Chủ Nhật, 28/04/2024 18:25:16 GMT+7

Tin đăng lúc 29-09-2023

Lượt xem: 1284

Đào tạo nhân sự cho CNHT ô tô là chiến lược sâu rộng, có tính dài hạn

Công nghiệp ô tô là một ngành kinh tế tổng hợp, bao gồm nhiều ngành công nghiệp (CN) và lĩnh vực khác nhau như: Sản xuất phụ tùng, linh kiện, phụ kiện; liên kết các ngành Cơ khí, Điện, Điện tử, Công nghệ thông tin…, để hoàn chỉnh một sản phẩm là ô tô, đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Những hoạt động sản xuất đó sẽ tạo ra sản phẩm ô tô hoàn chỉnh được gọi là công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Đào tạo nhân sự cho CNHT ô tô là chiến lược sâu rộng, có tính dài hạn
Trong giờ thực hành sửa chữa, thay thế thiết bị ô tô ở trường đại học Việt Nam

Thực trạng nguồn nhân lực cho phát triển CNHT ô tô ở nước ta

 

Thực tiễn đã cho thấy ở nước ta, sự phát triển của CNHT ngành CN ô tô này không chỉ góp phần làm giảm nhập siêu, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài trong sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, mà còn tăng tính nội địa hóa sản phẩm, chủ động hơn trong các quan hệ thị trường, cạnh tranh để hội nhập quốc tế sâu hơn. Kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy, ngành CN ô tô mang lại những lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế, xã hội và trình độ khoa học, công nghệ. Việt Nam là nước có mức thu nhập trung bình thấp, dân số đông, có nhiều đô thị nằm dọc theo chiều dài đất nước, do đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ ô tô tiềm năng. Theo dự báo, giai đoạn phổ cập ô tô ở nước ta sẽ diễn ra vào khoảng từ nay đến năm 2025, vì vậy, CNHT và CN ô tô chậm phát triển thì sẽ phải nhập khẩu phụ tùng linh kiện và ô tô để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô từ châu Âu, châu Mỹ sang châu Á, từ các nước Đông Bắc Á sang khu vực các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Vì vậy, phát triển CNHT ngành sản xuất ô tô được coi là giải pháp để CN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đây cũng là hướng đi cho ngành CN ô tô, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, từ đó kéo theo sự phát triển của các ngành CN có liên quan, tận dụng xu hướng dịch chuyển đầu tư 9 vào lĩnh vực CNHT cho ngành sản xuất ô tô, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, giảm thâm hụt cán cân thương mại.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam còn thấp, nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Cùng với sự phát triển của thị trường, nguồn nhân lực chất lượng ngành công nghệ ô tô đang trở thành bài toán không dễ giải cho các doanh nghiệp. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực đang trở nên hết sức cần thiết và được chú trọng hơn bao giờ hết.

 

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam các trường nghề đào tạo ngành công nghệ ô tô đã có khá nhiều. Tuy nhiên, chất lượng chưa đồng đều và đào tạo còn mang tính thực nghiệm nên sinh viên không được thực hành và tiếp cận thực tế. Điều đó khiến cho nhiều sinh viên khi ra trường còn bỡ ngỡ và các doanh nghiệp phải mất chi phí đào tạo sau đó. Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng: “Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng trong dài hạn. Vì vậy, để phát triển CNHT, phải tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, hình thành chuỗi cung ứng trong nước, đồng thời, mở rộng quy mô đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn và tay nghề cao tại CNHT ở các trường đại học, cao đẳng là chiến lược phát triển lâu dài và là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững CN Việt Nam trong dài hạn”.

 

Cần những giải pháp thiết thực cho nhân sự CNHT ô tô

 

Sinh viên thực hành sản xuất linh kiện cơ khí ngành CNHT ô tô

 

Để thúc đẩy chiến lược bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, cách đây không lâu, tại tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Hội thảo chuyên đề: “Đào tạo nguồn nhân lực CN ô tô gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội khu vực Bắc Bộ - thực trạng và giải pháp trong bối cảnh hội nhập và cách mạng CN 4.0”. Hội thảo là cơ hội để doanh nghiệp và nhà khoa học cùng các chuyên gia gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác và hình thành mối quan hệ “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp, các trường đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần quan trọng trong việc triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển ngành CN ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được ban hành tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ngành CN ô tô hiện nay đang phát triển rất mạnh, nhu cầu nhân lực lớn nên rất nhiều trường cùng tham gia đào tạo ngành ô tô. Sự chuẩn bị từ nhân sự đến trang thiết bị của từng đơn vị đào tạo khác nhau, dẫn đến chất lượng đào tạo tại các trường sẽ khác nhau. Thứ hạng của nhà trường sẽ quyết định chất lượng đào tạo. Đây là lý do chính khiến chất lượng nhân lực không đồng đều tại các doanh nghiệp hiện nay.

 

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô Trường Đại học Đại Nam cho biết: Từ năm 2021, Trường Đại học Đại Nam ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô với phương châm Dạy phương pháp trước khi dạy kiến thức”, ngay từ năm đầu tiên sinh viên khoa công nghệ kỹ thuật ô tô đã được rèn luyện phương pháp học tập khoa học cùng tư duy logic để có thể tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng. Chương trình đào tạo sẽ trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức ngành và bổ trợ như: Phát triển kỹ năng mềm nói chung; kỹ năng mềm chuyên ngành; kỹ năng tìm kiếm thông tin và kỹ năng thực hành, đàm phán; khả năng tin học; trau dồi khả năng tiếng Anh; tư duy logic; kiến thức kinh doanh, marketing; các kiến thức về cơ khí; tự động hóa; điện - điện tử; công nghệ chế tạo máy... Đây là cơ hội tốt để sinh viên làm quen với công việc của mình sau này và cũng chính là điều kiện cho sinh viên thể hiện mình trước những doanh nghiệp có khả năng tiếp nhận khi ra trường.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dụng cụ An Mi cho biết, hơn 1 năm nay, Công ty TNHH Dụng cụ An Mi đã liên tục tuyển dụng các vị trí với mỗi đợt từ 30-50 nhân sự cho các bộ phận sản xuất dụng cụ chính xác cao và chi tiết cơ khí phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, hàng không, khuôn mẫu, gia công cắt gọt và tự động hoá. Tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng hàng năm, chỉ có khoảng 30-40% người lao động là đạt yêu cầu ngay, sau đó doanh nghiệp rất mất thời gian đào tạo lại từ chuyên môn đến các khái niệm hoạt động sản xuất. Trong khi đó, lao động địa phương lại không đáp ứng đủ. Do vậy chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các cơ sở đào tạo để có được chất lượng đảm bảo, phù hợp với doanh nghiệp.

 

Trong khi đó, một số doanh nghiệp đã chủ động vấn đề nhân sự thông qua việc tự tổ chức đào tạo và liên kết với các đối tác nước ngoài để bổ sung lực lượng lao động. Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Trường Hải (THACO) chia sẻ, THACO hiện có khoảng 60.000 nhân sự. Trong đó, số lượng nhân sự có trình độ đại học và trên đại học chiếm 32%; cao đẳng kỹ thuật chiếm 18%; công nhân kỹ thuật chiếm 50%. Trong giai đoạn 2022 - 2025, nhu cầu nhân sự tăng khoảng 15%/năm, đi kèm với chiến lược chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững. Hiện Tập đoàn THACO còn hợp tác, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo; tuyển dụng chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp điện tử.

 

Về phía cơ quan chức năng nhà nước, Bộ Công Thương cũng đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ các chương trình phát triển CN và CNHT ngành sản xuất ô tô. Tại buổi Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực CNHT ô tô, nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định, thời gian qua, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp ô tô nước ngoài đã cùng đồng hành và thực hiện nhiều dự án hợp tác hỗ trợ và phát triển các nhà cung cấp nội địa trong ngành ô tô thông qua một số hoạt động, cụ thể như triển khai các khoá đào tạo tập trung ngắn hạn về cải tiến sản xuất; tổ chức các buổi tham quan nhà máy tại cơ sở sản xuất; xây dựng lộ trình và hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến tại hiện trường; tổ chức các buổi thảo luận, kết nối và tìm kiếm những nhà cung ứng tiềm năng mới… Các chương trình hợp tác này đã và đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và sự hưởng ứng, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế khác. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng và hành động thiết thực nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Có thể nói, để phát triển ngành CN nói chung, CNHT ô tô nói riêng, cần có đội ngũ nhân lực, lao động chất lượng cao thông qua việc đào tạo ở trong nước và nước ngoài, đào tạo không chỉ tại các trường đại học, cao đẳng, mà phải liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Cần tiến hành rà soát, khảo sát các cơ sở đào tạo kỹ thuật (đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề, …); rà soát, sửa đổi các nội dung giáo trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, có sự tham vấn chặt chẽ với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất ưu đãi, chính sách hỗ trợ thúc đẩy công tác đào tạo liên tục và tiếp nhận thực tập sinh tại các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc…; thực thi việc cấp giấy chứng nhận tay nghề trong ngành CN ô tô (đặc biệt trong sản xuất phụ tùng, linh kiện); xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực CNHT ô tô với sự hợp tác, hỗ trợ của DN và tổ chức nước ngoài.

 

Với vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, môi trường đầu tư thông thoáng, nước ta ngày càng có sức hấp dẫn các nhà đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực ô tô. Đây là cơ hội lớn cho lực lượng lao động Việt Nam gia tăng tiếp thu công nghệ nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước liên kết với các công ty nước ngoài để phát triển CNHT ngành sản xuất ô tô.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang