Thứ Hai, 13/05/2024 07:08:02 GMT+7

Tin đăng lúc 18-10-2023

Lượt xem: 282

Giá trị kép khi lồng ghép chương trình OCOP với du lịch nông thôn

Chương trình OCOP và du lịch nông thôn đã thu được nhiều kết quả khích lệ khi được các địa phương lồng ghép và tạo điều kiện để phát triển xây dựng nông thôn mới.
Giá trị kép khi lồng ghép chương trình OCOP với du lịch nông thôn
Các địa phương tăng cường lồng ghép chương trình OCOP với du lịch nông thôn.

Sản phẩm OCOP và du lịch hỗ trợ nhau tăng tốc

 

Theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, đến nay, cả nước đã đánh giá, phân hạng được 9.852 sản phẩm OCOP (Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”) đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT công nhận).

 

Điều đáng nói là các địa phương đã chú trọng gắn chương trình OCOP với du lịch nông thôn và coi đây là hai mảng không thể tách rời trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

 

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Khải Hoàn nhấn mạnh: Cần phát triển mạng lưới sản phẩm OCOP, kết nối các thương hiệu với nhà tổ chức du lịch lữ hành, từ đó thiết lập mạng lưới du lịch nông nghiệp kết hợp tiêu thụ sản phẩm OCOP.

 

Theo phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP còn góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Do đó, trong thời gian qua, ngành NNPTNT tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng các đơn vị, tổ chức liên quan khảo sát thực trạng, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho một số điểm có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như: Giếng cổ Gio An tại xã Gio An (huyện Gio Linh); khe Luồi, xã Mò Ó; suối Tà Lao, xã Tà Long; suối Kalu, xã Đakrông (huyện Đakrông); Khe Sanh Valley Farm, TT Khe Sanh; vườn hoa Tà Cơn, xã Tân Hợp; làng du lịch sinh thái Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; thác Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa...

 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, giai đoạn 2021-2025, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, tỉnh Ninh Bình có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; hướng tới các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, đặc sản và hướng tới phục vụ du khách nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn góp phần xây dựng NTM và hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đạt 150 sản phẩm OCOP hạng từ 3-4 sao trở lên.

 

Để du khách “đến rồi muốn quay lại, mua rồi muốn mua thêm”

 

Tại Thái Nguyên, hiện nay, phần lớn các hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái của tỉnh đều gắn với “văn hóa trà”. Thông tin từ Sở NNPTNT Thái Nguyên cho biết, nhiều điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận và đưa vào khai thác phục vụ du khách như: Không gian văn hóa Trà và vùng chè đặc sản Tân Cương (TP Thái Nguyên); Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP Thái Nguyên); Làng văn hóa du lịch Bản Quyên (Định Hóa)… Nhờ chất lượng trà ổn định, các điểm du lịch hấp dẫn đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về tham quan, nhiều du khách đã quay lại hoặc giới thiệu bạn bè, người thân quay lại; các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên cũng theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước.

 

Gắn sản phẩm OCOP với du lịch, tỉnh Quảng Ninh cũng xây dựng nhiều chương trình lễ hội đặc sắc. Đặc biệt, tour trải nghiệm vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long) đã khiến nhiều du khách hài lòng. Du khách khi đến đây sẽ được tham quan những vườn ổi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Du khách không chỉ mua mang về, mà còn được hái ổi - sản phẩm OCOP Quảng Ninh hạng 4 sao thưởng thức ngay tại vườn. Nhiều du khách đã bày tỏ sự hài lòng với trải nghiệm này và cho biết sẽ còn tiếp tục quay trở lại.

 

Khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng là địa danh nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu lịch sử khi đến Điện Biên. Để làm mới và thu hút khách du lịch, những năm gần đây, Sở VHTHDL đã phối hợp với Sở NNPTNT Điện Biên tổ chức bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng địa phương, trong đó có các sản phẩm OCOP như: Thịt trâu khô; hàng thủ công mỹ nghệ; mây tre đan; cà phê, gạo, chè…

 

Đặc biệt, sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP (cuối năm 2019), sản phẩm chè Shan Tuyết Tủa Chùa (Diệp Thanh trà) không chỉ ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà còn tạo điều kiện để du lịch địa phương phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm với rừng chè cổ thụ hơn 8.000 cây.

 

Những sản phẩm OCOP gắn với mô hình du lịch hấp dẫn đã khiến du khách hài lòng và muốn quay lại sau khi trải nghiệm, đồng thời mua các đặc sản về làm quà cho bạn bè, người thân.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang