Thứ Hai, 29/04/2024 06:07:30 GMT+7

Tin đăng lúc 13-06-2017

Lượt xem: 5940

Dệt may Việt Nam với những tín hiệu phục hồi xuất khẩu

Ngành Dệt may nước ta hiện có trên 6.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động. Đây được đánh giá là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khác với kết quả tăng cao liên tục về kim ngạch xuất khẩu của một số năm về trước, từ 2016 đến nay, thực sự là quãng thời gian đầy khó khăn đối với ngành Dệt may Việt Nam.
Dệt may Việt Nam với những tín hiệu phục hồi xuất khẩu
Mục tiêu tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2017 là 6,5 % - 7%

Trước mục tiêu xuất khẩu 30 tỷ USD của năm 2017, đòi hỏi các DN trong nước cần có sự nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa.

         

Mặc dù 2016 là năm Việt Nam triển khai, thực hiện nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm lại thấp hơn so với kỳ vọng. Với trị giá 28,3 tỷ USD, bao gồm các mặt hàng may, vải và sợi, xuất khẩu dệt may nước ta năm qua tăng trưởng 5,6% và đây là mức tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất trong mười năm qua. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do hàng dệt may Việt Nam phải chịu mức thuế suất cao so với các nước xuất khẩu khác. Cụ thể tại thị trường châu Âu, trong khi hàng may mặc của nước ta phải chịu mức thuế từ 9 – 12% thì thuế suất áp dụng cho hàng của các nước khác như Campuchia, Bangladesh, Lào là 0%.

         

Tuy nhiên, nếu so với tổng nhu cầu của thế giới và các quốc gia cạnh tranh khác thì mức tăng trưởng 5,6% của Dệt may Việt Nam lại là mức tăng trưởng cao nhất trong top 5 quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới. Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì: “Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đều có tốc độ tăng trưởng giảm so với những năm trước đó, riêng có Bangladesh tăng 4,9% và Việt Nam tăng 5,6%. Đây là hai quốc gia duy nhất có tăng trưởng dương. Điều này cho thấy, mức độ tăng trưởng của Dệt may Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tình hình thị trường thế giới”.

         

Bước sang năm 2017, áp lực cạnh tranh gay gắt từ thị phần hàng hóa dệt may trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục đặt các DN trong ngành trước nguy cơ giảm sút năng lực xuất khẩu. Bên cạnh đó, những khó khăn nội tại trong nước đã khiến cho phần lớn DN buộc phải tính toán lại kế hoạch sản xuất và chiến lược thị trường của mình. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đứng trước những thách thức mới, các DN cần phải tập trung nâng cao năng suất, cải thiện chi phí lao động trên một đơn vị sản phẩm, cải tiến mẫu mã, rút ngắn thời gian giao hàng cũng như củng cố mạng lưới logistic. Đặc biệt, DN cần phải liên tục sáng tạo, đầu tư, áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó mới có thể chinh phục được thị hiếu của các thị trường khó tính.

         

Là một trong những DN luôn coi khoa học công nghệ là yếu tố hàng đầu tạo ra sự đột phá của chất lượng sản phẩm. Năm 2016 là năm thứ hai Công ty CP Dệt may 29-3 Đà Nẵng đưa vào vận hành dây chuyền may veston cao cấp. Nhờ đầu tư dây chuyền thiết bị này, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đã tăng lên từ 40 triệu USD năm 2015 lên 55 triệu USD trong năm 2016. Đến thời điểm hiện tại của năm 2017, Công ty đã có hơn 50 đơn hàng ký đến hết tháng 9/2017. Ông Trần Xuân Hòe – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may 29-3 Đà Nẵng cho biết: Nhờ áp dụng, đổi mới công nghệ dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty đã cho ra đời nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao, qua đó, tạo được niềm tin với đối tác và khách hàng. Mục tiêu tăng trưởng của Công ty trong năm 2017 dự kiến đạt 15% so với năm 2016 và chắc chắn rằng với tình hình hiện nay kế hoạch này sẽ thành công.

         

Kết thúc quý I/2017, xuất khẩu dệt may nước ta đạt 6,75 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được, là do ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, Australia, Nhật Bản, DN trong nước đã có những bước tiến vào các thị trường mới. Trong đó, Hiệp định Liên minh Kinh tế Á – Âu, qua thị trường Nga có tốc độ tăng trưởng 115%. Brazil và Ấn Độ cũng là những thị trường có tăng trưởng tốt, lến đến 34%. Bên cạnh đó, việc tham gia cộng đồng kinh tế chung AEC cũng có tác động tích cực đến sự tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Tại thị trường trong khối các quốc gia ASEAN, 6 quốc gia mà Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thị phần tốt là Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24,5%, Campuchia 36% và Myanmar 5%. Ở thị trường Phillippines và Malaysia tuy có sự suy giảm nhẹ, nhưng nhìn tổng thể đối với khu vực này, dệt may Việt Nam đã có sự cải thiện tốt và bước đầu tận dụng được hiệu quả của Hiệp định AEC.

         

Theo nhận định của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, với kết quả xuất khẩu của quý I/2017 cho thấy, tín hiệu thị trường xuất khẩu may mặc năm nay sẽ có những khởi sắc. Đặc biệt khi kinh tế thế giới có chiều hướng tăng trưởng tốt lên, mức độ tiêu dùng của các thị trường có sự cải thiện. Năm 2017, ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phát triển từ 6,5% - 7%, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD là khả quan.  

 

Hiện nay, Việt Nam có trên 10 hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ ký kết. Nếu tận dụng hết những lợi thế mà các hiệp định này mang lại thì dư địa của thị trường xuất khẩu Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, đây là thời điểm các DN dệt may cần tích cực chuẩn bị cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, tăng năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho hàng hóa dệt may của Việt Nam. Qua đó, chuẩn bị tư thế sẵn sàng hội nhập bất cứ lúc nào cho các FTA thế hệ mới.

 

T.A


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang