Thứ Tư, 15/05/2024 00:06:26 GMT+7

Tin đăng lúc 23-07-2021

Lượt xem: 1275

Giải pháp nào cho phát triển công nghiệp, thương mại thời gian tới?

Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với 2 đợt dịch bùng phát vào tháng 01 và 4/2021, đã ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đợt dịch lần thứ 4 này đã tác động đến trung tâm kinh tế vùng Đông Nam Bộ là TP Hồ Chí Minh, gây xáo trộn sản xuất tại nhiều khu công nghiệp (CN),... Trước bối cảnh ấy, đâu là giải pháp cho phát triển CN, thương mại (TM) thời gian tới?
Giải pháp nào cho phát triển công nghiệp, thương mại thời gian tới?

Để có được những giải pháp khả thi, khoa học, bám sát thực tế, rõ ràng, chúng ta không thể không nhìn lại và phân tích tình hình thời gian vừa qua.

 

Những chỉ số CN đáng chú ý 6 tháng đầu năm 2021

 

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sản xuất CN 6 tháng đầu năm 2021 có tốc độ tăng trưởng 8,91% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,45%), thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019, nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó: ngành CN chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,84%), thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, đóng góp 2,9 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,61%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%.  

 

So với cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu năm 2021, ước tính Chỉ số sản xuất toàn ngành CN (IIP) tăng 9,3%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6% tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành CN…Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,1%; khai thác than cứng và than non giảm 4,4%;…

 

Hoạt động xuất nhập khẩu

 

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%. Cụ thể, 25 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 01 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch XK (5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 58%).

 

Còn hoạt động NK có sự gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu NK nguyên liệu đầu vào. Sáu tháng qua, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%. Theo đó, cán cân TM hàng hóa 6 tháng/2021 với nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD).

 

Dự báo hoạt động XNK sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hoạt động XNK có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 còn phức tạp. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

 

Hoạt động TM trong nước

 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.985,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 224 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng mức và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 20,3%). Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế để khống chế dịch Covid-19, đồng thời một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên du lịch nội địa kém sôi động. Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng ước tính đạt 249,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

 

 

Sáu tháng đầu năm, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6%

 

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Bộ Công Thương đã thường xuyên liên hệ với các địa phương để tổng hợp và cập nhật tình hình bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động TM vẫn diễn ra bình thường; tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

 

Những giải pháp cơ bản trong thời gian tới

 

Trước kết quả và tình hình thực tiễn 6 tháng qua, Chính phủ cũng như ngành Công Thương đã đưa ra một số giải pháp cơ bản mà các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như:

 

Một là, tiếp tục chủ động xây dựng các phương án chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1612/QĐ-BCT ngày 23/6/2021 về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

 

Hai là, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận TM, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến TM trong nước ở các địa phương;…

 

Ba là, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín;…

 

Bên cạnh đó, các bộ, ban ngành chức năng cần tiếp tục tích cực chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản, nhằm thâm nhập các thị trường mới, cũng như đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm XK, nâng cao năng lực cạnh tranh…

 

Nam Hà (tổng hợp)


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang