Thứ Bẩy, 27/04/2024 11:27:45 GMT+7

Tin đăng lúc 25-05-2016

Lượt xem: 5331

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Ở tầm vĩ mô, phát triển CNHT giúp giảm nhẹ kim ngạch nhập khẩu đầu vào sản xuất, qua đó, giúp hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (nhất là cán cân thương mại) cũng như ngoại tệ đối với những nước nhập khẩu hàng hóa.
Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng
CNHT là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, trong khoảng 5 năm gần đây, việc năng lực cạnh tranh (quốc gia, doanh nghiệp) ít được cải thiện, chính sách nội địa hóa không đạt kết quả như mong muốn, những bất ổn vĩ mô kéo dài và việc chậm trễ thực hiện xây dựng và ban hành các chính sách thúc đẩy CNHT phát triển đã và đang tạo sức ép ngày càng lớn cho việc hoàn thiện, cụ thể hóa và có thể chỉnh đổi khung pháp lý và chính sách phát triển CNHT ở Việt Nam trong thập niên tới.

 

Trước hết, CNHT là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá. CNHT là ‘bệ đỡ’ cho sự phát triển sản xuất công nghiệp, là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn. Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, nếu công nghiệp hỗ trợ kém phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng sẽ bị giới hạn trong một số ít các ngành.

 

Thứ hai, trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp (DN) trong ngành CNHT thường có xu hướng tập trung chuyên môn hóa vào các công đoạn, hoặc chi tiết sản phẩm có thế mạnh, mặt khác các doanh nghiệp cũng đồng thời thực hiện hợp tác liên kết với nhau nhằm hoàn thiện, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Do sự chuyên môn hóa sâu, chuyên tâm vào lĩnh vực của mình và kết hợp với sự hợp tác hóa chặt chẽ nên sẽ tạo năng suất sản xuất và hiệu quả mới tăng lên.

 

Thứ ba, công nghiệp hỗ trợ chính là cơ sở để thực hiện hội nhập công nghiệp toàn cầu. Các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia hàng đầu trên thế giới ngày càng có vai trò chi phối, điều tiết và gần như quyết định với tầm ảnh hưởng rất rộng đến hệ thống kinh tế thế giới. Các nước đang phát triển, đi sau, cũng chịu sự chi phối, điều tiết này và không thể một bước phát triển vượt bậc, để đạt được sức mạnh ngang tầm mà cần phải có quá trình từng bước tương thích, hợp tác và hội nhập. Điều này chỉ có ngành công nghiệp hỗ trợ mới phát huy được vai trò đó. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, khi các quan hệ hợp tác được thiết lập, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ là một bộ phận hiện hữu, không tách rời, cấu thành trong các sản phẩm của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,... Công nghiệp hỗ trợ nhờ đó mà trở thành một bộ phận tham gia vào hệ thống sản xuất chuyên môn hóa quốc tế. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ sẽ được nằm trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực cũng như toàn cầu. Hội nhập quốc tế quan trọng hơn là hội nhập ở thượng nguồn, tức là phối hợp với nhau trong quá trình tham gia sản xuất linh kiện, để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Công nghiệp hỗ trợ chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu chứ không phải công nghiệp lắp ráp. Công nghiệp lắp ráp lại thuộc khâu hạ nguồn, nó không mang tính sản xuất, chế tạo, thiếu yếu tố năng động, sáng tạo. Đối với việc tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nếu như công nghiệp hỗ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài, nhưng vì chủng loại quá nhiều, chi phí chuyên chở, bảo hiểm sẽ làm tăng phí tổn đầu vào. Đó là chưa nói đến sự rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu. Công ty đa quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý dây chuyền cung cấp nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận, và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ khác.

 

Thứ tư, công nghiệp hỗ trợ phát triển có hiệu quả tạo điều kiện thu hút được đầu tư nước ngoài và tạo tăng trưởng bền vững. Nhân tố lao động giá rẻ ngày nay cũng không còn sức hấp dẫn nhiều trong thu hút đầu tư, phát triển bền vững. CNHT phát triển sẽ thu hút FDI, tỷ lệ của chi phí về CNHT cao hơn nhiều so với chi phí lao động nên một nước dù có ưu thế về lao động nhưng CNHT không phát triển sẽ làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn. Đối với công nghiệp lắp ráp và tận dụng lao động giá rẻ, đến một mức độ nào đó khi các tập đoàn kinh tế không thấy cơ hội nữa họ sẽ rời bỏ đi. Thay vào đó, xu thế ngày nay các tập đoàn kinh tế, công ty nước ngoài, các nhà đầu tư sẽ chú trọng tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy vào những khu vực mà tại đó họ có thể tận dụng được một ngành công nghiệp hỗ trợ tốt, đáp ứng được nhu cầu mua sắm linh kiện, chi tiết sản phẩm hay như các hợp đồng cung cấp, đặt hàng sản xuất các chi tiết, đơn vị sản phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm. Các DN hoạt động trong ngành CN hỗ trợ nội địa cũng không phải mất phí tổn và thời gian về nghiên cứu phát triển do công đoạn này đã được các tập đoàn đầu tư, các công ty đa quốc gia thực hiện. Do vốn đầu tư được rải ra cho nhiều DN nên phân tán, hạn chế được rủi ro, khủng hoảng nếu có. Phần lớn các DN công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ, nên có thể thay đổi mẫu mã, đổi mới hoạt động sản xuất nhanh, ứng phó linh hoạt với biến động của thị trường. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải là CNHT phát triển đồng bộ rồi mới có FDI. Giữa FDI và ngành CNHT có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Trong nhiều trường hợp, FDI đi trước và lôi kéo các công ty khác (kể cả công ty nước ngoài và công ty khu vực địa phương) đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ.

 

Thứ năm, phát triển CNHT sẽ có tác động khuyến khích ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ cao, lực lượng lao động có cơ hội được tiếp xúc, học hỏi, nâng cao tay nghề. Lao động trong công nghiệp hỗ trợ sẽ khuyến khích, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, trong khi hoạt động lắp ráp là những công việc đơn thuần, lặp đi lặp lại, trình độ tay nghề của công nhân không có cơ hội được nâng cao, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật.

 

Thứ sáu, ngành công nghiệp hỗ trợ còn có những đóng góp quan trọng trong sự ổn định kinh tế, xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Khi các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp tự sản xuất được các chi tiết, linh kiện sản phẩm, đồng nghĩa với việc không còn phải nhập khẩu để phục vụ cho xuất khẩu, từ đó sẽ có tác động hạn chế nhập siêu, tăng nguồn thu ngoại tệ, đồng thời giảm được tình trạng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tự động nó sẽ có tác động tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa. Ngoài ra, ngành CNHT phát triển sẽ tạo ra hiệu ứng kéo các ngành công nghiệp khác phát triển, giải quyết công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng trong nước, đóng góp tăng trưởng kinh tế và làm giảm tỷ lệ người nghèo.

 

Cuối cùng, phát triển CNHT là điều kiện đủ để phát triển các cụm liên kết ngành (industrial cluster) – công cụ rất hữu hiệu giúp nâng cao cạnh tranh, đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế vùng – thông qua xây dựng mạng lưới các nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp khác. 

 

TS. Lê Xuân Sang, Th.S Nguyễn Thị Thu Huyền

 Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang