Chủ Nhật, 05/05/2024 13:36:30 GMT+7

Tin đăng lúc 25-12-2016

Lượt xem: 2682

Đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Góp ý kiến vào Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24/10/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), UBTVQH đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Chính phủ, đồng thời đề nghị tiếp tục có những giải pháp toàn diện, thiết thực để đẩy mạnh HNKTQT trong thời gian tới.
Đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế

 

Thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, sau một năm thực hiện, các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai thực hiện bám sát 8 nhóm nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết. “Kết quả đạt được tuy có những mức độ khác nhau, song về cơ bản cho thấy quyết tâm và nỗ lực chung của hệ thống các cơ quan chính phủ hướng tới hoàn thành những nhiệm vụ đề ra” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.

 

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, bám sát các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết, công tác HNKTQT đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực và trong quá trình này, vai trò điều phối công tác hội nhập của Chính phủ (thông qua Ban Chỉ đạo quốc gia về HNKTQT và Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) đã giúp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm lợi ích của quốc gia dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước.

 

Cụ thể hơn, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, qua công tác thông tin tuyên truyền về HNKTQT, các bộ, ngành đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu sâu về tác động của cam kết quốc tế đối với từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để tư vấn kịp thời cho các doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực thi các FTA và hiện đang xây dựng bộ tài liệu tích hợp các cam kết trong FTA mà Việt Nam đã tham gia theo từng ngành, lĩnh vực, giúp DN dễ dàng tra cứu, đối chiếu, so sánh và vận dụng hiệu quả.

 

Tương tự, trong nhóm nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật đồng bộ, kịp thời phục vụ hội nhập và cải cách hành chính cũng có những bước tiến lớn qua việc tiến hành rà soát pháp lý Hiệp định TPP; ban hành 11 Nghị định; ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại song phương, Hiệp định Thương mại tự do. Nhiều luật và văn bản dưới luật liên quan trong tiến trình HNKTQT cũng đã được sửa đổi, bổ sung ban hành kịp thời.

 

Bên cạnh đó, hàng loạt các nhiệm vụ, từ nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu; bảo vệ quyền lợi DN trước các hàng rào thương mại, đến việc tích cực tham gia vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế và đẩy mạnh đàm phán các FTA... đã được các bộ, ngành chủ động thực hiện.

 

Nâng cao chất lượng công tác dự báo

 

Cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ, các thành viên UBTVQH cho rằng, báo cáo đã thẳng thắn chỉ ra 10 tồn tại, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh, qua HNKTQT đã bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế nước ta.

 

“Đây là nhóm vấn đề cần được tiếp tục xử lý trong dài hạn” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh và cho rằng, trong 10 tồn tại, vướng mắc được chỉ ra, cần xác định đâu là tồn tại gây cản trở cho sự phát triển của xã hội. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng công tác dự báo diễn biến chính trị, kinh tế thế giới và các quốc gia trong khu vực trong tiến trình HNKTQT của Việt Nam.

 

Chi tiết hơn, Thường trực Ủy ban Kinh tế (TTUBKT) đề nghị bổ sung vào Báo cáo các nội dung: Kế hoạch cụ thể và bổ sung các nguồn lực cần thiết cho công tác thông tin, tuyên truyền; ban hành thống nhất chỉ tiêu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế; ban hành quy định chính thức về Bộ chỉ số hội nhập kinh tế phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn của Việt Nam và đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao.

 

Riêng vấn đề phát triển nguồn nhân lực, TTUBKT nhấn mạnh, cần cụ thể hóa bằng các biện pháp mạnh hơn và trường hợp cần thiết đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 trong bối cảnh tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, góp phần thực hiện chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm trên 5,5%.

 

Đặc biệt, trong nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ DN, TTUBKT đánh giá rất cao những giải pháp thiết thực của Chính phủ thời gian qua, trong đó nêu điển hình: “Việc Bộ Công Thương xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 12 mặt hàng là đáng ghi nhận” và đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục có các giải pháp để các DN được tiếp cận thường xuyên, đầy đủ thông tin cảnh báo để phát huy hiệu quả của hệ thống cảnh báo này.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Ngoài bám sát 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết, Chính phủ chỉ đạo bám sát Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 06 - NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình HNKTQT, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang