Thứ Năm, 09/05/2024 05:55:11 GMT+7

Tin đăng lúc 16-01-2017

Lượt xem: 5424

Để dòng điện thắp sáng vùng cao Bắc Kạn

Những ngày cuối năm, chúng tôi cùng đoàn phóng viên lên Bắc Kạn dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và được chứng kiến sự đổi thay về mọi mặt của mảnh đất vùng cao này. Từ một tỉnh miền núi vô cùng khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Bắc Kạn đã vươn lên, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Để dòng điện thắp sáng vùng cao Bắc Kạn
Ngành Điện lực Bắc Kạn nâng cao chất lượng dịch vụ điện năng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm qua đạt 11,5%; thu ngân sách tăng bình quân 19,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 20 lần so với năm 1997; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất nông lâm nghiệp phát triển khá toàn diện...

 

Đóng góp vào thành tích chung đó, không thể không nhắc đến vai trò của ngành Điện lực Bắc Kạn – Một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong việc đưa ánh sáng văn minh đến với mỗi làng bản, với mọi nhà, góp phần từng bước xóa đi cái đói, cái nghèo ở từng địa phương. Và trong những ngày đông lạnh giá ấy, chúng tôi có may mắn được đến với những người thợ điện, để chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt và sự hy sinh thầm lặng của họ trong việc đưa điện về với đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc của Tổ quốc.

 

Đường từ trung tâm thành phố Bắc Kạn lên Pác Nặm chỉ gần 100 cây số, nhưng xe ô tô chở chúng tôi đi phải mất hơn ba tiếng đồng hồ, vượt qua nhiều đèo dốc quanh co, có nơi được mệnh danh là “cổng trời”, có thể nhìn thấy trùng điệp bạt ngàn màu xanh của rừng, của núi. Dù mang tâm trạng háo hức, mong chờ, với suy nghĩ đây sẽ là cơ hội được một lần trong đời “trải nghiệm thú vị” cái gió, cái lạnh vùng cao, nhưng tôi vẫn không thể nào chịu được bởi ù tai, bởi cái cảm giác nôn nao, khó chịu và cuối cùng dù cố gắng, cũng không thể vượt qua được đỉnh “hoàng su phì” trước khi đến với Điện lực huyện Pác Nặm.    

 

Pác Nặm là huyện miền núi (có diện tích 47.539 ha, dân số hơn 30.000 người, trung bình 55 người/km2) nằm trong diện những địa phương nghèo nhất nước, huyện có 10 xã thì cả 10 xã được xếp vào diện đặc biệt khó khăn theo Chương trình 30a của Chính phủ. Kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào trồng rừng, trồng lúa, ngô, sắn và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với điều kiện đặc thù như vậy thì việc kinh doanh điện năng của CBCNV Điện lực Pác Nặm thực sự là khó khăn, gian khổ. Qua tìm hiểu được biết, đơn vị có 36 CBCNV-LĐ (hầu hết là đang thuê nhà dân ở), nhưng phải quản lý 175,5 km đường dây 35 kV và 76 trạm biến áp các loại (tổng dung lượng 4.235 kVA) cung cấp điện cho 5.409/6.692 hộ dân phân tán trong toàn huyện, với sản lượng điện thương phẩm năm 2016 khoảng 5,039401 triệu kWh, doanh thu chỉ đạt 8,3 tỷ đồng. Nhấn mạnh số liệu trên đây để thấy rằng, nếu chỉ tính toán thuần túy tới các yếu tố sản xuất, kinh doanh thì rõ ràng là không đem lại hiệu quả, nhưng đó lại là một thực tế mà Công ty Điện lực các tỉnh phía Bắc nói chung, Công ty Điện lực Bắc Kạn và Điện lực Pác Nặm nói riêng đang phải đối đầu.

 

Chúng tôi cũng có dịp đi tới hầu hết các Điện lực trong tỉnh và ở huyện nào cũng vậy, từ Pác Nặm, Ba Bể đến Na Rì, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, ngành Điện Bắc Kạn luôn phải gồng mình chạy đua với thời gian, để không chỉ đảm bảo đủ điện cho người dân phát triển sản xuất và sinh hoạt, mà ở những nơi chưa có điện còn phải tập trung mọi nỗ lực để huy động nguồn vốn, lập báo cáo khả khi, thông qua thiết kế xây dựng và tổ chức triển khai thi công. Nơi có điện thì thu đủ tiền điện của khách hàng cũng là bài toán không dễ, bởi người dân nhiều thôn, bản đi làm xa, hoặc lên nương, lên rẫy cả tháng mới về và để thu được tiền một hai đến vài chục số điện thì nhân viên ngành Điện phải tìm đủ mọi cách: Phục ngày, chờ đêm, nhờ người thân, hợp đồng dịch vụ, thu tiền tại phiên chợ và nhờ cả bưu điện giúp sức, nhằm khắc phục tình trang dư nợ, đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh được giao.

 

Thực hiện chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước, từ năm 2014 đến nay, Công ty Điện lực Bắc Kạn cũng đã và đang khẩn trương hoàn thành đợt 1, giai đoạn II dự án đưa điện về thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, có 240 km đường dây 35 kV và 96 trạm biến áp 3 pha, cung cấp điện cho gần 6.000 hộ dân. Đây là kết quả đáng ghi nhận, bởi với tỷ lệ 96% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia thì Bắc Kạn được coi là một trong những tỉnh đi đầu về thành tích phủ điện lưới quốc gia tới hộ đồng bào các dân tộc. Có điện, bà con các thôn bản được tiếp cận với ánh sáng văn minh, ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới, bài trừ tệ nạn xã hội và từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Gặp gỡ với phóng viên, ông Sầm Long Vấn – Bản Áng Hin, xã Côn Minh, huyện Na Rì không giấu được niềm vui: “Trước kia bản không có điện, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, các cháu học sinh học tập dưới đèn dầu, giờ có điện lưới, bà con vui lắm, phấn khởi lắm”.

 

Trở lại thành phố Bắc Kạn, nơi vừa diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh, trên các tuyến đường, dãy phố về đêm, vẫn còn nguyên hình ảnh, bức tranh sống động của tuổi đôi mươi, với đầy sắc màu cờ hoa và ánh điện. Trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Điện Bắc Kạn không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện để người dân phát triển sản xuất và sinh hoạt, mà bộ mặt đô thị cũng ngày càng được khang trang, với hệ thống điện được ngầm hóa không chỉ trung tâm tỉnh, mà tại các huyện, thị xã cũng đang được triển khai đồng bộ. Cùng với đó là việc ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin trong các hoạt động dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng hoàn hảo, tạo niềm tin về độ tin cậy và tính minh bạch của người tiêu dùng đối với ngành Điện. Năm 2016, với sự nỗ lực cố gắng của CBCNV, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu SXKD, trong đó điện thương phẩm đạt: 161.713.861 kWh; tỉ lệ tổn thất ở mức 7,13%; số hộ có điện là 71.461/74.425 hộ, đạt 96,06%.

 

Trong buổi tiếp xúc với phóng viên, ông Dương Quang Sơn – Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Kạn vẫn như chưa bằng lòng với kết quả đã đạt được, bởi ông cho rằng, mục tiêu của Công ty là phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh phải đạt trên 98% số hộ có điện lưới quốc gia. Để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn đó, Công ty sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh và ngành Điện, tiếp tục đầu tư nguồn vốn, mở rộng lưới điện về các địa phương vùng sâu, vùng xa để tăng số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, đồng thời, rà soát, có phương án đầu tư chống quá tải, cấy thêm trạm biến áp tại địa bàn thành phố, các thị trấn, thị xã, khu vực đông dân cư, để giảm bán kính cấp điện, tăng chất lượng điện năng, đồng thời lắp đặt thêm thiết bị thông minh trên lưới, nâng cao chỉ tiêu cung cấp điện năng, đảm bảo đủ điện an toàn, liên tục với độ tin cậy cao.

 

Trở về Hà Nội, tôi mang theo mình nhiều kỷ niệm của một chuyến đi đầy vất vả và khó quên, nhưng đọng lại sâu sắc trong tôi là hình ảnh về những người thợ điện áo vàng mộc mạc, thân thiện và mến khách trên vùng cao Bắc Kạn mà đoàn đã gặp trong suốt chuyến đi. Trong bài viết nhỏ này, thật thiếu sót khi chúng tôi không thể khắc họa hết được công sức của các anh, các chị trong những việc làm thầm lặng, ngày đêm giữ cho ánh điện tỏa sáng để đồng bào các dân tộc Bắc Kạn vui tết, đón xuân. Xin chúc CBCNV trong Công ty Điện lực Bắc Kạn năm mới với nhiều thành công mới và hẹn sớm có ngày trở lại./.

 

Như Quỳnh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

Nghiêm Văn Khanh ( 1/16/2017 5:44:53 PM )
Cảm ơn nhà báo Như Quỳnh đã có bài viết để mọi người thấu hiểu những khó khăn vất vả của người thợ điện vùng cao chúng tôi
<1>

Quảng cáo

Về đầu trang