Thứ Hai, 29/04/2024 09:38:37 GMT+7

Tin đăng lúc 06-11-2016

Lượt xem: 3114

Giải mã sự tồn tại của các nhà máy nhiệt điện than

Chi phí thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào là lý do công nghệ Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đi cùng với đó cần giải quyết tốt vấn đề về môi trường.
Giải mã sự tồn tại của các nhà máy nhiệt điện than
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu khai mạc Hội thảo . Ảnh Báo Công Thương

Đó là ý kiến chung của các đại biểu cũng như chuyên gia, tại Hội thảo "Công nghệ nhiệt điện than và môi trường" được Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 5/11 tại Hà Nội.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, trong những năm qua, ngành điện Việt Nam đã có những phát triển hết sức ấn tượng, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội với tốc độ tăng trưởng cao, từ 10-13%.

 

Hệ thống điện của Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, đứng thứ 31 trên thế giới và thứ 2 trong khu vực Asean với công suất hệ thống đạt 40.000MW, sản lượng điện sản xuất năm 2015 đạt 162 tỷ kWh.

 

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Dự báo trong giai đoạn tới nhu cầu điện tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Theo tổng Sơ đồ điện VII điều chỉnh, tốc độ tăng trưởng cho giai đoạn 2016-2020; 2021-2025; 2025-2030 tốc độ tăng trưởng tương ứng là 10,6; 8,5, 7,5%. Công suất cực đại của hệ thống cho các năm 2020, 2925 và 2030 tương ứng là 4.200MW; 63.500MW; 90.500MW.

 

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trên, Quy hoạch điện VII đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển hệ thống điện Việt Nam đến năm 2020 đạt trên 63.000MW; 2025 đạt trên 87.000MW; 2030 đạt 120.000MW.

 

Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xã hội bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Quyết định 2068 năm 2015 nhằm khai thác tối đa hiệu quả tăng trưởng năng lượng tái tạo của đất nước .Tuy nhiên trong bối cảnh năng lượng tái tạo vẫn cần nguồn hỗ trợ, chi phí giá thành cao , tiềm năng thủy điện đã được khai thác đáng kể, nguồn khí cũng đang cạn kiệt, điện hạt nhân có nhiều lo ngại thì việc tiếp tục phát triển công nghệ nhiệt điện than là một giải giáp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước trong giai đoạn tới.

 

Theo Quy hoạch điện VII, năm 2020 nhiệt điện than đạt 26.000MW. 2025 là 47.600MW. 2030 là 55.300MW. Tương ứng là 29,3%; 55%; 53,2%.

 

Nhấn mạnh về vai trò của nhiệt điện than trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng Việt Nam, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện năng lượng cho rằng, nhiệt điện than đảm bảo phụ tải cho biểu đồ phụ tải tiêu thụ điện quốc gia,cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ điện công nghiệp. Đi cùng với đó, thời gian và chi phí đầu tư hợp lý.Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa có kinh nghiệm truyền thống. Đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo chỉ có thể được coi là nguồn bổ trợ mà không thể thay thế nguồn nhiệt điện than được bởi hệ số công suất thấp (chỉ từ 20-30%). Chi phí đầu tư lớn hơn. Phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như địa điểm, thời điểm nên không thể điều chỉnh được theo yêu cầu. Khó khăn phức tạp trong việc đấu nối vào lưới điện, sử dụng quỹ đất rất lớn.

 

"Để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau năm 2025" ông Hiến nhấn mạnh.

 

Ông Hiến cũng cho rằng, giải pháp song hành với nguồn nhiệt điện than là sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại SC, USC (thông số hơi trên và trên siêu tới hạn) cho các dự án mới, cải tiên, nâng cấp các dự án đang vận hành, đầu tư các thiết bị bảo vệ môi trường ESP, FGD. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành. Từng bước đầu tư xây dựng năng lượng tái tạo với lộ trình thích hợp. Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng…

 

Phát triển Nhiệt điện than phải gắn với bảo vệ môi trường

 

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, nhiệt điện than bắt đầu tăng trưởng từ sau năm 2000, khi Phả Lại 2 đi vào sản xuất. Ưu điểm của nhiệt điện than cho giá thành sản xuất thấp (khoảng 7cent Mỹ/kWh). Vốn đầu tư không quá cao, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân (khoảng 1.500 USD/kWh). Khả năng huy động công suất lớn nên sản lượng điện phát ra lớn. Không lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện, thời gian xây dựng cũng không quá lâu (khoảng 3 năm).

 

Tuy nhiên, nhược điểm của nhiệt điện than là dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm 60% giá thành sản xuất điện). Là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém. Chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy điện, làm bãi chứa tro xỉ. Nhu cầu nước làm mát rất lớn, khoảng 80m3/sec cho 1 nhà máy điện 1.200MW.

 

Một vấn đề rất được quan tâm đó là các chất phát thải ra môi trường của nhà máy nhiệt điện đốt than. Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, sử dụng nhà máy nhiệt điện đốt than sẽ thải ra môi trường rất nhiều chất thải bao gồm cả chất thải rắn, chất thải nước, chất khải khí.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tổng nhà máy nhiệt điện than của EVN hiện nay có công suất 13.483MW. Các nhà máy nhiệt điện than của EVN sử dụng than trong nước (trừ nhà máy điện Duyên Hải 3 đang dử dụng than nhập khẩu từ Indonesia).

 

Về giải pháp xử lý tro xỉ cho các nhà máy điện than của EVN, ông Đỗ Mộng Hùng, Trưởng ban An toànTập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, phương pháp thải xỉ khô được đánh giá là một trong những biện pháp tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng so với phương pháp thải xỉ ướt và là một giải pháp thúc đẩy quá trình tái sử dụng tro, xỉ trên thế giới hiện nay bởi nó tiết kiệm nước ngọt cho quá trình vận hành hệ thống thải, lưu giữ tại bãi xỉ. Có hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng đất cho lưu giữ tro, xỉ. Cùng với đó, tro, xỉ lưu giữ khô sẽ thuận tiện và tiết kiệm chi phí cho việc tái sử dụng.

 

Ông Hùng cũng cho biết, hệ thống xử lý môi trường cho các nhà máy điện than của EVN đối với khí thải,thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện – QCVN 22:2009/BTNMT. EVN sử dụng hệ thống lọc bụi, xử lý lưu huỳnh và ni tơ trong khói thải.

 

Đối với nước thải,thực hiện theo QCVN 40: 2011/BTNMT. Quy trình xử lý nước thải bao gồm: nước thải, bể chứa, bể trung hòa, bể điều chỉnh PH, bể khuấy trộn, bể keo tụ, bể lắng, bể lọc, bể chứa, tái sử dụng cho các mục đích phục vụ bãi xỉ/ tưới ẩm kho than.

 

Đối với chất thải rắn thông thường, việc quản lý được thực hiện theo nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, riêng tro, xỉ thực hiện theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

 

Còn đối với chất thải nguy hại, việc quản lý thực hiện theo thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Để có thể tái sử dụng toàn bộ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy điện, EVN kiến nghị Bộ xây dựng xem xét chỉ đạo nghiên cứu, ban hành hoặc cho phép áp dụng một số tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện than.

 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh đến sự thành công của Hội thảo bởi Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin về công nghệ, giải pháp về vấn đề môi trường khi phát triển nhiệt điện than. Ý kiến của các đại biểu đều cho thấy sự phát triển các nhà máy nhiệt điện than là giải pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong thời gian tới bởi chi phí sản xuất thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào, các nguồn năng lượng khác như năng lượng tái tạo, nhiệt điện, khí, chưa có khả năng thay thế nhà máy nhiệt điện than. Không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới cũng đang áp dụng công nghệ này.

 

Khiếm khuyết của công nghệ này chính là nó tạo ra các loại chất thải. Tuy nhiên với trình độ và sự quan tâm của các cơ quan liên quan, đây là vấn đề hoàn toàn có thế giải quyết được, bởi chi phí khắc phục tình trạng này không lớn so với các công nghệ khác. Mặc khác, nếu xử lý được chất thải rắn thì đây có thể trở thành nguồn tài nguyên để phát triển các nguồn nguyên liệu khác.

 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban xây dựng các khuôn khổ pháp lý về công nghệ và môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than. Xây dựng cơ chế chính sách, xử lý, sử dụng hiệu quả chất thải tro, xỉ làm nguyên liệu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ, san lấp mặt bằng, "khuyến khích các doanh nghiệp thay thế gạch nung tiến tới  không sản xuất gạch nung thì lượng tro, xỉ hoàn toàn có thể xử lý được" thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

 

Nguồn Moit.gov.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang