Thứ Hai, 29/04/2024 22:35:05 GMT+7

Tin đăng lúc 24-05-2022

Lượt xem: 933

Doanh nghiệp dịch vụ: Chật vật tìm cách phục hồi

Sau một thời gian "ngấm đòn" Covid-19, các doanh nghiệp dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, doanh nghiệp mong chờ những chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Doanh nghiệp dịch vụ: Chật vật tìm cách phục hồi
Cần có chính sách kịp thời, phù hợp để hỗ trợ ngành dịch vụ

Sau một thời gian "ngấm đòn" Covid-19, các doanh nghiệp dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, doanh nghiệp mong chờ những chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, trong đó ổn định môi trường kinh doanh, giảm áp lực chi phí đầu vào là yêu cầu cấp thiết.

 

Doanh thu giảm mạnh

 

Qua các báo cáo quý được công bố trong 2 năm liên tiếp 2020, 2021, các tổ chức nghiên cứu thị trường như Savills, CBRE đều nhận định, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, trong đó đặc biệt là ngành du lịch, lưu trú và dịch vụ ăn uống (F&B) của Việt Nam.

 

Thống kê của CBRE: Tại thị trường khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội, nhiều khách sạn chỉ được hoạt động với một phần nhỏ công suất khả dụng do phải thực hiện giãn cách xã hội. Trong quý III/2021, giá phòng bình quân đạt 94,4 USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm tới 16,4% so với năm 2019. Tương tự, công suất phòng bình quân đạt 26,2%, giảm 3% so với cùng kỳ 2020 và giảm 54,7% so với cùng kỳ 2019. Vì vậy, RevPAR chỉ đạt 24,7 USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ 2020 và giảm tới 72,9% so với cùng kỳ 2019.

 

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Du lịch, nếu như năm 2019 (trước thời điểm xảy ra Covid-19), tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, thì đến năm 2020 chỉ còn 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7% so với năm trước đó, năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 180.000 tỷ đồng, giảm 42,3% so với năm 2020.

 

Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước tính đạt 400.000 tỷ đồng.

 

Rất cần chính sách hỗ trợ

 

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để phục hồi ngành du lịch, khách sạn và F&B cần có những chính sách tổng thể, trong đó việc ổn định các chi phí đầu vào.

 

Bà Đỗ Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam - tỏ ra lo ngại trước thông tin xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn.

 

Tại kỳ họp bất thường tháng 1 vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật, trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Và, theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, cơ quan quản lý sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia, rượu.

 

"Ngành khách sạn và dịch vụ F&B tiêu thụ khối lượng đồ uống rất lớn. Có những khách sạn chiếm khoảng 50% tổng doanh thu là đồ ăn, đồ uống" - bà Xoan chia sẻ và lo ngại việc tăng thuế khiến giá cả tăng cao, gây áp lực cho chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giá đồ uống cao, không bán được cũng ảnh hưởng rất lớn doanh thu, lợi nhuận của khách sạn và ngành đồ uống.

 

Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam cho rằng, để phục hồi ngành du lịch thì phải có những chính sách tổng thể, hỗ trợ với nhiều giải pháp. Nếu tăng thuế đối với đồ uống thì ngành đồ uống và khách sạn, F&B đều bị ảnh hưởng và chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa.

 

Có thể thấy, trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp dịch vụ đang rất cần những chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chính sách thuế, giảm chi phí đầu vào, nuôi dưỡng nguồn thu. Đó là những điều kiện thuận lợi để ngành dịch vụ nhanh chóng phục hồi, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% mà Quốc hội đề ra.

 

Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2021, doanh thu toàn ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính giảm 13% so với năm 2019, trở thành một trong những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang