Chủ Nhật, 28/04/2024 04:44:31 GMT+7

Tin đăng lúc 28-10-2023

Lượt xem: 1464

Giải bài toán gia tăng giá trị của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 18% toàn ngành công nghiệp và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Bởi vậy, bài toán gia tăng giá trị cho ngành này đang trở nên ngày một cấp thiết hơn.
Giải bài toán gia tăng giá trị của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam
Nhà máy nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT của Công ty Trung Nam EMS tại Khu CNC Đà Nẵng

Nằm trong tốp xuất khẩu thế giới, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành điện tử càng tăng. Do vậy, ngành điện tử vẫn có rất nhiều tiềm năng hút dầu tư, song bị đánh giá vẫn đang chỉ là gia công. Tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế đang nghiêng về các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vai trò của DN trong nước còn khiêm tốn. Phần lớn các DN tham gia ở các công đoạn gia công lắp ráp, sản xuất tích hợp sản phẩm, vốn có tỷ trọng giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị công nghiệp điện tử, chủ yếu đóng góp giá trị nhân công trong quá trình sản xuất.

 

Nhận định về những cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, đại diện Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay đã có nhiều hãng lớn, DN trong chuỗi cung ứng công nghiệp điện tử đã dịch chuyển từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam, tìm kiếm nhà máy sản xuất và triển khai chuỗi cung ứng. Đây là những tín hiệu tốt, cơ hội cho các DN Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, con đường đối với các DN công nghiệp điện tử Việt Nam còn rất dài để có thể thay đổi và theo kịp được một trong những chuỗi cung điện tử tiên tiến nhất hiện nay.

 

Bên cạnh sản xuất thiết bị máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị điện tử dân dụng và thiết bị gia dụng, Việt Nam đã có DN sản xuất và cung cấp linh phụ kiện phục vụ sản xuất công nghiệp điện tử, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được các phụ kiện giá trị gia tăng thấp, các chi tiết, bán thành phẩm phục vụ gia công lắp ráp như sản phẩm nhựa, thủy tinh, dây cáp, bao bì…

 

Một vài DN trong nước như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đầu tư xây dựng đội ngũ và triển khai hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế và phát triển sản phẩm, đồng thời triển khai nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử. Tuy nhiên các sản phẩm này chưa vươn ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 

Để mở rộng quy mô, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, bên cạnh việc nghiên cứu, thiết kế, làm chủ công nghệ tạo lợi thế khác biệt của sản phẩm, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN cần đầu tư xây dựng đội ngũ nghiên cứu phát triển chuyên sâu và quy mô sản xuất đủ để đảm nhận đặt hàng sản phẩm của các đối tác thương mại quốc tế, trở thành các nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM)/sản xuất thiết bị gốc (OEM). Ngoài ra, cần xây dựng và phát triển cộng đồng DN sản xuất linh kiện điện tử nhằm tạo hệ sinh thái và chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, khi đó sẽ nâng cao niềm tin, giảm thiểu rủi ro trong triển khai các đơn đặt hàng.

 

Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và các bộ, ngành rất tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ bán dẫn trong nước với mong muốn xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thiết kế vi mạch tích hợp, tập trung xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu phát triển, hình thành các DN thiết kế vi mạch tích hợp.

 

Song song đó, cần thu hút đầu tư và phát triển nhiều hơn nữa các DN thiết kế phát triển các thiết bị điện tử bên cạnh DN sản xuất thiết bị điện tử, phát triển các DN này thành các nhà ODM/OEM trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ điện tử. Đây sẽ là các trung tâm thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn, thiết kế điện tử, phát triển phần mềm hệ thống, phần mềm nhúng cho các vi mạch, bộ vi xử lý, SoC… Chỉ khi đó mới xây dựng được hệ sinh thái thiết kế, phát triển các vi mạch bán dẫn, thiết kế phát triển và sản xuất các thiết bị điện tử.

 

Trong ngành công nghiệp điện tử, Tập đoàn VNPT là một đầu tàu quan trọng. Nhà máy Thiết bị bưu điện hình thành từ năm 1954 tiếp tục phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ những năm qua. Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện thành lập và phát triển từ năm 1966, liên doanh với các hãng sản xuất thiết bị viễn thông như Alcatel CIT, Siemens, LG, NEC, Fujitsu… mang lại nhiều thành quả.

 

Hàng chục triệu sản phẩm thiết bị điện tử cho hộ gia đình đã được các kỹ sư của VNPT nghiên cứu, thiết kế và được sản xuất tại nhà máy của VNPT, cung cấp ra thị trường trong nước, thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu, đồng thời xuất khẩu sang các thị trường khu vực, từng bước đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế.

 

Song song với đó, VNPT đã triển khai hợp tác trong vai trò nhà sản xuất ODM/OEM với các đối tác quốc tế để thiết kế và sản xuất, tham gia vào cộng đồng các nhà sản xuất ODM/OEM trong khu vực cung cấp hàng chục triệu thiết bị đến các thị trường quốc tế những năm gần đây.

 

 

Nhiều thách thức trong việc gia tăng giá trị của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

 

Bằng việc triển khai đồng thời các bước đi chiến lược, VNPT tự tin xây dựng trở thành một nhà sản xuất thiết bị điện tử, một ODM/OEM tin cậy của các đối tác thương mại quốc tế, là đối tác tin tưởng của các hãng công nghệ nguồn, các nhà sản xuất lớn.

 

Bên cạnh đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ điện tử, VNPT đang tích cực hợp tác cùng các trường đại học trong và ngoài nước, các trung tâm đổi mới sáng tạo của các nước phát triển để xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư, từng bước hình thành và tham gia vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn, góp phần xây dựng VNPT thành tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực, hiện thực hóa chiến lược phát triển đến năm 2030.

 

Ông Darren Seah, Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á- Thái Bình Dương (ITAP) bày tỏ, DN điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên thế giới đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất về điện tử, thay đổi cho các thị trường truyền thống.

 

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam đã thu hút được những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đến đầu tư như Samsung, LG, Intel, Canon… điều đó chứng tỏ, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mình vào vị trí trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử của khu vực. Cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử là rất lớn. Đây cũng là cơ hội để DN điện tử Việt Nam tìm kiếm những cơ hội hợp tác với DN nước ngoài, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử.

 

Minh Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang