Thứ Sáu, 17/05/2024 16:48:00 GMT+7

Tin đăng lúc 05-03-2017

Lượt xem: 2616

Doanh nghiệp nuôi tôm và thách thức 10 tỷ USD

Nhiều doanh nghiệp nuôi tôm kỳ vọng một năm 2017 khởi sắc do nhu cầu thị trường đang cao. Song, vẫn có những tiếng nói e ngại…
Doanh nghiệp nuôi tôm và thách thức 10 tỷ USD
Ảnh minh họa

Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 161 thị trường với kim ngạch trên 7 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2015. Trong đó, tôm chiếm tỷ lệ 44% (3,13 tỷ USD).

 

Xuất khẩu tôm, nhập giống

 

Trong 9 tháng đầu năm 2016, lượng tôm Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ chiếm 23% tổng xuất khẩu của Việt Nam, đạt hơn 520 triệu USD.

 

Xuất khẩu tôm của Việt Nam gần đây đem về doanh số cao hơn xuất khẩu gạo (3,13 tỷ USD so với 2,1 tỷ USD), khiến tôm trở thành mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị thứ hai, chỉ sau cà phê.

 

Đáng chú ý, Trung Quốc đang tiêu thụ khối lượng tôm sú rất lớn từ Việt Nam và không ngồi đợi hàng xuất khẩu, họ tìm đến các tỉnh ven biển tổ chức thu mua.

 

Dù tôm đang có dấu hiệu tốt, nhưng ngay cả những người thắng đậm cũng không dám khẳng định tương lai. Vào những thời điểm tôm có giá nhất, như tháng 1/2017 vừa qua, ở Cà Mau, quanh khu vực vựa tôm nước lợ 278.000 ha có 34 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất 150.000 tấn thành phẩm/năm, nguồn cung tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng 50-60% công suất các nhà máy. Ngoài thị trường, thương lái đã ra sức đẩy giá lên, thậm chí kiểu gì cũng mua, kể cả tôm bơm tạp chất. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú (tươi sống) – loại 30- 40 con/kg khoảng 210.000- 250.000 đồng/kg; tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg có giá 220.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg). Tại Kiên Giang, tôm sú loại 30 con/kg là 240.000 đồng/kg.

 

Việt Nam luôn nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp tôm lớn nhất tại Nhật Bản, đứng thứ 3 tại thị trường Hoa Kỳ và thứ 4 trong khối EU. Tuy thế, ở chiều ngược lại, Việt Nam lại cũng là nước phải đi mua rất nhiều tôm giống, hầu hết của Trung Quốc. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu 90% tôm giống chân trắng và tôm sú bố mẹ (khoảng 180.000 – 260.000 con).

 

Hiện nay cả nước có 2.400 cơ sở sản xuất giống (trong đó hơn 1.860 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 560 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng), mỗi năm cung cấp trên 100 tỷ con giống. Nhưng chất lượng con giống và những biến đổi thất thường của thời tiết luôn khiến người nuôi nơm nớp lo.

 

Kháng sinh: chuyện khổ lắm, biết rồi, nói mãi…

 

Thúc đẩy kế hoạch kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD/năm vào năm 2025 thay vì năm 2030 là kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thậm chí, theo người đứng đầu Chính phủ, ngành tôm đóng góp tới 10% GDP quốc gia. Muốn vậy, khu vực nuôi tôm cần có giải pháp kỹ thuật có tính sáng tạo, đột phá, có bước tiến mạnh hơn trong ứng dụng công nghệ về sản xuất – cung ứng con giống, giảm chi phí giá thành và sản phẩm đầu ra phải đạt chất lượng cao, trong đó yêu cầu hàng đầu là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Sau gần 1 năm, những căn bệnh đã được chỉ ra của ngành tôm vẫn tồn tại, thậm chí trầm trọng hơn

 

Tất nhiên, đây là một mục tiêu đầy thách thức. Tại cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp lần đầu tiên diễn ra cuối tháng 4 năm ngoái, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, đã có bài phát biểu khẩn thiết “Hãy cứu lấy ngành tôm”, trong đó chỉ ra hàng loạt những tồn tại khiến ngành này không thể cất cánh, thậm chí còn có nguy cơ tụt hậu.

 

Sau gần 1 năm qua, những căn bệnh đã được chỉ ra vẫn tồn tại, thậm chí trầm trọng hơn. Không chỉ gửi lời khẩn thiết đến Thủ tướng, đôi lần trong năm qua, ông Quang không giấu được bức xúc khi chủ động cầm máy trao đổi với phóng viên về nạn sử dụng kháng sinh bừa bãi và tiêm chích tạp chất vào con tôm.

 

Ngay khi sản xuất con giống, các trại sản xuất tôm giống đã sử dụng kháng sinh nên tôm nuôi chậm lớn, tỷ lệ thành công thấp, giá thành cao. Trong khi đó, không có một cơ quan nhà nước nào kiểm tra định kỳ và giám sát quá trình nuôi cũng như kiểm tra kháng sinh trước khi thu hoạch nên tôm nuôi sử dụng kháng sinh vẫn được “vô tư” chở đến bán cho các nhà máy chế biến. Dùng Eliza để kiểm nhanh kháng sinh sau 2 đến 3 tiếng có kết quả thì tỷ lệ đúng chỉ đạt 50% so với máy LC/MS/MS. Cho nên, có khi kiểm tra bằng thiết bị Eliza không có dư lượng kháng sinh, nhưng khi đến tay khách hàng kiểm lại vẫn có. Để chắc chắn tôm không bị nhiễm kháng sinh thì nhà máy phải đầu tư thiết bị kiểm kháng sinh LC/MS/MS với giá khoảng 10 tỷ đồng. Mỗi nhà máy 10 tỷ đồng, vài trăm nhà máy sẽ phải đầu tư tới hàng ngàn tỷ đồng…

 

Bên cạnh đó còn là tình trạng khi thu hoạch tôm, các đại lý thường cho tôm uống nước, ngâm nước và ngâm thuốc từ 1 đến 2 ngày để tăng trọng nên sản phẩm làm ra chỉ bán được vào các thị trường cấp thấp với giá thấp.

 

Đối với tôm sú, nhiều nơi vẫn còn có hiện tượng bơm chích tạp chất, bơm chích Agar, cắm đinh, cắm tăm tre, tăm dừa… vào tôm, làm tôm Việt Nam bị mất uy tín nghiêm trọng trên thị trường thế giới. Trong năm 2015, do tình trạng này mà nhiều khách hàng không mua tôm sú nguyên con và tôm sú vỏ của Việt Nam mà chuyển qua mua các mặt hàng tôm này tại Indonesia và Philippines. Lượng hàng tôm sú của Việt Nam bị tồn kho rất lớn làm cho giá rớt mạnh một cách thê thảm. Không những thế, con sâu làm rầu nồi canh, do sản phẩm của một vài doanh nghiệp Việt Nam bị nhiễm kháng sinh, vi sinh mà Nhật Bản đưa mặt hàng tôm Việt Nam vào diện lấy mẫu và kiểm soát kháng sinh và vi sinh 100%, làm tăng chi phí lưu kho, kiểm mẫu cao. Các nước khác chỉ bị kiểm mẫu theo tần suất 50 đến 100 lô mới lấy mẫu 1 lô.

 

Chọn cách tiếp cận nào?

 

Trên thị trường thế giới, tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với tôm Thái Lan, Ấn Độ, Ecuado. Giá thành tôm Việt Nam thường cao hơn ít nhất 10% trong khi có không ít điểm yếu kể trên, khiến cho dù nhu cầu tiêu dùng rất lớn, nhưng con tôm không vào được thị trường bạn.

 

Trong khi đó – nói như ông Lê Văn Quang, doanh nghiệp phải tự bơi, loay hoay tìm ra những công nghệ phù hợp nhất, tốn kém chi phí vô cùng lớn mà không hiệu quả. Việt Nam không có một viện/trường nào chuyên nghiên cứu để có được một quy trình nuôi, công nghệ nuôi tốt, cho giá thành thấp, lợi nhuận cao; chưa có giải pháp hiệu quả chống được bệnh EMS, EHP, bệnh đốm trắng…

 

Đã thế, “căn bệnh nhà nghèo chơi sang” cũng xảy ra với ngành tôm khi Nhà nước đang hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm để đạt chứng nhận Viet GAP, trong khi bao nhiêu năm nay, khi bán tôm ra nước ngoài, chưa có một khách hàng nào yêu cầu chứng nhận này mà chỉ yêu cầu các nhà máy chế biến tôm có chứng nhận BAP, ASC, Global GAP…

 

“Chúng tôi nghĩ rằng, ngành tôm của Việt Nam hiện đang lỗi ở hệ thống và sai ở cách tiếp cận và hướng đi”, ông Quang cho biết. Vẫn theo lãnh đạo Công ty Minh Phú, một mô hình rất đáng tham khảo là tại Ecuador, họ tiếp cận theo hướng tôm kháng bệnh và nuôi tôm ở mật độ thấp 10-30 con/m2 thì không cần phải sử dụng bất cứ hóa chất và kháng sinh nào mà chỉ cần lọc nước bằng túi lọc để loại cá tạp không vào ăn tôm. Sau 90-100 ngày thu hoạch đạt 50-60 con/kg, năng suất đạt 1-2,5 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công trên 90%. Mỗi năm họ nuôi 3 vụ, năng suất đạt 3-7,5 tấn/ha/năm. Với cách nuôi này, mỗi ao nuôi rộng 7-10ha nên chi phí đầu tư thấp và hệ số sử dụng đất cao.
Việt Nam tiếp cận theo hướng sạch bệnh và nuôi tôm ở mật độ cao (từ 80-120con/m2) và cũng nuôi 90-100 ngày, năng suất đạt 5-10 tấn/ha/vụ, nhưng tỷ lệ thành công dưới 30%. Với cách nuôi này mỗi ao thường có diện tích 0,3-0,5ha nên chi phí đầu tư cao và hệ số sử dụng đất thấp

 

Những dấu ấn của Tôm Việt
Top 5 quốc gia
Việt Nam luôn nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp tôm lớn nhất tại Nhật Bản, đứng thứ 3 tại thị trường Hoa Kỳ và thứ 4 trong khối EU
BAP 4 sao
Hiện nay, cả nước có 12 doanh nghiệp được cấp chứng nhận BAP 4 sao trên tổng 67 doanh nghiệp có BAP (chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất)

 

Nguồn thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang