Chủ Nhật, 28/04/2024 11:55:48 GMT+7

Tin đăng lúc 27-09-2023

Lượt xem: 1035

Dư địa còn rất lớn để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bứt phá

Có một điều phải thừa nhận rằng, dư địa phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề đặt ra là cần khơi thông các chính sách để thu hút đầu tư về nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để “phủ đầy” những khoảng trống về CNHT hiện nay.
Dư địa còn rất lớn để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bứt phá
Ngành CNHT của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

 

Trong thời gian qua, doanh nghiệp (DN) trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo. Việt Nam đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., tạo nền tảng cho ngành CNHT, giúp các DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Những năm qua, nhiều dòng xe du lịch của Tập đoàn Thaco Trường Hải đã có tỷ lệ nội địa hoá từ 30 - 40%. Đáng chú ý, tỷ lệ nội địa hoá của dòng xe buýt còn cao hơn rất nhiều, với nhiều thiết bị cơ khí tự sản xuất... Trong năm 2023, doanh số xuất khẩu mặt hàng này dự tính mang về cho Thaco hàng trăm triệu USD.

 

Một ví dụ khác là Toyota Việt Nam. Với cam kết phát triển sản xuất trong nước cùng với chiến lược nội địa hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của xe trong nước so với xe nhập khẩu, Toyota Việt Nam đã triển khai hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao và giá thành cạnh tranh. Đến nay, hầu hết các xe của Toyota đều đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, riêng dòng xe chủ lực Vios đạt tỷ lệ nội địa hoá lên tới 43% nếu tính theo công thức giá trị gia tăng của ASEAN.

 

Cần áp dụng nhiều chính sách mới hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT

 

Dù đã có những thành quả tương đối ấn tượng song ngành CNHT Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển hết tiềm năng. Hiện tại, các DN CNHT chủ yếu là dạng nhỏ và vừa, gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn… Thị trường CNHT của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, sản lượng thấp nên chưa thu hút các DN đối tác. Bởi vậy, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam còn rất nhiều khó khăn.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 01 triệu DN tham gia vào sản xuất, chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là một con số quá thấp khi so sánh với cộng đồng DN CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

 

Như vậy, ngành CNHT đang rất cần phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu với quy mô lớn hơn, bao trùm hơn. Lĩnh vực này còn quá nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Hiện nay, các sản phẩm CNHT của Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí… Còn những sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, tinh vi, phức tạp… thì chưa được đầu tư để có được những nhà máy CNHT đáp ứng yêu cầu này.

 

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ đã triển khai thành lập 3 Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các DN sản xuất công nghiệp và CNHT đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải cho biết, hiện chúng ta có 3 lực để phát triển CNHT, đó là lực kéo của thị trường, lực đẩy của khoa học công nghệ và lực nâng của chính sách. Chính sách Nhà nước cần phải cụ thể hơn, gắn bó mật thiết với các DN như các gói ưu đãi về thuế, đầu tư các khu công nghiệp chuyên ngành và giá trị lớn hay như những DN xuất khẩu phải có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ để DN có thể hội nhập và vươn ra thế giới…

 

Da giày cũng là một ngành cần đặt việc phát triển CNHT lên vị trí ưu tiên. Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), xuất khẩu da giày Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD năm 2023, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, hiện nay một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu. “Mười năm trước đây, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày chỉ đạt 40%, hiện mức trung bình tăng lên 55%, cá biệt có những mặt hàng như giày thể thao, chúng ta chủ động 70 - 80%, giày vải chủ động gần như 100% nguyên phụ liệu trong nước”, lãnh đạo LEFASO đánh giá.

 

Các báo cáo cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 300 triệu đô la Mỹ nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp này. Toàn ngành có 129 DN đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 DN trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.

 

Đáng chú ý, nguyên phụ liệu cho ngành mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao. Hàng năm, các DN vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

 

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành Da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại, nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải phát triển CNHT, nguyên phụ liệu trong nước.

 

Trong thời gian sắp tới, ngành Da giày Việt Nam tham gia sản xuất nhiều dòng giày thuộc phân khúc cao cấp hơn, do đó đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, DN trong nước cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao.

 

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành Da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của CNHT ngành Da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

 

Đứng trước mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành Da giày, Việt Nam cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành Da giày hiện nay theo xu hướng thời trang thay đổi liên tục, do đó cần phát triển CNHT da giày phù hợp với xu hướng.

 

Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển CNHT ngành Da giày, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho DN có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Minh Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang