Thứ Sáu, 26/04/2024 19:45:12 GMT+7

Tin đăng lúc 31-12-2015

Lượt xem: 7032

Dân Hà Nội chuộng phật thủ 'khủng' nhiều ngón cúng Tết

Khoảng hơn chục năm nay, quả phật thủ thường được người dân tìm mua và được đặt ở vị trí trang trọng trên mâm ngũ quả thờ tổ tiên trong các ngày rằm, ngày lễ, Tết. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng để sở hữu một quả phật thủ “độc” vào dịp Tết.
Dân Hà Nội chuộng phật thủ 'khủng' nhiều ngón cúng Tết
Trái phật thủ khủng, nhiều ngón tại vườn đã được khách đặt mua

Làng phật thủ độc quyền đất Bắc

 

Đến xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội), làng duy nhất trồng phật thủ ở đất Bắc đúng thời điểm các thương lái nườm nượp tới chọn mua phật thủ để chuẩn bị bán ra thị trường vào dịp tết Bính Thân, chúng tôi có dịp tìm hiểu nguyên nhân vì sao quả phật thủ lại có giá cao như vậy.

 

Đến thời điểm này, vườn phật thủ của anh Thạch đã được khách đặt mua khá nhiều. Anh Thạch chia sẻ: Những năm gần đây, Đắc Sở được coi là nơi sản sinh ra những quả phật thủ có giá cao nhất cả nước. Hình dáng của trái phật thủ khiến người ta liên tưởng đến bàn tay của Đức Phật.

 

 

Anh Thạch khoe quả phật thủ có giá bán 900.000 đồng

 

Giá quả phật thủ đắt khiến nhiều người tưởng rằng người trồng phật thủ phải vất vả, dày công chăm sóc hơn các loại cây khác nhưng trên thực tế phật thủ thuộc họ bưởi, cam nên trồng và chăm sóc khá dễ, không tốn nhiều chi phí cho cây giống, người nông dân chỉ cần chiết cành từ những cây khỏe mạnh là có được những cây con cho vụ sau. Thực tế, ngày thường giá phật thủ chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng Tết đến do nhu cầu tăng mạnh, chủ vườn tự ý tăng giá.

 

Hiện nay, hơn 80% người dân Đắc Sở trồng loại cây này. Nhiều người trồng phật thủ cho hay, trừ mọi chi phí ban đầu, vườn phật thủ cho chủ vườn lãi tới hàng trăm triệu đồng/năm, chưa kể những năm cây phật thủ sai quả, lãi suất thậm trí hơn 1 tỉ đồng/năm. Hơn nữa, những năm gần đây người dân không chỉ “chơi” quả phật thủ mà còn sắm cả cây về làm cảnh, do đó phật thủ không bao giờ lo ế.

 

Không chỉ chơi quả phật thủ, nhiều đại gia sẵn sàng mua cả cây phật thủ bon sai về chơi Tết. Anh Bình, chủ vườn phật thủ bonsai tại xã Đắc Sở cho biết: "Chơi cây cảnh phật thủ không còn là mới, nhưng hầu hết đều được ghép cành, quả tuy to những màu sắc và kiểu dáng không bắt mắt. Trong khi đó tại khu vườn này, phật thủ lần đầu được trồng và chăm sóc để tự cho ra quả. Dáng cây vừa đủ để đặt trong nhà. Đây là điểm khác biệt và thu hút nhất trong năm nay với những khách sành chơi phật thủ”.

 

Chủ vườn cũng cho biết, cây được trồng và chăm sóc đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên rất sai quả. Bình thường mỗi cây có 3-8 quả, nhưng có những cây năng suất cho ra 15-18 quả. Đặc biệt hơn, mỗi quả là một kiểu hình bàn tay phật khác nhau, rất phù hợp cho những dịp lễ tết.

 

Để làm mới cho sản phẩm của mình, ngoài việc dùng giỏ mây đựng cây, chủ vườn còn dành khoản tiền không nhỏ đầu tư bao bì đóng hộp cho cây để làm quà tặng. Do vậy, tuy chỉ bán hàng qua kênh online thông qua web, facebook… nhưng sản phẩm của vườn phật thủ độc lạ này thu hút sự quan tâm của khá nhiều người từ tỉnh thành khu vực phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An lấy số lượng khá lớn.

 

Mỗi dịp giáp Tết, Xã Đặc Sở đón tiếp khách ghé vườn nườm nượp. Người xem có, người mua lẻ có, lái buôn có, họ đến để chiêm ngưỡng, tham quan và mua buôn phật thủ đẹp, "độc", "khủng" tại vườn với hàng chục trái được coi là "hàng khủng" nhất Thủ đô với giá lên tới hàng triệu mỗi trái.

 

Những trái phật thủ đẹp mắt, mang lại may mắn cho các gia đình dịp đầu năm mới được kết tinh từ phù sa ngọt mát, từ sự chịu thương chịu khó, từ tình yêu đất, yêu cây của người dân nơi đây. Mối duyên lành giữa đất và cây đã, đang và sẽ mang lại những mùa xuân sung túc, bình yên cho Đắc Sở.

 

 

Phật thủ đang chín dần chờ thu hoạch

 

Chơi phật thủ theo 'xu hướng'

 

Quả phật thủ thường được đặt ở trung tâm và nơi cao nhất trong mâm ngũ quả. Theo quan niệm xưa phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm quyến rũ, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ. Chính vì thế, vào dịp Tết đến, nhà nào cũng cố gắng mua bằng được một quả phật thủ để bày cúng ông bà, tổ tiên.

 

Có một điều đặc biệt là quả phật thủ không bao giờ có một mức giá nhất định. Anh Thạch chia sẻ: “Đi cả vườn không tìm được quả nào giống với quả nào, mỗi quả một giá”. Những người bán có thể đẩy giá phật thủ lên cao vì họ tự đặt ra những chuẩn mực cho giá trị của loại quả này.

 

Chị Hoa, chủ một cửa hàng chuyên bán buôn phật thủ gần chợ Đồng Xuân cho biết: “Giá cả phụ thuộc vào thế quả, độ căng bóng của lớp vỏ ngoài, độ dày và dài của các múi. Một quả phật thủ trở nên đặc biệt quý khi có số ngón đạt trên 20 ngón, ngón cuối cùng phải nằm ở chữ… “Thịnh”, theo cách đếm: “Thịnh – Suy – Vi – Thái. Đây chính là những quả có dáng Tài - Lộc”. Chính vì vậy, càng ngày, những quả phật thủ đẹp có giá càng cao mà không có một thước đo hay mức giá chung nào.

 

 

Quả phật thủ trở nên đặc biệt quý khi có số ngón đạt trên 20 ngón, ngón cuối cùng phải nằm ở chữ… “Thịnh”, theo cách đếm: “Thịnh – Suy – Vi – Thái.

 

Một cửa hàng khác tại phố Hàng Mã chuyên bán lẻ Phật Thủ dịp Tết cũng quảng cáo, phật thủ của cửa hàng lấy tại vườn ở Đắc Sở, hàng đẹp miễn chê, quả phật thủ có tới 20 múi, nặng từ 1,2-2kg, giá giao động từ 700-1.000.000 đồng/ quả. 

 

 

Phật thủ đã sẵn sàng bán Tết

 

Chủ cửa hàng cho biết thêm: "Khi chọn mua phật thủ người ta thường căn cứ vào hình dáng của quả, ngoài yêu cầu quả to, tay dài, mập, có nhiều ngón đều thì quả phải già, trơn cật, màu hơi mơ vàng. Phật thủ non cũng có màu vàng, hình dáng quả đẹp nhưng lại nhanh hỏng.

 

Chị Trần Thị Huyền Thương (Hà Nội) chia sẻ: “Dù thấy đắt, nhưng đây là loại quả mua để thờ cúng, mang ý nghĩa tâm linh nên khi mua tôi không muốn mặc cả nhiều; hơn nữa, ở đâu cũng bán vậy nên đành mua với mức giá ấy”. 

 

Phật thủ muốn trưng được lâu, giữ được màu đẹp thì cứ khoảng 5-7 ngày người ta lại dùng rượu trắng để lau bụi bẩn bám trên quả. Cẩn thận hơn thì đặt lên bàn thờ, bạn có thể để một bát nước, cho thêm vài viên thuốc B1 vào, sau đó đặt cành phật thủ vào bát nước. Chỉ bằng cách đơn giản như thế này, chúng ta sẽ trưng bày được quả này trên bàn thờ gia tiên từ 4-7 tháng. Hoặc cho cuống phật thủ vào ly có nước dâng cúng, sau 15-30 ngày cuống cây sẽ ra rễ, bộ rễ này có tác dụng hút nước nuôi quả. Nếu bảo quản chuẩn theo những cách trên, bạn có thể giữ quả Phật thủ từ 4 đến 5 tháng.

 

Vẫn biết quả phật thủ chỉ đắt trong những ngày giáp Tết vì có nhiều ưu điểm, nhất là để vài ba tháng không bị héo nhưng để bỏ ra vài trăm đến hàng triệu đồng cho một quả phật thủ ngày Tết thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua.

 

Theo Hương Giang - Trần Huyền/nguoitieudung.com.vn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang