Thứ Năm, 02/05/2024 15:40:42 GMT+7

Tin đăng lúc 07-10-2016

Lượt xem: 4311

Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình: Bức tranh sáng trong công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn

Những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Bình và ngành Điện, cùng tinh thần cố gắng, nỗ lực của tập thể CBCNV, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình (PC Ninh Bình) đã hoàn thành tốt công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp và trực tiếp bán điện đến hộ dân nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của người dân trong tỉnh.
Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình: Bức tranh sáng trong công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn
Tích cực sửa chữa, nâng cấp lưới điện nông thôn ở Ninh Bình

Trước năm 2010, PC Ninh Bình đã triển khai công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và tổ chức bán lẻ tới hộ sử dụng điện tại các huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh theo phương thức tiếp nhận nguyên trạng hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn, theo đó PC Ninh Bình sẽ thực hiện quản lý việc bán lẻ điện với các hộ nông dân nông thôn, không phải hoàn trả vốn cho các tổ chức, cá nhân quản lý điện lực tại các địa phương.

 

Trong quá trình tiếp nhận và quản lý lưới điện, PC Ninh Bình đã gặp không ít khó khăn: Nhiều tổ chức bán lẻ điện nông thôn không đủ nguồn vốn đầu tư, thiếu nhân lực có chuyên môn để đảm nhiệm quản lý, vận hành lưới điện nên lưới điện hạ áp nông thôn trong tình trạng xuống cấp trầm trọng; đặc biệt là sau hàng chục năm vận hành, khai thác không được đầu tư sửa chữa, thay thế hoặc nâng cấp, nhiều khu vực đường dây dẫn điện có tiết diện nhỏ, nhiều mối nối dẫn đến chất lượng điện thấp, tổn thất lớn, khiến giá thành một kWh điện cao, không đảm bảo an toàn trong vận hành và sử dụng điện, nhất là vào mùa mưa bão… Đáng chú ý là một số địa phương, tổ chức quản lý điện nông thôn vì lợi ích cá nhân đã không chịu hợp tác thực hiện bàn giao lưới điện nên việc tiếp nhận và quản lý gặp nhiều trở ngại.

 

Chia sẻ những khó khăn khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, ông Ngô Nam Phòng – Giám đốc PC Ninh Bình cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã bố trí nhân lực rà soát lại hệ thống lưới điện, đánh giá tổng thể tình trạng an toàn và chất lượng điện áp trong khu vực để bố trí nguồn vốn đầu tư tối thiểu như: Thay thế toàn bộ cụm công tơ cho các hộ dân đảm bảo quy định về pháp lệnh đo lường, thay thế sửa chữa, đáp ứng những yêu cầu tối thiểu về an toàn điện tại các khu vực nông thôn. Đồng thời, hàng năm Công ty bố trí kinh phí sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, từng bước đầu tư để nâng cao chất lượng điện, phục vụ phát triển kinh tế, giữ vững trật tự an ninh và an sinh xã hội trên địa bàn”.

 

Đến nay, PC Ninh Bình đã tiếp nhận được 99% số xã và bán điện trực tiếp đến hơn 99% số hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, có 191 đơn vị bàn giao với số lượng 215.101 hộ khách hàng. Từ năm 2004 – 2010, ngành điện đã tiếp nhận 1.320,45 km đường dây hạ thế, 152.932 hộ sử dụng điện, tổng giá trị bàn giao (không hoàn trả) là 13,592 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, tiếp nhận tiếp 430,817 km đường dây hạ thế, với 62.169 hộ sử dụng điện và tổng giá trị bàn giao là 20,097,34 tỷ đồng, giá trị hoàn trả cho các tổ chức lưới điện nông thôn là 19,255 tỷ đồng. Hiện chỉ còn 2 đơn vị là HTX Điện lực Kim Tân (Kim Sơn) và HTX Điện lực Gia Trấn (Gia Viễn) chưa bàn giao.

 

Nét nổi bật là, bằng nguồn vốn tự có và vốn vay ưu đãi từ nước ngoài, Công ty đã từng bước đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đường dây hạ thế nông thôn trong toàn tỉnh. Giai đoạn 2010 – 2015, Công ty đã xây mới được 185 trạm biến áp phân phối, với tổng dung lượng hơn 72,380 MVA; xây dựng mới và cải tạo đường dây trung thế và hạ thế 0,4 kV góp phần chống quá tải, nâng cao chất lượng điện năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 – 2017, Công ty sẽ tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) để cải tạo lưới điện 24 xã nông thôn mới, với số vốn 150 tỷ đồng để cải tạo lưới điện trên địa bàn 24 xã (trong đó có 15 xã điểm).

 

Không thể không nhắc đến những lợi ích từ việc làm này mang lại, mà trước hết người dân chính là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Là đơn vị chuyên ngành, với chuyên môn vững, ngành Điện Ninh Bình khi tiếp nhận đã dành sự đầu tư đồng bộ, nâng cấp cải tạo về đường dây lưới điện, do đó an toàn điện và chất lượng điện được cải thiện rõ rệt. Giá thành mỗi kWh điện được bán theo quy định của Nhà nước, đồng nghĩa với việc người dân sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí chi tiêu hàng tháng và yên tâm hơn về độ an toàn, tin cậy trong quá trình sử dụng điện.

 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 936 trạm biến áp bán lẻ điện sinh hoạt cho 125 xã, phường, thị trấn, với tổng số 247.859 công tơ (1 pha và 3 pha). Năm 2015, sản lượng điện thương phẩm là 347,905 triệu kWh, tăng 195% so với năm 2010 và nhiều xã có mức tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm hơn 200%... điều đó cho thấy sự cố gắng của PC Ninh Bình trong việc đầu tư nâng cấp lưới điện để đáp ứng cơ bản nhu cầu điện khu vực nông thôn. Nếu như trước khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, tổn thất điện năng ở các trạm biến áp đa số đều lên tới 20%, cá biệt có trạm tới trên 30%; thì hiện nay chỉ còn từ 7-11%, đây là điểm nổi trội hơn cả mà nếu để ở mô hình quản lý điện nông thôn cũ sẽ không thể có được.

 

Ðể hoàn tất công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn, chắc chắn trách nhiệm của mỗi CBCNV Ðiện lực Ninh Bình nói riêng và ngành Điện nói chung càng nặng nề hơn vì khối lượng công việc tiếp nhận, quản lý, vận hành tăng hơn. Tuy nhiên, đây là việc làm thiết thực vừa mang tính kỹ thuật và tính xã hội cao, rất cần sự ủng hộ tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương, góp phần cải thiện chất lượng điện; giảm tổn thất điện năng; đảm bảo giá điện ổn định; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

Hà Trang


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang