Thứ Năm, 09/05/2024 09:23:16 GMT+7

Tin đăng lúc 03-02-2015

Lượt xem: 4386

Đòn bẩy “kích” doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ chính thức ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế, thực thi cải cách sâu rộng thủ tục hành chính sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi và phát triển tốt hơn.
Đòn bẩy “kích” doanh nghiệp nhỏ và vừa

Và, có một câu hỏi đặt ra: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam hiện nay ra sao, đã đủ “thế” và “lực” hội nhập chưa?

 

Theo các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm gần đây, DNNVV Việt Nam gia tăng mạnh mẽ về số lượng. Số DN thành lập mới năm 2014 tăng 1,63 lần so với năm 2006. DNNVV chiếm tới 98,6% “đội quân” DN ngoài nhà nước, luôn chiếm tỷ trọng 48- 49% GDP trong giai đoạn 2009-2012; đóng góp khoảng 1/3 ngân sách; chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội...

 

Mặc dù vậy, DNNVV Việt Nam còn rất hạn chế về quy mô, vốn, công nghệ, trình độ quản lý, dẫn đến hạn chế về năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Doanh thu, lợi nhuận của DNNVV đang có xu hướng giảm. Tỷ lệ DNNVV thua lỗ tăng từ 25,14% năm 2010 lên 65,8% năm 2013; DNNVV kinh doanh có lãi cũng giảm từ 64,12% năm 2010 xuống còn 34,2% năm 2013...

 

Tại Hội thảo với chủ đề “Thách thức phát triển doanh nghiệp năm 2015”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hỗ trợ phát triển DNNVV, cần thực hiện một số chính sách cơ bản làm “đòn bẩy” kích DN lớn mạnh hơn.

 

Thứ nhất, tái cơ cấu thị trường tài chính, cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV bằng cách đơn giản hóa thủ tục cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân tiếp cận vốn với lãi suất và điều kiện cho vay phù hợp; mở rộng áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm DNNVV để tăng cường khả năng cho vay tín chấp cho DN.

 

Thứ hai, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của DNNVV; đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ, chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh cho DN.

 

Thứ ba, có cơ chế để DNNVV tham gia dự án đầu tư lớn của nhà nước; tạo điều kiện cho DNNVV tham gia các dự án trong một số lĩnh vực, ngành nghề mà hiện tại chủ yếu do các tập đoàn kinh tế nhà nước thực hiện với các điều kiện ưu đãi về nguồn lực và hỗ trợ của Chính phủ như đang áp dụng cho DNNN.

 

Thứ tư, có chính sách khuyến khích hợp tác giữa các DN, tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho DNNVV.

 

DNNVV có vị thế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, con đường phát triển của DNNVV còn nhiều cam go, không thể để DN tự đi, tự vượt khó.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang