Thứ Ba, 07/05/2024 02:34:49 GMT+7

Tin đăng lúc 29-12-2016

Lượt xem: 3540

Đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và thúc đẩy thị trường nội địa

Đây là 2 vấn đề được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề cập tại Hội nghị Chính phủ với địa phương nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và các năm tiếp theo.
Đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và thúc đẩy thị trường nội địa
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã giúp ngành Công Thương đạt được nhiều kết quả tích cực ở nhiều chỉ tiêu như tổng mức luân chuyển hàng hóa; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng khoảng 7,4%, nhất là công nghiệp chế tạo; xuất nhập khẩu.

 

Một trong những nội dung mà Bộ Công Thương đã tích cực triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), hoàn thiện thể chế, tinh giản bộ máy.

 

Trong hôm nay, Bộ cũng sẽ ban hành Thông tư 07 về dán nhãn năng lượng. Đưa tất cả các dịch vụ đăng ký qua mạng ở cấp độ 4 thông qua cổng đăng ký trực tuyến của Bộ Công Thương nhằm đơn giản hóa tối đa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp người dân.

 

Đảm bảo đủ điện cho phát triển

 

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng điện toàn hệ thống đạt mức 11,28%. Dù có khó khăn nhưng với sự chỉ đạo của Bộ, ngành điện đã đáp ứng đủ nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế.

 

Trong thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng Ban, đang tích cực hoàn thiện xây dựng dự thảo Cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

 

Về các giải pháp lớn, Bộ sẽ thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo như chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng tiến độ các dự án nguồn điện như Vĩnh Tân 1, Duyên Hải 3, Sông Hậu, Long Phú. Bên cạnh đó là các công trình hạ tầng lưới điện, nhất là lưới điện truyền tải 500kV/220kV; các công trình hạ tầng cung cấp nguyên liệu (than, khí) đảm bảm cho việc sản xuất điện.

 

Xây dựng cơ chế tổng thể nhập khẩu than theo cơ chế thị trường, cạnh tranh công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà máy chủ động về nguồn than sản xuất điện. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp giảm tiêu hao điện năng (giảm hệ số đàn hồi điện) thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong doanh nghiệp và nhân dân.

 

Năm 2017, Bộ cũng sẽ tiếp tục tăng cường quản lý thủy điện, an toàn đập, nhất là việc vận hành quy trình liên hồ chứa, điều tiết xả lũ, đảm bảo sản xuất điện, cấp nước cho hạ du. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát xử lý môi trường các dự án công nghiệp, trong đó có nhiệt điện than. “Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2017 và các năm tiếp theo” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Để đảm bảo việc cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng trên 11% từ nay đến 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ ngành điện trong công tác phê duyệt các dự án, hỗ trợ công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự cho các dự án công trình điện. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, Khoa học Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, xây dựng cơ chế chính sách nhằm xử lý triệt để vấn đề tro xỉ than, giảm thiểu tác động đến môi trường.

 

Đối với việc phát triển năng lượng tái tạo, đầu năm 2017 sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế giá mới, khuyến khích thu hút đầu tư, thúc đẩy phá triển ngành năng lượng tái tạo và ngành công nghiệp hỗ trợ năng lượng tái tạo.

 

Năm 2017, tình hình diễn biến thời tiết vẫn khó lường, tình hình cung ứng than còn hạn chế nhưng với hệ thống nguồn và lưới điện như hiện nay, Bộ Công Thương sẽ đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 

Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, phân phối bán lẻ.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ngành thương mại nội địa có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, tạo công ăn việc làm, đóng góp ngân sách và tăng trưởng kinh tế.

 

Trong năm qua, ngành thương mại dịch vụ, phân phối bán lẻ đã có phát triển mạnh mẽ, đóng góp trên 28% GDP, tạo hơn 7 triệu việc làm. Tuy nhiên, vẫn còn một số nguyên nhân khiến ngành thương mại nội địa chưa phát triển như mong muốn. Đơn cử như các quỹ đất phát triển hạ tầng thương mại ở địa phương, các nhà phân phối bán lẻ gặp thuận lợi hơn các doanh nghiệp trong nước do mong muốn của địa phương là thu hút đầu tư nước ngoài. Thương mại truyền thống (chợ, cửa hàng bán lẻ…) chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.

 

Bên cạnh các biện pháp đã thực hiện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai xây dựng và thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước. Trong đó sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư vào vùng sâu, xa; phân định rõ trách nhiệm của Bộ, ngành địa phương để tạo thuận lợi cho DN tiếp cận, phát triển thị trường. Đồng thời khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ doanh nghiệp, hàng hóa trong nước trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo và phù hợp các cam kết hội nhập quốc tế.

 

Đánh giá ngắn gọn về kết quả của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Chính phủ đánh giá rất cao những nỗ lực, sáng tạo, quyết liệt của Bộ Công Thương trong thời gian qua, nhất là vấn đề tái cơ cấu, tinh giản bộ máy; điều hành xuất nhập khẩu, phát triển thị trường; xử lý môi trường; cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Điều này đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

 

Đây là một điển hình mà các Bộ, ngành cần rút kinh nghiệm học tập. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần tiếp tục giải quyết những nhà máy của các Tập đoàn/tổng công ty đang bị thua lỗ, đắp chiếu với sự giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ban ngành.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang