Thứ Sáu, 03/05/2024 11:59:48 GMT+7

Tin đăng lúc 07-11-2016

Lượt xem: 2400

Gia tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN

Với nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, các doanh nghiệp (DN) đang có dấu hiệu chuyển dịch đáng chú ý khi mức nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc giảm dần, trong khi các thị trường khác như Hàn Quốc, ASEAN lại đang trở thành đối tác NK lớn.
Gia tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN
Lotte Mart của Hàn Quốc làm ăn hiệu quả tại Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, những năm gần đây, Hàn Quốc trở thành một trong những thị trường NK lớn của nước ta với mức nhập siêu ngày càng tăng. Nếu năm 2010, mức nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 6,67 tỷ USD thì đến năm 2015 đã lên đến 18,71 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2016, nhập siêu từ Hàn Quốc đã đạt 14,3 tỷ USD.

 

Với thị trường ASEAN, năm 2005, Việt Nam nhập siêu từ khu vực này 3,9 tỷ USD, đến năm 2015 đã đạt 5,5 tỷ USD và 10 tháng đầu năm đạt 4,9 tỷ USD.

 

Chia sẻ về xu hướng nhập siêu của Việt Nam với các khu vực thị trường trên, ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) - cho hay, Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia có nhiều DN đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, làm gia tăng nhu cầu NK máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký với các khu vực thị trường này giúp hàng hóa được miễn, giảm thuế và có giá cạnh tranh. Chất lượng hàng NK tương đối tốt và tâm lý người tiêu dùng dễ chấp nhận hàng từ Hàn Quốc, ASEAN cũng là nguyên nhân gia tăng nhập siêu.

 

Cũng theo ông Lê Quốc Phương, nhìn chung, NK của Việt Nam từ các nước trên chủ yếu là nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước, như: Máy vi tính và sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, điện thoại và linh kiện, vải các loại... Cụ thể, đối với ASEAN, 5 nhóm hàng gồm: Xăng dầu các loại, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hóa chất chiếm hơn 35% tổng kim ngạch NK của Việt Nam từ khu vực này. Còn Hàn Quốc, hàng hóa NK nhiều nhất cũng là nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc. “Đây là việc bình thường trong bối cảnh nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong khi công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển, nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng hóa chất lượng, giá phải chăng của các DN gia tăng, đây là những khu vực thị trường tiềm năng của các DN” - ông Phương nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên phụ liệu, hàng tiêu dùng và thực phẩm cũng là mặt hàng NK lớn từ các quốc gia này. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, hiện Thái Lan bỏ xa Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp rau quả nhiều nhất cho thị trường Việt Nam. Giá trị nhập rau quả từ Thái Lan 7 tháng đầu năm đạt gần 163 triệu USD, chiếm 38,7% tổng kim ngạch NK rau quả của cả nước, tăng trên 70% so với cùng kỳ năm 2015.

 

Ông Lê Quốc Phương khuyến cáo, có thể hiện tại, nhập siêu từ các quốc gia này là không tránh khỏi, nhưng về lâu dài, để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa, bắt buộc phải đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu mặt hàng máy móc thiết bị. Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hơn nữa để vận động DN sản xuất các mặt hàng có sức cạnh tranh và người tiêu dùng trong nước ưu tiên sử dụng hàng Việt, thay vì các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

 

Ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương):

Trong khi cả người tiêu dùng và DN đang có xu hướng thờ ơ với hàng hóa, nguyên phụ liệu xuất xứ từ Trung Quốc thì Hàn Quốc và ASEAN được lựa chọn là những thị trường thay thế.

 

Nguồn Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang