Thứ Năm, 02/05/2024 23:22:17 GMT+7

Tin đăng lúc 20-02-2022

Lượt xem: 711

Doanh nghiệp “oằn mình” chống chọi làn sóng tăng giá

Cước tàu biển ở mức cao, chi phí nguyên liệu đầu vào cùng nhiều chi phí khác vốn đã tăng mạnh từ năm 2021, nay cộng thêm giá xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp lo ngại sắp tới sẽ tiếp tục phải đối mặt với làn sóng tăng giá dịch vụ khác.
Doanh nghiệp “oằn mình” chống chọi làn sóng tăng giá
Chi phí xăng dầu cho đội xe tải hơn 450 chiếc của Nhất Tín logistics đang bị đội lên từ 5 - 7% sau khi giá xăng tăng

Lo ngại mất cạnh tranh…

 

Những ngày qua, việc tăng giá xăng dầu đang khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Bởi thông lệ khi xăng dầu tăng thì nhiều loại dịch vụ và giá nguyên liệu đầu vào khác tăng theo là điều khó tránh khỏi.

 

Đơn cử như trong lĩnh vực logistics, ông Nguyễn Văn Tú - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín (Nhất Tín logistics) - cho biết: Doanh nghiệp này đang cung cấp các dịch vụ vận chuyển nói riêng và các giải pháp logistics khác nói chung cho phần lớn đối tác, khách hàng doanh nghiệp trên toàn quốc. Giữa các bên đều có sự thỏa thuận và thống nhất về giá cước vận chuyển khi thực hiện ký hợp đồng và Nhất Tín logistics vẫn đang áp dụng giá cước như đã công bố trong suốt quá trình hợp tác. Do vậy khi giá xăng dầu tăng gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp bởi chi phí xăng dầu cho đội xe tải hơn 450 chiếc bị đội lên từ 5 - 7%, trong khi giá cước thì không thay đổi.

 

Chung cảnh ngộ, ông Lê Đăng Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế VIJAI logistics Vietnam - cho hay: Trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng dầu chiếm cơ cấu từ 35 - 40% giá cước. Vì thế nếu không tăng giá cước logistics theo chi phí giá xăng doanh nghiệp sẽ lỗ tương ứng. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải có phương án thương lượng với khách hàng, trường hợp khách hàng không chia sẻ đành phải hủy đơn hàng. “Trong hoạt động kinh doanh vận tải, logistics nói chung thì không có ràng buộc doanh nghiệp phải giữ giá y nguyên mà sẽ có điều chỉnh giá cước theo biến động của thị trường xăng dầu. Vì thế việc điều chỉnh giá cước là điều khó tránh khỏi”- ông Tâm chia sẻ.

 

Với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu - lần tăng giá xăng dầu này như giáng thêm một đòn mạnh với họ vì từ năm 2021 tới nay tất cả họ đều đối mặt với việc tăng giá chóng mặt của cước tàu biển, cước container, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí chống dịch…

 

Ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Công ty CP Phụ liệu may Nha Trang (ISE) - lo lắng: Giá xăng tăng mạnh khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều áp lực, ảnh hưởng đến việc khôi phục sản xuất. Ông Đức lý giải rằng, khi giá xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển sản phẩm đầu ra đều tăng lên và công ty phải chịu những chi phí vận chuyển này. Bên cạnh đó, giá cả các loại hàng hóa, nguyên liệu sẽ điều chỉnh theo giá xăng dầu nên thời gian tới có thể giá sợi, vải sẽ tăng. “Chúng tôi đang ở thế khó. Nếu không tăng giá thành sản phẩm sẽ phải bù lỗ còn tăng giá thành sản phẩm thì lại không cạnh tranh được”- ông Đức bày tỏ.

 

Đồng bộ giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động

 

Trong bối cảnh khó lòng điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ, nhiều giải pháp đồng bộ đã được doanh nghiệp đưa ra để tiết giảm chi phí. Chẳng hạn với Nhất Tín logistics, ông Tú cho biết đã áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng xe tải đời mới nhằm tối ưu, tiết giảm và kiểm soát các chi phí. Song song đó là tăng cường đào tạo nhân viên nội bộ về việc ý thức vận hành xe tải cũng như cung cấp các kiến thức để có thể tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sử dụng. Tuy vậy, về tương lai nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, Nhất Tín logistics có thể phải thực hiện điều chỉnh giá bán để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ.

 

Trong khi đó với doanh nghiệp sản xuất, theo ông Phan Văn Có - Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE, doanh nghiệp này đang phải cân đối giảm giá thành hàng hóa ở mức cho phép, đồng thời giảm mua lúa gạo vào thời điểm hiện tại để tránh lỗ.

 

Còn với Công ty CP Đầu tư thương mại Chanh Việt, ông Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc điều hành Công ty - cho biết đang chủ động vùng nguyên liệu đầu vào cũng như khép kín chuỗi giá trị chế biến chanh từ nhiều năm nay nên ảnh hưởng từ giá xăng chỉ ở mức 5-7%. “Với mức tăng này chúng tôi sẽ chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận tương ứng để giữ giá hàng hóa xuất khẩu cũng như các đơn hàng đang phân phối tại nội địa”- ông Hiển thông tin.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang