng lực cạnh tranh.

 

Bắc Ninh cũng là tỉnh đang hướng đến là thành phố vệ tinh, trung tâm công nghệ cao của vùng đồng bằng sông Hồng, hiện tại nhiều dự án công nghiệp điện tử, bán dẫn đã và đang hoạt động. Riêng CNHT chủ yếu tập trung phục vụ 3 lĩnh vực chính gồm: Lắp ráp sản phẩm điện tử; cơ khí; thực phẩm, đồ uống công nghệ cao, đóng góp rất lớn vào ngân sách địa phương. Chính vì vậy, để đáp ứng cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp điện tử, Bắc Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố cơ bản, quan trọng và là khâu đột phá chiến lược. Trong thời gian qua, lao động ngành điện tử tại Bắc Ninh có những bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực. Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh học nghề 60.000 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 3.800 người, trung cấp 4.500 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 51.700 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 77% (tăng 1% so với năm 2021)… Các DN hỗ CNHT đã tạo việc làm cho gần 100.000 lao động, riêng DN FDI thu hút trên 70.000 lao động.

 

Tại tỉnh Ninh Bình, theo báo cáo của BQL các KCN tỉnh Ninh Bình, trong 2 năm qua (2020 - 2022), toàn tỉnh Ninh Bình đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 54.406 người, đạt 102% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là 14.720 người. Việc tuyển sinh, đào tạo chủ yếu ở các ngành, nghề: Công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền, kế toán DN, điện dân dụng, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật xây dựng, hàn, cắt gọt kim loại, lập trình máy tính… Qua đó đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh từ 65% (năm 2020) tăng lên 68% (năm 2022). Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đóng vai trò quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh.

 

Có thể nói, với tiềm năng và cơ hội phát triển, ngành CNHT Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy mà chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố thúc đẩy ngành CNHT phát triển và mở rộng, đồng thời, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang