Thứ Năm, 02/05/2024 19:04:06 GMT+7

Tin đăng lúc 01-10-2019

Lượt xem: 2409

EVNNPC: Hành trình 50 năm khẳng định vai trò hợp tác quốc tế

Sau cuộc tổng tiến công nổi dậy của quân và dân miền Nam Tết Mậu Thân (1968) đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris, đồng thời tạm ngưng ném bom miền Bắc nước ta. Tận dụng cơ hội này, miền Bắc nhanh chóng khắc phục những hậu quả của chiến tranh, khôi phục sản xuất, cải tiến quản lý, sắp xếp lại tổ chức và kinh doanh trong lĩnh vực điện năng.
EVNNPC: Hành trình 50 năm khẳng định vai trò hợp tác quốc tế
Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, EVNNPC đã tập trung cải tạo, xây dựng hệ thống lưới điện phân phối trên địa bàn 27 tỉnh/thành phố miền Bắc

Công ty Điện lực (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) được thành lập năm 1969 là một bước chuyển quan trọng về cơ chế, phát huy tính năng động và tinh thần trách nhiệm cao của ngành Điện Việt Nam, tạo ra sự phát triển mới gắn chặt nhiệm vụ chính trị của một ngành kinh tế quan trọng với hiệu quả kinh doanh.

 

Ngay sau khi được thành lập, lĩnh vực hợp tác quốc tế của Công ty Điện lực được bắt đầu với việc tiếp tục xây dựng công trình Thủy điện Thác Bà bằng nguồn vốn giúp đỡ của Liên Xô. Ngày 22/2/1970, Công ty tiến hành ngăn sông và lần lượt đưa vào vận hành các tổ máy 1 (05/10/1971), tổ máy 2 (10/3/1972) và tổ máy 3 (19/5/1972). Công trình Thủy điện Thác Bà đi vào vận hành đã trở thành cái nôi đào tạo ra biết bao thế hệ cán bộ có chuyên môn cao và tích lũy nhiều kinh nghiệm qúy báu cho ngành Điện Việt Nam phát triển ở những giai đoạn sau này, đặc biệt trong đó là hoạt động hợp tác quốc tế còn rất mới mẻ đối với nước ta lúc bấy giờ.

 

"Cầu nối" cho các nguồn vốn vay quốc tế

 

Sau công trình Thủy điện Thác Bà, Công ty Điện lực tiếp tục khởi công công trình Nhiệt điện Ninh Bình (100 MW) do Trung Quốc viện trợ (24/6/1971) và công trình Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) bằng nguồn vốn vay của Liên Xô (6/11/1979).

 

Tiếp đó, Công ty Điện lực chuyển sang một giai đoạn mới, đó là thực hiện nhiệm vụ chuyên sâu về kinh doanh điện năng và phát triển lưới điện miền Bắc. Đây cũng là thời điểm Việt Nam có nhiều chuyển biến cơ bản về quan hệ quốc tế. Năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận kinh tế, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Các tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… bắt đầu nối lại quan hệ và cho Việt Nam vay các khoản vốn vay phát triển chính thức.

 

Vào thời điểm này, Công ty Điện lực 1 bắt tay vào triển khai Dự án cải tạo lưới điện tại 3 thành phố: Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định bằng nguồn vốn vay nước ngoài từ ADB. Theo đó, EVNNPC dùng vốn vay này (vay của ADB/vay lại từ Chính phủ) phục vụ cho việc mua sắm vật tư thiết bị và dùng vốn đối ứng (gồm vốn vay tín dụng đầu tư Nhà nước và vốn khấu hao cơ bản) cho việc xây lắp, nhằm nâng cao khả năng cung cấp điện cho 3 thành phố trên, đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng phụ tải. Kết quả, Dự án cải tạo lưới điện tại 3 thành phố Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định hoàn thành được bàn giao đưa vào sử dụng đã nâng cao khả năng cung cấp điện, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và ổn định tình hình an ninh chính trị của địa phương. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

 

Cùng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, giai đoạn 1993 - 2017, EVNNPC đã triển khai nhiều Dự án, trong đó có Dự án cải tạo lưới điện phân phối tại thành phố Thái Nguyên (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn của Thụy Điển với tổng mức đầu tư 123 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2002. Với việc cải tạo, nâng cấp tiết diện cho đường dây để tăng năng lực truyền tải, chống quá tải cho dây dẫn khi kết nối mạch vòng đã đem lại hiệu quả giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện áp. Theo đó, độ tin cậy cung cấp điện đã được tăng thêm, giảm nguy cơ gây ra sự cố, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định cho các hộ phụ tải. Đồng thời, tăng sản lượng điện thương phẩm, doanh thu và giá bán điện bình quân…

 

Thông qua các dự án trên, EVNNPC đã khẳng định với các tổ chức tài chính quốc tế về tính hiệu quả từ các dự án đã góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế và giảm nghèo. Trong khi, các dòng vốn này trên thế giới đang có xu hướng giảm thì đối với Việt Nam và đặc biệt trong ngành Điện lại liên tục tăng.

 

 

Thông qua việc cải tạo, nâng cấp tiết diện cho đường dây đã đem lại hiệu quả giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện áp

 

Hiệu quả các Dự án vay vốn

 

Từ năm 1995, EVNNPC triển khai nhiều dự án bằng nguồn vốn ODA đa phương, song phương thông qua sự hỗ trợ của WB, ADB, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản và các quốc gia khác… đã giúp Tổng công ty củng cố, xây dựng hệ thống lưới điện phân phối trên địa bàn 27 tỉnh/thành phố miền Bắc. Tuy nhiên, tình hình điện khí hóa chung tại thời điểm này của khu vực còn thấp. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ được cấp điện lưới còn ở mức rất thấp, như tại: Bắc Kạn là 12/108 xã (chiếm 11%); Lai Châu là 17/142 xã (chiếm 12%); Lào Cai là 26/160 xã (chiếm 16%); Cao Bằng là 38/177 xã (chiếm 21%); Hà Giang là 36/175 xã (chiếm 21%).

 

Hầu hết lưới điện nông thôn được đầu tư bằng các nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (tỉnh, huyện), nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp, nguồn vốn huy động trong nhân dân còn eo hẹp. Do vậy, điều kiện kỹ thuật và vận hành an toàn lưới điện ở nông thôn chưa được đồng bộ. Bởi, hệ thống lưới điện có tiết diện nhỏ, chất lượng thấp, đứt nối nhiều, chất lượng cột kém… dẫn đến chất lượng điện năng và độ tin cậy không cao, tổn thất điện áp lớn (có khu vực lên tới 40%), sự cố lưới điện nhiều (trung bình: 120 lần/năm/xã; cao nhất là 280 lần/năm/xã), không đáp ứng được nhu cầu phụ tải hiện tại và tương lai. Giá điện tại nông thôn tại thời điểm đó rất cao. Trong tổng số 3.733 xã có điện trong khu vực miền Bắc thì có tới 1.879 xã (chiếm 50,3%) giá điện < 700 đồng/kWh; 1.357 xã (chiếm 36,4%) giá điện > 700 đồng/kWh; 497 xã (chiếm 13,3%) giá điện > 900 đồng/kWh, trong khi giá bán điện theo quy định của Nhà nước là 500 đồng/kWh. Nhiều vùng nông thôn chưa có lưới điện quốc gia, người dân đã phải mua điện (từ lưới điện do địa phương đầu tư) với giá bán điện bình quân là 1.500 đồng/kWh có chất lượng điện áp rất thấp.

 

Giai đoạn 2006 - 2010, Việt Nam tiếp tục hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới và trở thành thành viên chính thức của WTO với nguồn vốn ODA được cam kết hỗ trợ đạt 28,05 tỷ USD và tỷ lệ giải ngân đạt 44,21%. Cũng vào thời điểm này, EVNNPC là một thành phần của Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam được vay vốn của WB theo Hiệp định tín dụng số 3358-VN ký ngày 01/9/2000 giữa Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) và Bộ Tài chính (thay mặt Chính phủ Việt Nam).

         

Từ sự hỗ trợ của các ngân hàng và tổ chức tín dụng, EVNNPC đã tập trung triển khai xây dựng lưới điện trung và hạ áp cấp điện cho 530 xã trên địa bàn 27 tỉnh, thành phía Bắc. Khi các dự án hoàn thành và được đưa vào vận hành, đã có 100% số huyện, 80% số xã và tại mỗi xã đạt 80% số hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia với giá bán điện theo đúng quy định của Nhà nước. Chất lượng điện áp được cải thiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành Điện, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội các vùng nông thôn thuộc các địa phương này.

 

 

Đến nay, 100% số xã do EVNNPC quản lý đã có điện lưới quốc gia.

 

Đi đầu về tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi

 

Trong các dự án ODA, EVNNPC luôn là đơn vị được phân bổ số tiền vay lớn và tận dụng tối đa số vốn được phân bổ để đầu tư, xây dựng các dự án điện. Từ năm 1993 đến nay, EVNNPC đã triển khai 21 dự án từ nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhiều nhà tài trợ nước ngoài như: WB, ADB, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Chính phủ Pháp, Chính phủ Bỉ, Chính phủ Phần Lan và Ngân hàng Tái thiết Đức với tổng số vốn vay đạt 1,24 tỷ USD.

 

Trong những năm qua, công tác vay vốn ODA của EVNNPC đã phát triển theo từng năm về số lượng dự án. Đơn cử, từ năm 1993 - 2000, Tổng công ty chỉ có 5 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn từ WB, ADB, Chính phủ Pháp, Chính phủ Bỉ với tổng số tiền vay là 160,41 triệu USD; từ năm 2001 - 2005, số vốn ODA mà EVNNPC được hỗ trợ là 249,25 triệu USD thì đến giai đoạn 2006 - 2010 đã tăng lên 840,54 triệu USD từ các tổ chức WB, ADB, KFW, Jica…

 

Những kết quả trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi nguồn vốn ODA trên thế giới đang có xu hướng giảm sút, nhưng các đối tác vẫn duy trì và gia tăng hỗ trợ cho Việt Nam. Điều này đã khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam và ngành Điện nói chung, cũng như EVNNPC nói riêng ngày càng được nâng lên. Qua đó, đã đáp ứng được tốc độ tăng trưởng phụ tải cao, góp phần thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo…

 

Hiện nay, bên cạnh việc huy động nguồn vốn vay từ nước ngoài cho việc đầu tư, phát triển lưới điện, EVNNPC cũng đã và đang phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong việc mua điện từ Trung Quốc thông qua Hiệp định liên chính phủ về mua bán điện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Điều này, đã góp phần gia tăng nguồn điện cung cấp cho một số tỉnh phía Bắc, giải quyết tình trạng thiếu điện và đảm bảo cân đối cung cầu điện năng của miền Bắc.

 

Bên cạnh đó, EVNNPC cũng đã tổ chức hiệu quả việc đưa cán bộ quản lý có thành tích xuất sắc trong công tác kinh doanh, kỹ thuật, đầu tư xây dựng đi học tập tại các Tổng công ty Điện lực ở nước ngoài, như tại: Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc… nhằm giúp các cán bộ quản lý của EVNNPC được trao đổi thêm kinh nghiệm, học hỏi được nhiều điều từ các Đơn vị bạn về quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thị trường điện, quản trị nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong công tác quản lý kỹ thuật (TBA không người trực, sửa chữa điện hotline, hệ thống điện phân phối tự động…).

 

 

Trải qua chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, có thể khẳng định, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong thành tích đó, không thể không nhắc tới những hiệu quả to lớn trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, cầu nối quan trong góp phần để ngành Điện Việt Nam nói chung, EVNNPC nói riêng vươn lên, tự tin phát triển theo hướng bền vững.        

 

          Anh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang