Thứ Năm, 02/05/2024 18:17:31 GMT+7

Tin đăng lúc 01-01-2017

Lượt xem: 3639

Diễn biến giá hàng hóa 2017 sẽ rất khó lường

Năm 2017, giá cả thị trường Việt Nam tiếp tục biến động và gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn vào biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới. Trong khi đó, kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn nhưng còn gặp nhiều khó khăn, nên sẽ ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, diễn biến của giá hàng hóa được dự báo là rất khó lường...
Diễn biến giá hàng hóa 2017 sẽ rất khó lường
Năm 2017, có khá nhiều yếu tố làm cho giá cả tăng lên

Đây là đánh giá của các chuyên gia nêu ra tại hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo 2017”, do Học viện Tài chính tổ chức ngày 29/12.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 tăng 0,23% so với tháng 11/2016; tăng 4,74% so với tháng 12/2015 và CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với năm 2015. Đây là mức tăng cao hơn của bình quân cùng kỳ năm 2015, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân của các năm từ 2008 - 2014.

 

Nhiều loại phí, hàng hóa đội giá

 

Đánh giá về diễn biến giá cả hàng hóa năm 2016, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng hàng hóa trên thị trường bán lẻ do tác động của chi phí sản xuất và chi phí trung gian vô lý, chưa được khắc phục một cách bài bản nên vẫn đang đứng ở một mức giá cần phải có những điều chỉnh xuống cho phù hợp.

 

“Câu chuyện quả trứng gà ở Vĩnh Phúc chỉ 20.000 đồng/chục, sau khi đi một đoạn đường 65km, giá bán lẻ tại các siêu thị khoảng 43.000 - 47.000 đồng/chục. Điều vô lý này vẫn tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết, bởi 1 quả trứng chịu 14 loại phí và 1 quả trứng đã qua 2 - 3 tay nhà buôn, trên thị trường, các hàng hóa khác cũng bị tình trạng tương tự”, ông Phú cho biết.

 

Tình trạng hàng hóa bị ép giá, ép cấp vẫn lại xảy ra với nhiều mặt hàng khác trong năm. Ông Phú chỉ rõ, tại Đồng Tháp, 1kg chanh quả bán tại gốc được có 200 - 300 đồng/kg, nhưng khi đó bán ở Hà Nội và một số tỉnh khác là 20.000 - 30.000 đồng/kg, gấp khoảng 100 lần so với giá gốc. Dừa Bến Tre bị ép giá để đến khi bán lẻ tăng đến 2 - 4 lần giá thương lái mua của bà con tại vườn....

 

Ông Phú cũng cho biết thêm, nói đến giá cả cuối năm 2016, không thể không nói đến việc chuẩn bị Tết Đinh Dậu sắp tới của hệ thống sản xuất phân phối cả nước. Nhiều địa phương đã công bố họ đã chuẩn bị sẵn sàng hàng chục nghìn tỷđồng hàng hóa, như Hà Nội 23.500 tỷ đồng, Tp.HCM 17.000 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, bài học phục vụ Tết Bính Thân 2016 vẫn còn đó, khi Hà Nội công bố có 32.000 tấn rau tham gia thị trường nhưng đến Tết thì giá rau, cà chua tăng 3 - 4 lần mà chưa thấy ai chịu trách nhiệm.

 

Có lực lượng hàng hóa lớn, nhưng điều quan trọng là hàng hóa đó là của ai. Ai quyết định giá bán quỹ hàng hóa đó trên thị trường? Thực chất ngành Công Thương một số tỉnh, thành phố chỉ nắm được quỹ hàng hóa bình ổn khoảng 30% lực lượng, còn lại 70% là lực lượng tiểu thương chưa được tổ chức chặt chẽ, lại là đối tượng nắm quỹ hàng hóa lớn nhất để phục vụ thị trường.

 

“Cho nên, từ ông Công ông Táo 23 Tết đến 29 Tết, năm nào cũng vậy, một số mặt hàng đầu vị như gà ta, giò không lạnh, thủy hải sản cao cấp, rau quả cao cấp thì những mặt hàng đó do các siêu thị và các công ty nhà nước có số lượng ít, hoặc không có, lúc đó tiểu thương sẽ quyết định giá bán trên thị trường chung, mức tăng giá thường từ 20 - 30% so với trước ông Công ông Táo. Bài học về điều hành giá cả thị trường Tết luôn mang tính thời sự ở các thời điểm phục vụ nhạy cảm”, ông Phú nói.

 

Về dự báo giá cả 2017 sắp tới, theo các chuyên gia, có khá nhiều yếu tố làm cho giá cả tăng lên trong năm tới. Từ tháng 1/2017, mức lương cơ sở sẽ tăng 7,4% lên 1,3 triệu đồng/tháng, cùng thời gian này, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp cũng tăng 6,7 - 7,5%.

 

Điều hành xăng dầu bình quân theo tuần?

 

Quý I/2017 dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng và tăng trong cả năm từ 9 - 15% so với 2016. Một số giá cả khác như giá lương thực thực phẩm do biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, môi trường cũng tác động vào giá cả. Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của 31 địa phương còn lại sẽ được điều chỉnh trong năm 2017.

 

Những áp lực trên sẽ tham gia vào những tác động đến chỉ số giá 2017, vì vậy mục tiêu phấn đấu chỉ số giá trong năm tới là 4% của Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn.

 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để thực hiện được mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra, cần thực hiện những giải pháp như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản dưới 2%; bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (điện, nước sạch, xăng dầu)...

 

Theo ông Phú, cần có những giải pháp cơ bản để hạn chế bớt những tác động vào chỉ số giá như tiếp tục kiểm soát một số mặt hàng độc quyền như xăng dầu, điện nước, trên nguyên tắc kiểm soát được giá thành của những mặt hàng đó. Nghiên cứu xem có thể bỏ lợi nhuận định mức của kinh doanh xăng dầu, xem xét việc điều hành quỹ bình ổn xăng dầu, đặc biệt là các yếu tố hình thành giá các mặt hàng độc quyền phải được công khai minh bạch cho mọi người được biết một cách rộng rãi để giám sát. Những quy định về thời gian bình quân điều chỉnh giá là 15 ngày hiện nay vẫn còn dài, nên điều hành theo bình quân tuần chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

 

Về hệ thống phân phối quốc gia, ông Phú khẳng định, nếu chúng ta giảm bớt các chi phí kinh doanh, giảm bớt một vài khâu trung gian vô lý thì giá cả những mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm sẽ đến tay người dân, sẽ giảm được 5 - 10%. Điều quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ phải nhận thức được là hiện nay họ đã hưởng lợi nhuận kinh doanh quá mức mà họ được hưởng.

 

Đặc biệt, về thuế giá trị gia tăng (VAT) tiêu dùng, ông Phú cho rằng 1 kg thịt lợn hiện nay bán ở các siêu thị và các công ty có áp thuế VAT, người tiêu dùng phải chịu thêm 10.000 đồng, các loại hàng hóa khác cũng tương tự, phải chịu một mức thuế khá cao là 5 - 10%.

 

Vậy nên, ông Phú kiến nghị rằng trong điều kiện sức mua còn yếu, giá cả đang đứng ở mức cao vô lý trên thị trường, Quốc hội nên xem xét sớm tạm thời điều chỉnh mức thuế VAT hiện nay, hai loại 5% và 10% xuống 4% và 7% tùy theo nhóm hàng cụ thể để kích thích sức mua và phát triển sản xuất mạnh mẽ hơn.

 

Trước những khó khăn trên, ông Phạm Minh Thụy - Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), nhận định rằng diễn biến giá cả ở Việt Nam năm 2017 vẫn còn phụ thuộc vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước (dịch vụ y tế, giáo dục, điện, than, xăng dầu…).

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang