Thứ Hai, 29/04/2024 10:26:34 GMT+7

Tin đăng lúc 02-08-2017

Lượt xem: 6471

Công đoàn Dệt May Việt Nam: Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh là chỗ dựa tin cậy của người lao động

Dệt May là một ngành đặc thù với tỷ lệ lao động nữ chiếm 70%. Hiện nay, Công đoàn Dệt May Việt Nam (CĐDMVN) đang quản lý trực tiếp 119 công đoàn, với tổng số 132.000 lao động, trong đó có 124.000 đoàn viên công đoàn.
Công đoàn Dệt May Việt Nam:  Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh là chỗ dựa tin cậy của người lao động
Ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam

Xác định vai trò là điểm tựa cho người lao động (NLĐ), trong những năm qua, CĐDMVN luôn chú trọng làm tốt việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, xây dựng đội ngũ người lao động dệt may chuyên tâm, gắn bó, đoàn kết, hiệu quả, góp phần cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành. Nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2017), phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn DMVN.

 

PV: Là một trong những ngành có nhiều lao động nhất, ông có thể cho biết trong thời gian qua, hoạt động của Công đoàn DMVN đã tập trung vào những vấn đề gì?

 

Ông Lê Nho Thướng: Thực hiện nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động VN, trong những năm qua, hoạt động công đoàn (CĐ) tập trung hướng về cơ sở là chủ yếu, với các chương trình: Tuyên truyền giáo dục, nâng cao kĩ năng về đàm phán, thương lượng cho đội ngũ cán bộ đoàn viên; Kí kết các thỏa ước lao động tập thể, tập trung đào tạo nâng cao trình độ kĩ năng đàm phán, thương thuyết với người sử dụng lao động để khi đưa ra kí kết sẽ có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ so với quy định. Sau khi chấm điểm, đơn vị nào có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ nhất thì điểm sẽ càng cao, việc làm này là cơ sở để đánh giá, phân loại tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn hàng năm. Vì thế, trong những năm qua, chất lượng các hoạt động của tổ chức CĐ cơ sở và đội ngũ cán bộ CĐ cũng được nâng lên, qua đó khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức CĐ trong doanh nghiệp, cũng như uy tín, độ tin cậy đối với NLĐ, đoàn viên với tổ chức CĐ. Nhờ đó, trong những năm qua, các DN thuộc CĐDMVN có tỷ lệ lao động biến động rất thấp so với bình quân chung của ngành, chỉ khoảng 8-10%. Có được kết quả đó chính là nhờ sự phối hợp đồng hành giữa CĐ với chuyên môn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ tại DN, đây là điều quan trọng nhất, bởi CĐ xác định DN muốn tồn tại, phát triển thì chế độ, chính sách với NLĐ phải được đảm bảo, CĐ phải đồng hành cùng DN và chuyên môn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN nhằm tạo được nhiều công ăn, việc làm cho NLĐ. Bên cạnh đó, CĐ phối hợp cùng chuyên môn tổ chức các phong trào với phương châm phong trào phải có hiệu quả.

 

PV: Vậy hiệu quả mà tổ chức CĐ ngành DMVN đem lại cho NLĐ được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

 

Ông Lê Nho Thướng: Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội lần thứ 4 của CĐDMVN, nếu như năm 2013, thu nhập bình quân của các DN thuộc CĐDM chỉ đạt 4,7 triệu đồng/người/tháng thì năm 2017 đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng, so với các ngành khác đây không phải là mức thu nhập cao nhưng quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ hài hòa, việc làm, đời sống của NLĐ ổn định và từng bước phát triển, đó là những điều mà trong những năm vừa qua CĐ đã làm được.

 

Bên cạnh đó, trên cơ sở có sự tham gia vào tổ chức CĐ, trách nhiệm của người sử dụng lao động với NLĐ cũng được nâng lên, đã tạo được sự gắn bó với NLĐ, ngoài việc đảm bảo thu nhập, DN cũng thường xuyên đào tạo để nâng cao tay nghề cho NLĐ. Cụ thể, trong 4 năm vừa qua có gần 112 nghìn lượt công nhân lao động được đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề, vì thế trình độ tay nghề và trình độ NLĐ được nâng lên, các quy định của pháp luật được người sử dụng lao động thực hiện tốt. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, có 17 lượt DN trong hệ thống CĐDM vinh danh là DN vì NLĐ (đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động VN phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), trong đó riêng CĐDM có 4/15 DN 3 năm liền được vinh danh đó là Tổng công ty May 10, Công ty CP Dệt - May Huế, Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Tổng công ty May Hưng Yên. Năm 2016, ngành Dệt May có 7 DN (chiếm hơn 10% DN vì NLĐ) được vinh danh vì NLĐ trên tổng số 60 DN trong cả nước. Điều đó thể hiện sự phối hợp giữa tổ chức CĐ với cơ quan chuyên môn, tạo sự gắn kết giữa NLĐ với DN để chăm lo tốt đời sống, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

 

PV: Thưa ông, bên cạnh việc NLĐ được đào tạo để nâng cao trình độ, tay nghề thì còn có hình thức gì khác?

 

 

Công nhân đang sản xuất ở Xí nghiệp Veston Hưng Hà, Thái Bình (Tổng công ty May 10)

 

Ông Lê Nho Thướng: Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập CĐDM và Tập đoàn DMVN, Tập đoàn Vinatex đã tổ chức cuộc thi thợ giỏi trong toàn ngành. Hình thức thi được tổ chức khác so với 4 lần thi trước. Cụ thể, nếu như ở các lần thi trước sẽ tổ chức theo hình thức 1 người thợ may hoàn thiện 01 sản phẩm, thì lần này được tổ chức theo nhóm, mỗi nhóm bao gồm 5 người sẽ phải may hoàn thiện 20 sản phẩm trong khoảng thời gian quy định. Hình thức thi này sẽ giúp nâng cao được kĩ năng của người điều hành công việc và chất lượng tay nghề của người thợ trong các dây chuyền. Thông qua cuộc thi sẽ phát hiện những chỗ yếu và thiếu của người điều hành chuyền, trên cơ sở đó Tập đoàn sẽ phối hợp với Công đoàn đào tạo để nâng cao trình độ, đáp ứng được yêu cầu để ra.

 

PV: Trong cơ chế hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, tổ chức CĐDM sẽ làm gì để NLĐ trong ngành tiếp tục có việc làm và thu nhập ổn định, thưa ông?

 

Ông Lê Nho Thướng: Năm 2016 là năm mà sức mua ở thị trường Mỹ giảm hơn 4%, nhưng xuất khẩu DM của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn tăng khoảng 4,6%. Điều đó khẳng định chất lượng hàng dệt may VN cũng như sự tin tưởng của khách hàng với các nhà sản xuất VN và khả năng tổ chức sản xuất cũng như tiến độ giao hàng của VN luôn đảm bảo được yêu cầu khách hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, theo báo cáo của Vinatex, tăng trưởng xuất khẩu của DMVN đạt gần 11%, hầu hết DN thuộc hệ thống CĐDM đã kí đủ các đơn hàng xuất khẩu cho cả năm, thấp nhất các đơn vị cũng đã ký đến hết tháng 9.

 

Ngoài phát triển về xuất khẩu thì ngành DMVN cũng đẩy mạnh tiêu thụ trong thị trường nội địa với tỷ lệ nội địa hóa của ngành hiện chiếm khoảng gần 60%. Để hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tháng 3 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động VN cũng đã tổ chức kí kết Thỏa thuận hợp tác với 9 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước về việc thực hiện ưu đãi cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, trong đó có hàng của ngành Dệt May. Theo nội dung các Thỏa thuận hợp tác, những người có thẻ đoàn viên thuộc ngành, hoặc ngoài ngành Dệt May khi mua hàng trong các cửa hàng của các DNDM đều được giảm 10%; Nếu mua theo giấy giới thiệu của tổ chức CĐ để tặng cho hội nghị, hội thảo của hệ thống CĐ thì sẽ được giảm ít nhất là 15%. Chương trình hiện vẫn đang được triển khai, thông qua chương trình này sẽ đẩy được sức mua của người tiêu dùng với các sản phẩm dệt may của Việt Nam.

 

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hoa (thực hiện)

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang