Chủ Nhật, 28/04/2024 20:30:00 GMT+7

Tin đăng lúc 25-11-2023

Lượt xem: 1833

Để ngành Da giầy thực hiện giấc mơ “Make in Vietnam”

Những năm qua, Việt Nam được coi là thị trường sản xuất và tiêu thụ giầy da rất tiềm năng bởi dân số gần 100 triệu người. Sản lượng của ngành Da giầy xuất khẩu ra thế giới của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới (hơn 01 tỷ đôi giầy các loại mỗi năm), chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, không có một thương hiệu giầy da nào trong nước có tiếng trên thế giới, mà chủ yếu là gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Để ngành Da giầy thực hiện giấc mơ “Make in Vietnam”
Sản phẩm giầy da chất lượng cao do Công ty Cổ phần 32, Tổng cục Hậu cần Quân đội sản xuất

Để Việt Nam không chỉ là “công xưởng gia công”

 

Theo nhiều chuyên gia, trong chuỗi giá trị ngành Da giầy thế giới, Việt Nam chỉ hoạt động chủ yếu ở các khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành chiếc giầy; nguyên phụ liệu hầu hết được các công ty nước ngoài nhập về. Trong cơ cấu giá trị của đôi giầy, chi phí nguyên phụ liệu chiếm đến 70%, nên dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lớn nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Dẫn chứng, nếu một đôi giầy có thương hiệu Mỹ nhưng gia công toàn bộ tại Việt Nam được bán với giá 100 USD, thì Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD, còn 78 USD thuộc về Mỹ. Đây là yếu tố tiên quyết đòi hỏi phải phát triển công nghiệp vật liệu cho ngành Da giầy.

 

Hạn chế lớn nhất của ngành Da giầy Việt Nam là sự phát triển không đồng đều ở các khâu, đặc biệt là ở công đoạn đầu trong chuỗi giá trị bao gồm: Sản xuất nguyên liệu, thiết kế mẫu mã. Điều này đã cản trở sự phát triển, làm giảm giá trị gia tăng ở khâu sản xuất. Đó là chưa kể, mạng lưới xuất khẩu và tiếp thị vẫn đang là điểm yếu lớn trong chuỗi giá trị của ngành Da giầy nước ta. Đó là lý do của sự hạn chế trong việc xâm nhập vào các khâu cao hơn của chuỗi giá trị da giày toàn cầu. 

 

Các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn đối với ngành Da giầy hiện nay là sự khan hiếm cũng như khó khăn trong nhập khẩu nguyên phụ liệu. Với các doanh nghiệp (DN) lớn, nguồn cung nguyên phụ liệu không khó do chuỗi cung lớn, nhưng khó với DN nhỏ vì đơn hàng đơn lẻ không nhập được. Trong khi đó, sản lượng da thuộc hầu hết phải phụ thuộc vào nhập khẩu vì da thuộc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng tỷ lệ rất khiêm tốn so với nhu cầu sản xuất cho mặt hàng giầy dép da xuất khẩu. Vì vậy các DN buộc phải nhập khẩu da thuộc từ nước ngoài để sản xuất mà Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy chính của Việt Nam với tỷ trọng nhập khẩu chiếm khá lớn trong 9 tháng đầu năm 2023, còn hầu hết các thị trường nhập khẩu đều gặp nhiều biến động. Lý do dẫn tới tình trạng đó là bởi các nền kinh tế trên thế giới hầu hết đều có mức tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát vẫn ở mức cao mặc dù đã hạ nhiệt; thắt chặt chính sách tiền tệ, nợ công thế giới tăng lên mức chưa từng có, xung đột quân sự phức tạp giữa Nga và Ukraine và một số nước khác, gia tăng về sự bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… 

 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 7/2023 nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giầy của cả nước tăng 5,02% so với tháng 6/2023 và giảm 6,32% so với tháng 7/2022. Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giầy của cả nước đạt trên 3,39 tỷ USD, giảm 16,55% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh một số thị trường lớn bị thu hẹp, nhu cầu giảm, với những nỗ lực của DN hiện nay, thì kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của ngành Da giầy có thể đạt được 27 tỷ USD. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giầy dép của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Giầy dép. Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 300 triệu đô la Mỹ nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp này.

 

Toàn ngành hiện có 129 DN đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 DN trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giầy khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu. Đáng chú ý là, nguyên phụ liệu cho ngành mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao. Hàng năm, các DN vẫn phải nhập khẩu các nguyên phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

 

Những tín hiệu lạc quan

 

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2023 chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 3,9% so với tháng 7/2023 và giảm 1,4% so với tháng 8/2022. Trong đó, sản xuất giầy, dép có đế hoặc mũ bằng da đạt gần 20 triệu đôi; giầy, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic đạt gần 35,7 triệu đôi, tăng 2,12% so với tháng 7/2023; giầy, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài đạt trên 38,2 triệu đôi.

 

Về xuất khẩu, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu giầy dép của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt trên 1,72 tỷ USD, tuy có giảm 4% so với tháng 7/2023 và giảm 2,29% so với tháng 8/2022, nhưng vẫn chiếm 4,91% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,36 tỷ USD (giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chiếm 5,86% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù trong tháng 8/2023 đạt trên 337,81 triệu USD, chiếm 1,03% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 2,51 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2022, song chiếm trên 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.


Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, trên cơ sở phân tích và dự báo, nếu tình hình hình chuyển biến tốt, sản xuất phục hồi từ quý III, kim ngạch xuất khẩu da giầy năm 2023 dự kiến chỉ đạt 25,8 tỷ USD, giảm 7,5% so với năm ngoái. Điều đáng nói là nhờ tận dụng được các Hiệp định như EVFTA, CPTPP nên kim ngạch xuất khẩu của ngành Da giầy vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt. Đơn cử như với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thì EU là thị trường truyền thống và cũng là thị trường chính của ngành Da giầy. Tuy nhiên, trước khi EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng xuất khẩu vào EU chỉ chiếm khoảng 22 - 23%, còn sau khi Hiệp định này có hiệu lực thì tỷ trọng được nâng lên 26%. Trong bối cảnh "đơn hàng quý như vàng", thì xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp tốt nhất để các DN có thể tìm kiếm khách hàng mới, khai thác tối đa từng cơ hội có được để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Từ nay đến những năm tiếp theo, việc cung cấp thông tin, kết nối cung cầu cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn thông qua cả kênh trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại như Hội chợ, Triển lãm,... đang được tổ chức liên tục, để sự hiện diện của các DN trong và ngoài nước không dừng lại trong khuôn khổ sự kiện, mà cần có sự hỗ trợ kết nối thông tin liên lạc kịp thời, qua đó liên kết hợp tác, hình thành chuỗi cung ứng, kết nối hai chiều giữa các DN Việt Nam với đối tác nước ngoài.

 

Mục tiêu cho thị trường da giày

 

Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Theo đó, da giầy được xác định là một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước; có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; giữ vững vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giầy hàng đầu thế giới. Mục tiêu đề ra là phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành Da giầy, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của công nghiệp hỗ trợ ngành Da giầy đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu. Đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.

 

Các chuyên gia cho rằng, ngành Da giầy Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các Hiệp định thương mại, nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước. Thời gian sắp tới, ngành Da giầy phải tham gia sản xuất nhiều dòng giầy thuộc phân khúc cao cấp hơn, do đó đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, DN trong nước cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao. Theo ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giày Phúc Yên cho biết: Trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành Da giầy, túi xách, Trung Quốc hiện đang chiếm 60-70%; Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar, Bangladesh, Cambodia khoảng 30%-35%; còn lại, các nước châu Phi, Nam Mỹ chiếm 5%. Để bớt lệ thuộc nguồn cung ứng nguyên liệu vào Trung Quốc, các DN hoạt động trong lĩnh vực này trên toàn cầu đang định vị lại chuỗi cung ứng và chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.  

 

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy, túi xách (LEFASO) cho biết, muốn thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó chủ yếu là thị trường EU, thì các DN Việt Nam phải coi trọng chất lượng sản phẩm, tính an toàn phải cao hơn, do vậy, sự tuân thủ pháp luật quốc tế của DN cũng phải nâng lên. Tiếp theo là các quy định về thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là chứng minh quy tắc xuất xứ, DN cũng phải tham gia đào tạo, thực thi. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến chuyển đổi số, sản xuất xanh, phát triển bền vững phải được quan tâm, trong đó, DN cần lưu ý là, muốn xuất khẩu các sản phẩm da giầy vào được thị trường EU thì đòi hỏi nhà máy sản xuất của Việt Nam phải đạt được các điều kiện về môi trường, an toàn lao động. Để đáp ứng các điều kiện đó, DN cần phải cải tiến, đổi mới chất lượng nhân lực, cũng như hệ thống cơ sở sản xuất, nhằm đáp ứng các tiêu chí xuất xứ giầy dép trong EVFTA và tiêu chí xuất xứ trong quy định mới của EU dành cho da giầy Việt Nam.

 

Cuối cùng, để Việt Nam không chỉ “đóng đinh” với danh xưng “Công xưởng của Da giầy thế giới” và đón bắt cơ hội, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh sự hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước về cơ chế, chính sách, về mặt bằng sản xuất, về nguồn vốn, nhất là thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành Da giầy, thì các DN Việt cần phải sớm tái cấu trúc lại sản xuất, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, cập nhật xu hướng thời trang, đặc biệt là chú trọng sản xuất các dòng sản phẩm trung và cao cấp, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường… để sản phẩm da giầy mang thương hiệu Việt thực hiện giấc mơ “Make in Vietnam” vươn tầm ra thế giới.

Quỳnh Anh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang