Thứ Bẩy, 27/04/2024 00:24:22 GMT+7

Tin đăng lúc 30-03-2021

Lượt xem: 885

Gạo Việt được giá

Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam liên tục tăng, có thời điểm cao hơn 20 USD/tấn so với cuối năm 2020. Gạo Việt tiếp tục làm nên kỳ tích bởi nhiều yếu tố: Cầu thị trường tăng, giá trị lúa gạo được cải thiện và hiệu ứng tích cực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Gạo Việt được giá
Giá gạo xuất khẩu ở mức cao

Cầu tăng đẩy giá xuất khẩu cao

 

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã XK được 858.605 tấn gạo, trị giá 470,3 triệu USD. Mặc dù so với cùng kỳ, số lượng giảm 33,74% nhưng trị giá tăng 21,75%. Đáng chú ý, nếu như thời điểm này năm 2020, giá gạo XK 5% tấm chỉ ở mức 459 USD/tấn thì năm nay đạt mức 517 - 522 USD/tấn, tăng mạnh so với cùng kỳ và tăng trên 20 USD/tấn so với cuối năm 2020.

Lý giải việc giá gạo tăng, các thương nhân XK cho biết, do nhu cầu tăng từ các khách hàng nước ngoài (gồm Philippines, Bangladesh và Indonesia) - những người đang tìm mua gạo vụ Đông Xuân có chất lượng tốt nhất trong năm. Trong đó, với thị trường Philippines, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - ông Đỗ Hà Nam - cho biết, đây là thị trường truyền thống và có nhu cầu nhập khẩu tương đối ổn định các sản phẩm gạo Việt.

 

Còn với Bangladesh, mới đây, nước này đã đưa ra một đấu thầu quốc tế khác để mua 50.000 tấn gạo từ Tổng công ty Lương thực miền Nam. Đáng chú ý, ngoài việc mua theo các thỏa thuận nhà nước với Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, các thương nhân tư nhân của quốc gia này vẫn được phép nhập khẩu 1 triệu tấn gạo.

 

Ngoài nhu cầu thị trường, theo VFA, việc ngành lúa gạo Việt nhanh chóng chuyển đổi sản xuất từ gạo trắng (vốn là gạo cấp thấp) sang lúa thơm nên cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó, việc thực thi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh… đã tạo cơ hội lớn cho gạo Việt Nam.

 

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo trong các tháng tới, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho hay, nhu cầu lương thực năm nay của thế giới vẫn tốt. Bằng chứng là Trung An đã liên tiếp xuất khẩu các đơn hàng gạo thơm đi ASEAN, EU trong các tháng đầu năm nay với giá cao và đơn hàng cho các tháng tới vẫn còn nhiều. Tương tự, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice - khẳng định, doanh nghiệp này đã ký kết các đơn hàng đến hết tháng 6/2021. Giá gạo được chốt ở mức cao và chủ yếu đi các nước trong khối EU.

 

Doanh nghiệp tập trung thu mua lúa

 

Theo VFA, tính đến ngày 18/3/2020, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch được 550 nghìn ha lúa Đông Xuân với năng suất khoảng 6,58 tấn/ha. Hiện, các địa phương đang rộ mùa thu hoạch, tuy nhiên, trái với mọi năm, giá lúa năm nay liên tục được điều chỉnh theo chiều hướng tăng, có lợi cho người nông dân.

 

Dù giá lúa tăng song các thương nhân XK gạo cho biết, họ đang đẩy mạnh việc thu mua lúa Đông Xuân để đáp ứng cho các đơn hàng. Chẳng hạn, theo đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), mặt bằng giá lúa gạo trên thị trường giữ ở mức cao kể từ đầu năm 2021. Vinafood1 đã chỉ đạo các chi nhánh, đơn vị thành viên có kho tại khu vực ĐBSCL tập trung thu mua lúa gạo để giao cho các hợp đồng đã ký và một phần phục vụ tạm trữ.

 

"Nhìn chung, giá lúa thu mua tại ruộng năm nay đã được hưởng lợi thế từ XK nên luôn giữ ở mức cao bình quân từ 6.400 đồng/kg trở lên. Đây là mức giá có lợi cho người nông dân" - ông Phan Văn Có chia sẻ.

 

Dù sản lượng gạo thế giới niên vụ 2020/2021 ước tính giảm, trong khi tiêu thụ và thương mại tăng, song dự trữ gạo thế giới vẫn tăng gần 2 triệu tấn so với niên vụ trước. Điều đó cho thấy, có lượng gạo khá lớn được các nước đưa vào kho dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực trong mùa dịch và nguồn cung nhìn chung vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang