Chủ Nhật, 05/05/2024 17:27:56 GMT+7

Tin đăng lúc 23-07-2020

Lượt xem: 1236

Công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo: Động lực phát triển kinh tế

Hiện nay, công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Thế nhưng việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu?
Công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo: Động lực phát triển kinh tế
Công nghiệp chế biến, chế tạo đang hút vốn đầu tư

Công nghiệp chế biến, chế tạo có một sức hút rất lớn trong thu hút đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Riêng năm 2019, trong tổng số 32 tỷ USD thu hút vốn đầu tư vào các ngành kinh tế của Việt Nam, đã có gần 22 tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và điều đó cho thấy, đây không chỉ là chiến lược công nghiệp hóa hiện tại của Việt Nam mà cả chiến lược hội nhập và xuất nhập khẩu bền vững.

 

Từ trước đến nay, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn được xem là điểm sáng và là động lực dẫn dắt toàn ngành công nghiệp đi lên. Trong 6 tháng đầu năm, ngành chế biến chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 4,96%, con số này cao gấp đôi mức tăng của toàn ngành công nghiệp.

 

Nếu xem ngành công nghiệp chế biến chế tạo là một ngôi nhà. Thì móng nhà, phần có thể nói quan trọng nhất, chính là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Và móng được kết lại từ nhiều mảnh ghép khác nhau. Tượng trưng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho từng ngành sản xuất như là cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may…

 

Hiện nay, công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT của Việt Nam cũng như toàn cầu đang chứng kiến những sự thay đổi rất lớn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế toàn cầu hóa và đặc biệt là do tác động của COVID-19. Những yếu tố này tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam tiếp cận những làn sóng mới, những xu thế thay đổi mới trong việc hình thành những chuỗi cung ứng, dịch chuyển của các nguồn đầu tư.

 

Trong thời gian qua, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ, doanh nghiệp còn loay hoay với câu chuyện kết nối cung - cầu. Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và CNHT nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về CNHT; nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác.

 

Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây sẽ tạo ra thuận lợi từ giảm thuế quan, ưu đãi cho tiếp cận thị trường và các dịch vụ khác. Rõ ràng trong một bối cảnh như vậy, việc kết nối doanh nghiệp, làm sao có được thông tin để doanh nghiệp gặp gỡ nhau là rất quan trọng. Chính vì vậy, để các doanh nghiệp CNHT, chế biến chế tạo tham gia sản xuất chuỗi, Bộ Công Thương đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu trong công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây có thể coi là hệ thống dữ liệu đầu tiên của ngành công nghiệp.

 

Hệ thống cơ sở dữ liệu này còn mới và hạn chế, tức là chỉ trong một số lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như công nghiệp ôtô, chế biến thức ăn, điện tử, công nghiệp da giày, dệt may... sẽ cung cấp thông tin của hơn 3.500 doanh nghiệp, góp phần hình thành mạng lưới liên kết giúp các doanh nghiệp, giúp cho nhà đầu tư nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về chính sách cũng như về các cơ sở, điều kiện phát triển toàn diện, nhất là những yếu tố liên quan đến các cơ sở vật chất và hệ thống các ngành công nghiệp tại Việt Nam.

 

Ngoài ra, các nhà đầu tư trong nước cũng có điều kiện để nắm bắt, hiểu rõ hơn nữa về khả năng tham gia trong chuỗi cung ứng các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó chúng ta có điều kiện để khẳng định và tiếp tục củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng này.

 

Đây cũng sẽ là một hệ thống cơ sở dữ liệu vô cùng quan trọng cho Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc tiếp tục nắm chắc và tìm hiểu đầy đủ, kỹ lưỡng ngành công nghiệp, từ đó, đảm bảo cho xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kịp thời, phù hợp, chính xác; đồng thời tạo ra những cơ sở để hoàn thiện môi trường trên cơ sở minh bạch, công khai, có sự nhất quán.

 

Năm 2020 dự báo kinh tế thế giới có chiều hướng tích cực, để công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, tạo động lực phát triển kinh tế Việt Nam, sẽ cần có các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính như các chính sách thuế, đặc biệt có chính sách tín dụng ưu đãi cho các công nghiệp ưu tiên phát triển như dệt may, da dày, ô tô, cơ khí và đặc biệt là ngành CNHT và triển khai các hoạt động hỗ trợ. Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, để ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển, các địa phương cũng có vai trò không nhỏ trong việc cần chú trọng bố trí các nguồn lực để xây dựng và triển khai chính sách phát triển công nghiệp, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.

 

Thái Bình


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang