Thứ Bẩy, 18/05/2024 22:22:38 GMT+7

Tin đăng lúc 05-05-2024

Lượt xem: 528

Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của Hải Phòng

Thời gian qua, thành phố Hải Phòng là điểm sáng trong hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hoạt động hợp tác về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo với các địa phương. Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo và được kỳ vọng trở thành trụ cột xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng.
Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của Hải Phòng
Sản xuất hàng điện tử tại Nhà máy LG Electronics Hải Phòng

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng Trần Quang Tuấn cho biết, thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hàm lượng tri thức cao đã tạo động lực phát triển, hình thành làn sóng phát triển mới cho kinh tế-xã hội của Hải Phòng nói riêng và cả khu vực nói chung, đưa Hải Phòng trở thành địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp hiện đại, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bền vững; thành phố tiên phong phát triển công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo, tạo động lực hình thành hành lang đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng liên kết quốc gia, kết nối quốc tế.

 

Mới đây, sự kiện Hải Phòng đăng cai tổ chức Techfest vùng duyên hải Bắc Bộ đã giúp cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo, đưa thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế là thành phố đổi mới sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động của Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng ra thế giới. Đồng thời, qua sự kiện này, Hải Phòng kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số, nông nghiệp, tự động hóa, du lịch và ẩm thực, phát triển nền tảng trực tuyến, mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ tiếp cận thị trường, tạo đột phá thương mại hóa sản phẩm địa phương.

 

Bên cạnh đó, công tác phối hợp triển khai các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ được thành phố triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 về quản lý chất lượng tổng thể chính quyền địa phương tại 12 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hoàn thành các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc triển khai các dự án và triển khai nghiên cứu đã bám sát thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề nóng, tồn đọng nhiều năm như: Đề án xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ biển; xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng; xây dựng chương trình khoa học, công nghệ biển thành phố Hải Phòng đến năm 2030; dự án sản xuất thử nghiệm hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của Nhà máy phân bón DAP-Đình Vũ sản xuất phụ gia xi-măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng.

 

Trong hoạt động mở rộng liên kết, Hải Phòng đã tổ chức ký hợp tác đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch giữa Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng với Trường đại học Hải Phòng. Đồng thời, đại diện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (Hải Phòng-ESC) của Trường đại học Hải Phòng. Theo thỏa thuận hợp tác, giai đoạn 2024-2027, các bên sẽ đào tạo 1.000-1.200 kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu về vi mạch cho đội ngũ giảng viên, kỹ sư tại Hải Phòng và các vùng lân cận, đào tạo 3.000-5.000 lao động có kỹ năng cơ bản về vi mạch cùng nhiều hoạt động nghiên cứu, hợp tác khác trong việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

 

Theo kết quả công bố xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023, thành phố Hải Phòng đứng thứ ba, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số yếu tố chính đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thành phố đạt được kết quả này, trước hết là yếu tố thể chế (Hải Phòng đạt số điểm 76,19 trên thang điểm tối đa là 77,16) thể hiện bằng sự cam kết của chính quyền địa phương trong việc thiết lập các chính sách thúc đẩy hỗ trợ và khuyến khích đổi mới và sáng tạo, từ việc khuyến khích đầu tư vào đổi mới nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho thu hút vốn đầu tư. Các chính sách này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp và cá nhân.

 

Thứ hai là vốn con người và hoạt động nghiên cứu phát triển (Hải Phòng đạt 53,83 điểm trên thang điểm tối đa là 63,06). Yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo từ nhiều khía cạnh khác nhau. Vốn con người là nguồn lực quan trọng nhất, là chủ thể đối với mọi hoạt động đổi mới sáng tạo. Các cá nhân có kiến thức, kỹ năng và tư duy sáng tạo được coi là tài nguyên quan trọng trong việc phát triển và áp dụng công nghệ mới, tạo ra các ý tưởng và sản phẩm đổi mới. Cuối cùng, yếu tố cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thể hiện ở việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, kết nối giao thương và thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển.

 

Đánh giá về hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hải Phòng, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, một số chương trình khoa học-công nghệ lớn có tầm ảnh hưởng đến phát triển của thành phố mới chỉ ở giai đoạn đầu. Hải Phòng chưa tạo được sự chuyển biến lớn kéo theo nhiều sở, ngành, vụ, cục hay doanh nghiệp lớn tham gia. Vì vậy, thành phố cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm của địa phương; tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ; quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Hải Phòng triển khai các nội dung trong chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đưa khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố ■

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang