Chủ Nhật, 05/05/2024 07:27:41 GMT+7

Tin đăng lúc 01-07-2021

Lượt xem: 981

EVNNPT: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải

Được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giao thí điểm triển khai nhiều ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải, thời gian qua, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất của Công ty và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
EVNNPT: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải
PTC2 ứng dụng flycam trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Ứng dụng thiết bị bay để nâng cao năng suất lao động

 

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) và EVNNPT về việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, vận hành, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, từ năm 2017, PTC2 đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng thiết bị bay flycam trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Những ứng dụng này đã giúp giảm mức độ nặng nhọc, nâng cao tính an toàn và hiệu quả, năng suất cho người lao động.

 

Ông Trần Thanh Phong – Giám đốc PTC2 cho biết: Từ năm 2019, Công ty đã triển khai đồng bộ đến tất cả các đơn vị trực thuộc ứng dụng thiết bị bay trong công tác kiểm tra lưới điện và hỗ trợ công tác giám sát thi công, nghiệm thu các công trình truyền tải điện. Từ tháng 3/2020 đến nay, PTC2 đã triển khai ứng dụng thiết bị bay kiểm tra định kỳ ngày được 1.100 km đường dây (ĐZ) 220 kV, 500 kV với tổng thời gian bay 29.000 phút. Qua đó, đã góp phần giảm mức độ nặng nhọc, nâng cao tính an toàn, hiệu quả và năng suất cho người lao động. Bởi CBCNV không còn phải trèo cao, tiếp xúc thiết bị mang điện với điện từ trường lớn, di chuyển trên các địa hình hiểm trở khó khăn, tiếp cận với các loại động thực vật nguy hiểm, cũng như kiểm tra các khu vực sạt lở nguy hiểm, hoặc bị chia cắt khi có bão lũ. Mặt khác, ứng dụng công nghệ này có thể ghi nhận thực tế hiện trạng bằng hình ảnh chất lượng tốt, góc quan sát rõ, giúp thông tin phân tích đánh giá chính xác hơn và nhất là không yêu cầu cắt điện khi kiểm tra ĐZ.

 

 

Ông Trần Thanh Phong phân tích: Khi áp dụng thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành ĐZ, theo tính toán sơ bộ, bình quân để kiểm tra 01 km ĐZ 500 kV, thực hiện theo cách truyền thống mất 0,52 công, thực hiện bằng Flycam mất 0,25 công, giảm 0,27 công (52,38%). Cùng với đó, ứng dụng thiết bị bay đã và đang hỗ trợ tốt cho công tác giám sát thi công các công trình truyền tải điện kiểm tra, giám sát nghiệm thu công tác lắp dựng cột, kiểm tra dây dẫn, phụ kiện, hành lang tuyến… các công trình 220 kV, 500 kV. Không những vậy, ứng dụng thiết bị bay giúp tầm soát chặt chẽ tình trạng kỹ thuật của lưới điện từ trên cao và tại những nơi mắt thường con người không thể nhìn thấy được.

 

Hiệu quả từ hệ thống camera giám sát ĐZ

 

Một ứng dụng khác cũng đã và đang mang lại hiệu quả cao cho EVNNPT nói chung và PTC2 nói riêng là lắp đặt hệ thống camera giám sát ĐZ. Theo đó, nhận thấy khả năng áp dụng của camera ĐZ đối với công tác giám sát ĐZ từ xa ở một số vị trí cột có địa hình phức tạp dễ sạt lở móng cột, khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, PTC2 đã triển khai lắp đặt camera tại tất cả các Truyền tải điện trực thuộc từ năm 2020.

 

Đến nay, trên lưới điện, PTC2 đã lắp đặt được 31 camera quan sát trên các tuyến ĐZ thuộc các Truyền tải điện của Công ty. Các camera này đều được kết nối về Phòng Điều độ của Công ty để các phòng chức năng, cũng như Lãnh đạo Công ty theo dõi hiện trạng và chỉ đạo xử lý từ xa khi có các bất thường trên tuyến ĐZ.

 

 

Ông Trần Thanh Phong – Giám đốc PTC2 đánh giá: “Camera có tầm quan sát rộng nên có thể giúp con người theo dõi từ xa một cách dễ dàng, qua đó sẽ phát hiện và đánh giá chính xác được những bất thường phát sinh trên tuyến như: Cháy gần hành lang, sạt lở đất móng, phương tiện qua lại hay những hoạt động sản xuất gần ĐZ có khả năng ảnh hưởng đến vận hành an toàn lưới điện. Cùng với đó là khả năng tiếp cận nhanh hiện trường đối với các vị trí ở khu vực bị ngập lụt chia cắt, từ đó giúp đơn vị nắm bắt được tình hình đoạn tuyến và có phương án chỉ đạo xử lý phù hợp. Mặt khác, với khả năng zoom tốt nên camera quan sát rõ được tình trạng cách điện, phụ kiện, thanh cột… tốt hơn so với mắt người nhìn mà không cần trèo lên cột.

 

Đặc biệt, camera có khả năng lưu trữ nên có thể truy xuất để phục vụ điều tra, phân tích đúng nguyên nhân khi có bất thường xảy ra trên tuyến. Điển hình như ngày 18/9/2020, camera lắp tại vị trí cột 6.512 ghi nhận được hình ảnh sét đánh gần ĐZ, qua đó giúp đơn vị nhận định chính xác nguyên nhân sự cố thoáng qua tại vị trí 6.513 ĐZ 500 kV Bắc – Nam. Từ khi lắp đặt camera đến nay, PTC2 đã phát hiện được 35 vụ việc bất thường phát sinh có khả năng ảnh hưởng đến vận hành an toàn của ĐZ, qua đó có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện.

 

PTC2 hiện đang quản lý vận hành:

- 08 xuất tuyến ĐZ 500 kV với tổng chiều dài 1.951 km;

 - 43 xuất tuyến ĐZ 220 kV với tổng chiều dài 1.967 km;

 - 04 TBA 500 kV với tổng dung lượng MBA là 2.850 MVA;

- 15 TBA 220 kV với tổng dung lượng MBA là 4.750 MVA;

 - Tổng số lao động (tính đến 01/4/2021): 835 người.

- Lưới điện truyền tải đi qua 07 tỉnh, thành phố, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.

- Đặc điểm: Địa hình chủ yếu của các tuyến ĐZ bị chia cắt thành nhiều vùng từ rừng rậm, núi cao đến đồng bằng, sông hồ, ven biển, nhiều vị trí vượt đèo cao như Hải Vân, Lò Xo, Violak …

 

 Thu Hà


Tag:EVNNPT

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang