Chủ Nhật, 28/04/2024 03:26:13 GMT+7

Tin đăng lúc 06-09-2023

Lượt xem: 360

Giá xăng tăng 6 lần liên tiếp: Cơm, phở, giọt dầu ăn... cũng đồng loạt tăng theo

Biến động tăng mạnh của giá xăng dầu đã ảnh hưởng nhiều tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, từ đó tác động mạnh tới giá thành phẩm. Để kiểm soát chỉ số CPI, lạm phát cũng như giúp người dân và doanh nghiệp “chịu đựng” được, các chuyên gia cho rằng, cần sớm có các giải pháp điều tiết, bình ổn đồng thời nên xem xét giảm thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu.
Giá xăng tăng 6 lần liên tiếp: Cơm, phở, giọt dầu ăn... cũng đồng loạt tăng theo
Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát

Cơm, phở "ăn theo" xăng dầu, gạo tăng giá

 

Chỉ sau vài tuần không đi ăn cơm quán, chị Nguyễn Thị Lễ - sinh viên một trường đại học tại quận Cầu Giấy, Hà Nội - bất ngờ khi quán cơm quen trên đường Nguyễn Phong Sắc tăng thêm 3.000 - 5.000 đồng/suất.

 

"Không chỉ cơm mà nhiều quán ăn bình dân khác trong khu vực cũng đã dán bảng tăng giá bán. Ví dụ như phở, bún tăng lên 5.000 - 7.000 đồng/tô so với trước đó" - chị Lễ cho hay.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng - chủ quán cơm Cô Hồng (đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) xác nhận sau nhiều tháng cầm cự giữ giá trên dưới 30.000 đồng/đĩa cơm, bà buộc phải tăng thêm 4.000 - 5.000 đồng cho mỗi đĩa cơm bán ra do chi phí đầu vào tăng mạnh.

 

“Giá xăng, giá gạo, giá gas tăng rất mạnh trong thời gian qua; giá dầu ăn cũng lên mức 40.000 - 45.000 đồng/lít; đường cát trắng và đồ gia vị đều tăng cao. Do vậy, quán ăn của tôi, mặc dù cố gắng giữ giá trong thời gian dài, nhưng nay không thể giữ được nữa rồi" - bà Hồng nhận định.

 

Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính ngày 5.9, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 tăng lần lượt 270 đồng và 140 đồng một lít, lên mức tương ứng 23.470 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 24.870 đồng/lít với xăng RON 95. Đây là lần thứ 6 liên tiếp giá xăng được điều chỉnh tăng trong vòng 2 tháng qua. Sau 6 lần tăng giá liên tiếp, mỗi lít xăng đắt thêm gần 3.000-3.400 đồng.

 

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, giá xăng dầu chỉ dao động trong khoảng từ 19.000 - 22.000 đồng, mức giá này không vượt quá “sức chịu đựng” của người dân và doanh nghiệp. Còn khi giá xăng trên 22.000 đồng thì điều hành đã có vấn đề, phải tìm cách điều tiết.

 

“Sở dĩ có thời điểm giá xăng dầu lên mức hơn 30.000 đồng/lít là vì thế giới xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu và khí đốt tăng rất mạnh.

 

Tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không tính bằng việc tăng mấy nghìn đồng khi đi đổ xăng mà quan trọng là tính vào giá thành của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát.

 

Về giải pháp, trước hết, trong các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tới đây, Liên bộ Công Thương - Tài chính cần chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để “ngăn” đà tăng của giá xăng, bởi hiện nay, Quỹ bình ổn có số dư khá lớn. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước. Tăng cường kiểm soát các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý” - ông nói.

 

Cần xem xét giảm thuế với xăng dầu

 

Trao đổi với Lao Động, ông Dương Đức Quang - Phó Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam - cho rằng, thông thường, chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng cao nhất trong giá thành vận tải đường bộ, lên tới 35-40%, từ đó sẽ có tác động tới giá cả hàng hoá.

 

Theo ông Quang, xăng dầu thành phẩm cũng là 1 trong 9 mặt hàng bình ổn giá theo Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua nhằm điều tiết cung cầu, điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Biến động giá xăng dầu cũng ảnh hưởng nhiều tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các ngành tiêu thụ dầu mỏ lớn như công nghiệp hoá chất, phân bón, sản xuất ximăng… và từ đó tác động mạnh tới giá thành phẩm.

 

Các sản phẩm hóa chất đầu vào của ngành như lưu huỳnh, nhựa đường… đều có nguồn gốc từ quá trình lọc hóa dầu.

 

“Do đó, trong giai đoạn nửa cuối năm nay, chúng tôi kỳ vọng giá xăng dầu và giá hàng hoá vẫn sẽ đảm bảo sự hài hoà cho lợi ích người tiêu dùng, góp phần giữ lạm phát ở mức mục tiêu, giúp bình ổn tăng trưởng kinh tế trong nước” - ông nói.

 

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nêu quan điểm, hiện giá xăng tăng chưa phản ánh vào chỉ số giá vì có độ trễ. Việt Nam vẫn phải hết sức cẩn trọng với rủi ro lạm phát tiềm ẩn vì đà tăng giá lương thực đã có xu hướng xuất hiện. Cụ thể giá gạo đang tăng trở lại vì sự ảnh hưởng từ việc các nước cấm xuất khẩu.

 

“Để tránh tác động của lạm phát từ việc giá xăng tăng thì trong thời gian tới Nhà nước có lẽ cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường tương tự năm 2022. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng, đặt hàng sớm khi giá còn chưa tăng cũng như tìm các nguồn hàng thay thế nếu như giá cả các nguyên liệu đầu vào gia tăng” - ông Hải nhận định.

 

Quỹ bình ổn đầy tiền nhưng quyết không chi khiến giá dầu tăng mạnh

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tính tới ngày 31.7 hơn 7.438 tỉ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỉ đồng) và là mức cao nhất từ quý I/2021.Tuy nhiên, trong 5 kỳ điều hành liên tiếp gần đây, nhà điều hành quyết không chi sử dụng Quỹ bình ổn khiến giá xăng dầu tăng liên tiếp.

 

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) - cho hay, với lượng tồn quỹ trên 7.400 tỉ đồng (tương đương trên 300 triệu lít xăng dầu) hiện nay, đủ sức đáp ứng nhu cầu lưu thông tiêu dùng cho 4 ngày. Do vậy, cần sử dụng một phần lượng dư tiền của quỹ để xây dựng kho dự trữ quốc gia để sử dụng khi thị trường có dấu hiệu dị biệt. C.N


Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang