Thứ Sáu, 26/04/2024 07:38:25 GMT+7

Tin đăng lúc 08-05-2015

Lượt xem: 9339

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh: Tự tin vượt qua khó khăn, thách thức

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những dự án nhiệt điện lớn nằm ở gần trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng và đã đi vào hoạt động từ năm 2010, với 4 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 300 MW. Đây là dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ sở hữu và đến năm 2013 chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Tổng công ty phát Điện I (EVN GENCO1), mà trực tiếp là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh quản lý.
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh: Tự tin vượt qua khó khăn, thách thức
Một góc Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh

Là một công trình mới đi vào hoạt động, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, trong vài năm lại đây, nhà máy đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng điện sản xuất chỉ tính năm 2014 đạt 6,181 tỷ kWh (kế hoạch là 4,97 tỷ kWh), đạt 124,34% kế hoạch, tăng 150,16%, so cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thương phẩm 5,624 tỷ kWh (kế hoạch là 4,49 tỷ kWh), đạt 125,15% kế hoạch và tăng 147,51% so cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu đạt 7.704,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (chưa tính lũy kế từ năm 2013) là 6,5 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, do mới đưa vào sử dụng, lại có 02 tổ máy đang trong giai đoạn bảo hành nên nhà máy còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, đặc biệt, chất lượng thiết kế một số công đoạn không phù hợp, trong khi thiết bị vận hành các tổ máy chưa ổn định, dẫn tới hay xảy ra sự cố, cụ thể là: Hệ thống chế biến than bột chỉ bố trí 02 máy nghiền cho mỗi tổ máy không đảm bảo vận hành kinh tế; Hệ thống các đường ống sinh hơi phía trên thuyền xỉ các lò hơi khi thiết kế đã không tính đến tác động ăn mòn của hóa học; Hệ thống kênh dẫn nước tuần hoàn đã không tính toán đầy đủ tác động bồi lắng... Bên cạnh đó, công tác quyết toán các hợp đồng EPC và ngoài EPC còn kéo dài, hiệu quả chưa cao, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, các Nhà thầu chưa tích cực phối hợp, đã ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng quản lý vận hành, sản lượng điện phát chưa đạt theo yêu cầu. Trong khi đó, trình độ quản lý, điều hành của một bộ phận cán bộ chủ chốt các phòng ban, phân xưởng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Trình độ vận hành máy móc, thiết bị của công nhân không đồng đều, chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng sản xuất của Công ty.

 

Đứng trước thực tế đó, Ban Lãnh đạo Công ty đã xác định, trước hết phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, xiết chặt kỷ cương, tăng cường củng cố hệ thống thiết bị, máy móc, đảm bảo độ tin cậy, an toàn của các tổ máy khi vận hành và  từng bước nâng cao đời sống, tinh thần cho CBCNV. Trong đó, Công ty tập trung chuẩn hóa lại kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện chương trình đổi mới nhận thức trong công tác quản lý; Thực hiện bố trí và luân chuyển cán bộ trong Công ty, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ “giỏi một nghề, biết nhiều nghề”; Mở các lớp đào tạo và đào tạo lại lao động, thi nâng bậc để nâng cao trình độ sản xuất, kỹ năng vận hành máy móc thiết bị; Khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tạo động lực và cơ hội thăng tiến cho người lao động gắn bó với công việc, có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt. Chính vì vậy, tính đến 31/12/2014, trong tổng số 939 lao động thì 04 người có bằng thạc sỹ, đại học 332 người, cao đẳng 136 người, số còn lại trung cấp nghề và công nhân kỹ thuật.

 

Bên cạnh đó, Công ty cũng tiếp tục xây dựng, ban hành, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ phù hợp với tình hình thực tế để công tác quản lý, vận hành được khoa học và đi vào ổn định; Đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên và ổn định, an toàn, hiệu quả đối với trang thiết bị; Tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm bắt, ngăn ngừa, hạn chế sự cố, thực hiện chế độ bảo dưỡng để đảm bảo tính sẵn sàng cao cho các tổ máy. Đặc biệt là đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp “tối ưu hóa chi phí” trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng nhằm giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Hạnh – Tổng giám đốc Công ty cho biết, để duy trì vận hành ổn định thiết bị máy móc, phát điện công suất cao theo yêu cầu của Tổng công ty Phát điện I và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, Công ty đã tăng cường lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân có tay nghề cao đảm nhiệm các công đoạn chính trong dây chuyền vận hành; Đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện sửa chữa khiếm khuyết bằng nhiều giải pháp tiến bộ, trong đó, tăng cường phối hợp với Công ty CP Sửa chữa Nhiệt điện miền Bắc (NPS) khắc phục, xử lý nhanh các sự cố và nắm bắt được tình trạng thiết bị để ngăn ngừa hỏng hóc. Nhờ vậy mà hệ số khả dụng các tổ máy trong năm 2014 đã đạt được 0,813 (gấp 2,1 lần năm 2013). Bên cạnh đó, Công ty cũng đặc biệt chú trọng đến công tác thị trường điện, nhằm đáp ứng yêu cầu chào hàng, thanh toán thị trường điện. Chủ động mua sắm nguyên, nhiên liệu và các thiết bị vật tư dự phòng cho sản xuất.

 

Hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, Công ty còn chú trọng quan tâm đảm bảo chế độ lương, thưởng phù hợp, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của CBCNVC – LĐ, khuyến khích họ gắn bó với nghề, với Công ty. Trong đó, chuyên môn và Công đoàn thường xuyên phối hợp, tổ chức tốt các phong trào văn hóa, thể thao (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông...), tạo sân chơi và giảm áp lực cho CBCNVC - LĐ sau những giờ làm việc căng thẳng.

 

Thực hiện chủ trương của EVN, năm 2015 toàn ngành triển khai mục tiêu "Năng suất và hiệu quả", do vậy, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện chương trình kế hoạch tối ưu hóa chi phí trong SXKD và đầu tư xây dựng. Phấn đấu nâng cao hệ số khả dụng của thiết bị, máy móc, hạn chế sự cố, chuẩn bị tốt các phương án để khi cần huy động sẽ phát công suất cao, đáp ứng yêu cầu của lưới điện. Mặt khác, Công ty cũng xây dựng kế hoạch dài hạn cho giai đoạn 2016 - 2020 bằng việc chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2016. Riêng kế hoạch SXKD, Công ty phấn đấu thực hiện sản lượng điện sản xuất đạt 6,329 tỷ kWh; Sản lượng điện bán cho EVN đạt 5,721 tỷ kWh; Kế hoạch doanh thu 7.972,6 tỷ đồng; Lợi nhuận 211,8 tỷ đồng… Tổng giá trị ĐTXD năm 2015 dự kiến là 164,34 tỷ đồng, trong đó, huy động từ nguồn vốn vay tín dụng trong nước và các ngân hàng thương mại khác, để đầu tư mới các hạng mục công trình như: Đập bãi xỉ; bãi thải xỉ giai đoạn 2. Phần vốn còn lại để giải ngân quyết toán các hạng mục công trình ngoài EPC của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Nhiệt điện Quảng Ninh 2.

 

Mới xây dựng và cũng mới đi vào vận hành, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình quản lý, vận hành các tổ máy, thậm chí CBCNVC-LĐ trong Công ty cũng đã xác định có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn sự cố xảy ra do thiết bị, công nghệ trong thời gian tới. Song, với tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận trong tập thể lãnh đạo và CBCNV, chắc chắn Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, quản lý vận hành tốt dây chuyền thiết bị công nghệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  

 

Như Trang – Tuấn Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang