Chủ Nhật, 28/04/2024 07:00:02 GMT+7

Tin đăng lúc 17-10-2023

Lượt xem: 1173

Cơ hội lớn để doanh nghiệp điện tử “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Có thể nói, các doanh nghiệp (DN) điện tử đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn điện tử toàn cầu.
Cơ hội lớn để doanh nghiệp điện tử “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Cơ hội phát triển ngành CNHT điện tử Việt Nam đang rất lớn

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất chiếm vị trí then chốt trong nền kinh tế và có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Những năm qua, ngành này có bước phát triển vượt bậc, chiếm tỷ trọng khoảng 18% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

 

DN điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn. Nhiều hãng điện tử toàn cầu đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ví như Tập đoàn Apple, đã có nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhưng đang có ý định triển khai sản xuất những sản phẩm mang tính cao cấp hơn.

 

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành điện tử đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tổng cục Thống kê cho hay, xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện giai đoạn này tăng trưởng bình quân 23,8%/năm, đưa Việt Nam từ vị trí 47 toàn cầu vào năm 2001 lên vị trí thứ 12 và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử. Riêng năm 2022, ngành điện tử đạt kim ngạch xuất khẩu 114,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so năm 2021 và chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thêm những cơ hội xuất khẩu linh kiện điện tử sang những thị trường khác nhau trên thế giới. Đầu năm 2023, Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam tiếp đón rất nhiều đoàn DN đến từ châu Âu, Đông Âu, Nga… những đoàn DN này có chung mong muốn tìm kiếm những sản phẩm điện tử chất lượng từ Việt Nam. Điều này đang mở ra những cơ hội rất lớn cho DN điện tử trong nước.

 

Cũng nói về những cơ hội cho DN điện tử Việt Nam, ông Darren Seah – Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) cho biết: DN Việt Nam nói chung và DN điện tử Việt Nam nói riêng đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Thực tế hiện nay, trên thế giới đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất về điện tử, thay đổi cho các thị trường truyền thống trước đây như Trung Quốc, do đó đây là cơ hội để DN điện tử Việt Nam có thể nắm bắt dòng sản xuất ở các thị trường khác có ý định sản xuất tại Việt Nam.

 

Đặc biệt, Việt Nam đã thu hút được những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đến đầu tư như Samsung, LG, Intel, Canon… điều có chứng tỏ, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mình vào vị trí trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử của khu vực Đông Nam Á, châu Á. Thực tế vừa qua, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Pegatron, Intel,… đều bày tỏ sự quan tâm và có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất các sản phẩm điện tử tại Việt Nam, trong đó có một số sản phẩm hàm lượng công nghệ cao. Tập đoàn Samsung cũng đang đẩy mạnh hơn các hoạt động tìm kiếm, kết nối với DN cung ứng nội địa để tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị của tập đoàn này tại Việt Nam.

 

Có thể nói, Việt Nam chính là một trong những quốc gia có lợi thế về vị trí địa lý, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền và đặc biệt các chính sách thu hút đầu tư thì rất cởi mở, vì vậy, cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử là rất lớn. Đây cũng là cơ hội để DN điện tử Việt Nam tìm kiếm những cơ hội hợp tác với DN nước ngoài, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử.

 

Rõ ràng, cơ hội cho DN điện tử Việt Nam đang rất lớn, tuy nhiên, ông Darren Seah cũng cho rằng, để tận dụng được những cơ hội trên, DN sản xuất điện tử của Việt Nam phải đảm bảo 2 yếu tố, bao gồm: Thứ nhất, đảm bảo chất lượng sản phẩm; Thứ hai, cần có sự kết nối với các đối tác nước ngoài để đảm bảo về mặt xuất khẩu sản phẩm. Nếu đáp ứng được hai tiêu chí đó, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội phát triển và trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á, châu Á.

 

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), ngành điện tử Việt Nam hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, ti-vi, máy giặt, điện thoại, máy in,… Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, mầu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Sự phát triển vượt bậc của ngành điện tử chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Nhưng hệ lụy dẫn đến là ngành cũng đang phụ thuộc quá lớn vào khối ngoại khi có đến 95% kim ngạch xuất khẩu đang thuộc về các DN FDI. Năng lực DN nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu nên thị trường điện-điện tử dân dụng trong nước hiện đa phần do thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.

 

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại. DN công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp. Ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở công đoạn lắp ráp trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử, còn những sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu gần như không có.

 

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Công nghiệp, các sản phẩm điện tử thường có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi năng lực của DN trong nước hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như thương hiệu. Vì vậy, các công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài. Mặt khác, do năng lực sản xuất của DN nội thấp nên chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của các DN FDI, dẫn đến mối liên kết giữa DN cung ứng và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.

 

Trong bối cảnh thị trường chung biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba, chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Ðây là cơ hội để ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đồng thời tạo điều kiện cho các DN nâng cao năng lực vốn, kinh nghiệm quản trị cũng như trình độ sản xuất và công nghệ.

 

Anh Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang