Thứ Bẩy, 27/04/2024 01:03:05 GMT+7

Tin đăng lúc 05-11-2015

Lượt xem: 3462

Để gạo xuất khẩu Việt Nam tạo được thương hiệu vững chắc

Sau một thời gian dài thiếu lương thực trầm trọng, đến năm 1998, lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo và từ đó đến nay nước ta cùng Thái Lan và Ấn Độ luôn là 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Để gạo xuất khẩu Việt Nam tạo được thương hiệu vững chắc
Ảnh minh họa

Hơn 25 năm năm qua, mặc dù Việt Nam luôn là tốp đầu xuất gạo, nhưng đến nay ta vẫn chưa tạo được thương hiệu nào trên thế giới. Bên cạnh đó, Thái Lan, Ấn Độ, ngay cả Campuchia đã có thương hiệu vững chắc của họ. Thực tế, điểm yếu nhất của gao Việt Nam là thiếu đồng bộ về chất lượng, chủ yếu phân theo tỷ lệ tấm thông dụng 5%, 15%, 25%. Khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là loại 25% tấm. Loại này có giá trị thấp và hiện nay Việt Nam đang mất dần thị trường do bị cạnh tranh bởi gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan, Myanma. Loại gạo 5% tấm của Việt Nam cũng kém xa gạo của Thái Lan và Ấn Độ về chất lượng và giá cả. Gạo Việt Nam có lợi thế trên thị trường chủ yếu là gạo trắng, hạt dài, nhưng không có tên giống. Vì vậy, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam lâu nay chủ yếu tới các nước Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh, chưa kể một lượng gạo khá lớn xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc (thị trường khá dễ tính, tiêu thụ nhiều). Một chuyên gia Bộ Công Thương cho biết: nhiều năm trước đây, thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu gạo cấp thấp, nhưng với tình hình thế giới hiện nay, nếu chỉ sản xuất gạo cấp thấp thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong khi Campuchia tự tin đưa ra chiến lược xâm nhập vào 2 thị trường khó tính là Hàn Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo được hệ thống thương lái thu gom từ nhiều nơi, nhiều loại lúa khác nhau, sau đó doanh nghiệp chế biến, trộn đem đi xuất khẩu. Gạo trộn “năm cha bảy mẹ” như vậy không thể đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, từ đó không có sản phẩm chính thống để xúc tiến thương mại. Hơn thế nữa, công tác xúc tiến thương mại cho gạo Việt Nam (cũng như nhiều loại nông sản khác) chưa được các bộ liên quan chú trọng mang tính chiến lược.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lương, an toàn thực phẩm. Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng thương hiệu gạo nước ta, nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm gạo Việt Nam. Tạo cơ sở củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu, thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất trên 50 quốc gia, phấn đấu 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam. Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm, phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam, trong đó 30% tổng lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

 

 

Để xây dựng được thương hiệu bất kỳ loại sản phẩm nào cũng mang tính ổn định, lâu dài. Đối với lúa gạo, cần chọn hệ thống giống tốt, xây dựng vùng nguyên liệu từ nguồn giống đó, hợp tác chặt chẽ từ hộ nông dân, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu. Chúng ta muốn làm thương hiệu gạo gì thì cũng có quy chuẩn quốc gia. Phải làm tốt thị trường, tổ chức lại sản xuất mới nói đến thương hiệu được. Doanh nghiệp xuất khẩu phải nghiên cứu kỹ thị hiếu, tập quán tiêu dùng của từng thị trường để đáp ứng theo yêu cầu của họ và phải xuất khẩu cái họ cần, chứ không phải cái mình có. Gạo thương hiệu phải có nhãn mác, mã vạch, tiêu chuẩn và chất lượng trong từng lô hàng phải đều nhau. Chứ thương hiệu mà bao này khác bao kia thì khách hàng sẽ tẩy chay. Muốn có thương hiệu gạo xuất khẩu đích thực, chất lượng gạo phải biểu hiện thống nhất theo chuẩn mực người tiêu dùng chấp nhận

 

Vì vậy, muốn tăng trưởng xuất khẩu gạo và tạo dựng được thương hiệu gạo bền vững, cần từ bỏ ý đồ tăng trưởng lượng xuất khẩu như đã làm lâu nay. Chiến lược hợp lý hơn cho ngành lúa gạo Việt Nam hiện tại và trong tương lai là giảm loại phẩm cấp thấp, chuyển sang loại gạo phẩm cấp cao và giá trị xuất khẩu cao hơn. Tức là chuyển từ sản xuất, xuất khẩu gạo dựa và số lượng sang chất lượng. Phải có chiến lược thương mại hóa sản phẩm theo nguyên tắc bắt đầu từ hạt lúa. Có nghĩa là doanh nghiệp phải đầu tư vùng nguyên liệu từ khi gieo sạ, thu hoạch đến lúc chế biến thành phẩm. Tất cả mọi tiêu chuẩn công khai với khách hàng và được khách hàng chấp nhận. Phải thay đổi quy trình và phương thức thu mua, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, vận chuyển để gạo luôn bảo đảm chất lượng và có những sản phẩm chế biến từ gạo giá trị cao hơn và cuối cùng là cần có chiến lược quốc gia xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

     

   Xuân Lê 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang