Chủ Nhật, 28/04/2024 08:38:35 GMT+7

Tin đăng lúc 03-11-2023

Lượt xem: 2520

FPT Semiconductor: Tiên phong hiện thực hóa giấc mơ “Chíp” bán dẫn Make in Việt Nam

Chíp được ví như bộ não của tất cả các hệ thống tự động hóa thông minh và là linh hồn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những năm qua, mặc dù các nhà khoa học Việt Nam đã dày công nghiên cứu nhưng kết quả đem lại vẫn chưa đạt được như mong muốn. Tuy nhiên, một tín hiệu vui khi mà mới đây, FPT Semiconductor – Công ty Thiết kế Chíp bán dẫn (trực thuộc Tập đoàn FPT) bất ngờ công bố sản xuất thành công chíp vi mạch.
FPT Semiconductor: Tiên phong hiện thực hóa giấc mơ “Chíp” bán dẫn Make in Việt Nam
Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc điều hành FPT Semiconductor (hàng trước, bên trái) ký biên bản hợp tác phát triển chíp với đại diện Công ty Silvaco (Mỹ)

Khoảng hơn một thập niên trở lại đây, cuộc đua sản xuất chất bán dẫn và chíp đã thực sự trở nên nóng bỏng trên phạm vi toàn cầu, bởi các nước đều muốn tự chủ, cũng như không muốn chậm chân trong lĩnh công nghiệp hỗ trợ (CNHT) công nghệ cao này. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi chúng ta có nhiều tiềm năng và cơ hội để mang lại những lợi ích tích cực. Tuy nhiên, có một thực tế đã chỉ ra rằng, sản xuất chíp là lĩnh vực công nghệ cao cực kỳ khó và phức tạp, trong khi đó, ngành CNHT vật liệu của Việt Nam còn non kém, chưa sản xuất được các vật liệu điện tử, cũng như các vật liệu cần thiết cho ngành công nghiệp vi mạch.

 

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực chíp bán dẫn, tháng 3/2022, Công ty Thiết kế Chíp bán dẫn (FPT Semiconductor) -  một doanh nghiệp CNHT thuộc lĩnh vực công nghệ cao (trực thuộc Tập đoàn FPT) đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. FPT Semiconductor ra đời mang theo khát vọng trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc hiện thực hóa giấc mơ “Chíp” bán dẫn Make in Việt Nam. Đặc biệt, trải qua quá trình không ngừng nỗ lực nghiên cứu, đến nay, Công ty đã công bố rộng rãi với thị trường về dòng chíp vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, đặt ra cấu trúc và phát triển dòng chíp này được khởi tạo bởi trí tuệ của những kỹ sư Việt Nam.

 

Với những tính năng ưu việt của dòng sản phẩm chíp này, nhiều doanh nghiệp công nghệ tại thị trường các nước như: Australia, Đài Loan, Trung Quốc… đang đặc biệt quan tâm để ký kết hợp đồng thương mại nhập khẩu. Ngoài ra, FPT Semiconductor còn định hướng tập trung triển khai, cung cấp chíp “Make in Viet Nam” đến các tập đoàn trong nước nhằm góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị điện tử cho người dùng tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 – 2025, cũng như những năm tiếp theo.

 

 

Sản phẩm do FPT Semiconductor thiết kế và sản xuất

 

Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc Điều hành FPT Semiconductor cho biết: "Việc thành lập FPT Semiconductor là một bước tiếp nối hoài bão và ước mơ của nhiều thế hệ người Việt. Bởi có thể nhiều người chưa biết, nước ta đã từng có nhà máy bán dẫn Việt Nam vào năm 1979, được biết đến với tên gọi Nhà máy Z181 đã cung ứng rất nhiều thiết bị bán dẫn cho thị trường Đông Âu. Với tiêu chí "Chíp Make in Vietnam, Made by FPT", chúng tôi có kế hoạch thiết kế và thương mại hóa sản phẩm chíp, đồng thời đưa những dòng chíp tiên tiến đến với thị trường trong nước, cũng như nước ngoài, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc…"

 

FPT Semiconductor có kế hoạch sản xuất, cung cấp 25 triệu sản phẩm chíp vi mạch ra toàn cầu vào vào giai đoạn năm 2024 – 2025, tuy nhiên, đến thời điểm này, các đối tác là những doanh nghiệp công nghệ cao tại thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký kết đặt hàng 67 triệu sản phẩm chíp để phục vụ trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử khác. Như vậy, đơn đặt hàng đã tăng gần gấp 03 lần so với dự kiến ban đầu của Công ty. Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2023, FPT Semiconductor tiếp tục đặt ra kế hoạch đưa ra thị trường thêm 07 dòng chíp khác nhau, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực CNHT công nghệ cao, như: Viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh…; Đến năm 2024, FPT Semiconductor sẽ thiết kế, sản xuất dòng chíp cao cấp IoT Platform để ứng dụng cho những thiết bị thông minh smarthome, IoT cho lĩnh vực nông – lâm – thủy hải sản.

 

Tiến sĩ Majo George - Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT nhận định: “Theo một thống kê mới đây cho thấy, Việt Nam nhập khẩu hơn 06 tỷ USD tiền chíp mỗi năm. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào trong nước đủ khả năng cung cấp được các dòng chíp phục cho ngành CNHT bán dẫn công nghệ cao. Do đó, việc quyết định thành lập công ty và sản xuất chíp tại Việt Nam của FPT Semiconductor là rất đúng thời điểm. Với những dòng sản phẩm chíp tiên tiến do FPT Semiconductor mới đưa ra thị trường, các ngành công nghiệp trong nước đã có thể mua chíp sản xuất nội địa và sản lượng chíp của Việt Nam có thể giảm bớt tình trạng phụ thuộc do sự khan hiếm chíp trên toàn cầu”.

 

Thời gian tới, để phục vụ cho lĩnh vực sản xuất chíp trong nước, FPT Semiconductor sẽ phối hợp với Trường Đại học FPT thành lập Khoa Bán dẫn để đào tạo 10.000 học viên trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng những chương trình đào tạo đặc biệt để có thể nhanh chóng dịch chuyển lực lượng công nghệ thông tin sang sản xuất chíp, thay vì chỉ tập trung vào chương trình giảng dạy 4 năm tại trường đại học.

 

Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc Điều hành FPT Semiconductor nhận định: Về mặt bằng chung, nhân sự kỹ thuật về bán dẫn của Việt Nam không thua kém trên thế giới. Thậm chí, có nhiều người gốc Việt còn nổi tiếng về thành công trong mảng bán dẫn vi mạch. Do vậy, với khoảng 10.000 nhân sự trong ngành này do FPT đào tạo, sẽ có khoảng 1/3 nhân sự làm việc cho các công ty CNHT công nghệ cao tại Việt Nam, còn lại 2/3 nhân sự sẽ có chương trình riêng, tiếp tục học tập bổ sung kinh nghiệm tại nước ngoài để tiến tới quay lại thị trường Việt phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

 

Bên cạnh chíp bán dẫn, FPT Semiconductor cũng sẽ tập trung vào lĩnh vực Automotive, đặc biệt là phục vụ cho ngành xe điện. Hiện nay, Công ty đã cung cấp dịch vụ phần mềm cho 06 hãng xe trên thế giới. Riêng trong mảng công nghệ ô tô, Đơn vị hiện có hơn 3.800 kỹ sư, chuyên gia công nghệ trên toàn cầu triển khai các dự án cho nhiều đối tác là các hãng xe hàng đầu thế giới. Đặc biệt, mảng công nghệ trên ô tô của FPT đạt tiêu chuẩn AUTOSAR quốc tế và tăng trưởng 40% trong năm 2022 vừa qua. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu 01 tỷ USD doanh thu xuất khẩu phần mềm của toàn Tập đoàn FPT vào năm 2023.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang