Chủ Nhật, 28/04/2024 06:07:59 GMT+7

Tin đăng lúc 04-11-2023

Lượt xem: 1566

Hà Nội đang có nhiều cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn

Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Thực tế, Hà Nội đã liên tục dẫn đầu cả nước về thu thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm trở lại đây.
Hà Nội đang có nhiều cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn
Nhiều nhà đầu tư đã đánh giá rất cao về lợi thế của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn

Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

 

Trong 9 tháng đã qua của năm 2023, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 2,6 tỷ USD, trong đó riêng Đài Loan (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 861,5 triệu USD. Tổng số dự án đang hoạt động là 245 dự án, đứng thứ 11 về đầu tư FDI tại Hà Nội

 

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 72 cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo, trong đó, một số địa chỉ có thể bảo đảm cho việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao về một số ngành/lĩnh vực gồm điện tử, tin học, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa. Một số tên tuổi nổi tiếng như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội… đã có nhiều năm đào tạo nhân lực để tham gia các dự án sản xuất chíp bán dẫn.

 

Mới đây, tại tọa đàm "Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tư", ông Don Lam - Tổng Giám đốc và là Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital chia sẻ rằng, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và đã ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn hai nước trong lĩnh vực phát triển bán dẫn và công nghệ cao. Hà Nội đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư lớn của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam và Hà Nội trong việc thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh quan tâm toàn cầu đến sự phát triển chung của ngành này.

 

Ông Don Lam chia sẻ: “Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm đến việc phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay để Việt Nam tiếp cận thị trường hàng trăm tỷ USD này…”.

 

Nhiều ”ông lớn” chọn Hà Nội làm điểm dừng chân

 

Tháng 9/2023 vừa qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Inventec Techlonogy Việt Nam tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip). Nhà máy của Inventec Techlonogy Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu như: Điện thoại thông minh, máy chủ, thiết bị ngoại vi máy tính; bảng mạch điện tử, đầu chuyển các thiết bị thông minh khác… Dự án này có tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 125 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý IV/2024.

 

Theo ông Yeh Li-Cheng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Inventec Appliances: “Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội nằm ở điểm cuối phía Nam của Đồng bằng sông Hồng, là đầu mối huyết mạch giao thông Bắc - Nam, xung quanh là đồng bằng rộng lớn, khí hậu dễ chịu, phong cảnh tươi đẹp. Các công trình hạ tầng, phụ trợ trong khu công nghiệp đang dần hoàn thiện và đã trở thành vùng trọng điểm phát triển chiến lược của Thủ đô...”.

 

Tháng 5/2023, Infineon Technologies AG, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất nước Đức đã thông báo thành lập trung tâm phát triển chip bán dẫn ở Hà Nội.

 

“Chúng tôi đã thành lập một trung tâm phát triển chip mới tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Với việc Việt Nam đang trở thành một nhân tố chủ chốt mới nổi trong chuỗi giá trị điện tử toàn cầu, trung tâm nghiên cứu mới sẽ đóng góp quan trọng cho các kế hoạch tăng trưởng năng lực đầy tham vọng của Dự án Dịch vụ Thiết kế & Hỗ trợ (DES) của Infineon”, Infineon Technologies cho biết.

 

Đại diện Công ty Infineon Technologies AG nhìn nhận, trung tâm phát triển mới tại Hà Nội sẽ đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch tăng trưởng năng lực tham vọng của DES. Về lâu dài, mục tiêu của Infineon là đưa trung tâm tại Hà Nội trở thành một trung tâm R&D tiêu chuẩn quốc tế, tương tự các trung tâm R&D quốc tế của Infineon hiện đặt tại Munich (Đức), Villach (Áo), Bangalore (Ấn Độ) và Singapore.

 

 

Chương trình kỹ thuật vi điện tử và công nghệ Nano tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

 

Hiện, các chuyên gia đánh giá rất cao về lợi thế của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn. Không chỉ có Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip), Thành phố hiện còn có 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.930ha. Hiện, 14 dự án khu, cụm công nghiệp khác đang trong quá trình triển khai cũng như đưa vào quy hoạch phát triển vào giai đoạn tới.

 

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về cho UBND TP Hà Nội quản lý. Với hạ tầng đồng bộ, Khu công nghệ cao Hoà Lạc có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm đến một vị trí là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.

 

Sẵn sàng tạo thuận lợi đón nhà đầu tư

 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm; chủ trương thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp này.

 

Liên quan đến lĩnh vực chíp bán dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, đây là ngành công nghiệp rất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. “Hàng nghìn héc-ta đất sạch của Hà Nội đã sẵn sàng. Chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị đầy đủ những điều kiện tốt nhất để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực này đến với Hà Nội…” - ông Quyền nhấn mạnh.

 

Nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn, UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Danh mục dự án xúc tiến đầu tư làm cơ sở kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu; thường xuyên kết nối với các công ty, tập đoàn có nhu cầu đầu tư tại Hà Nội để tiếp thu các đề nghị, giải đáp vướng mắc, hỗ trợ thủ tục và các điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư sớm xem xét, triển khai các hoạt động đầu tư tại Hà Nội.

 

Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, cơ chế đầu tư và các điều kiện cần thiết khác phục vụ thu hút đầu tư các dự án nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn; đảm bảo tuân thủ đúng mục tiêu, tôn chỉ của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

 

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các trường đại học, cao đẳng quan tâm nghiên cứu thúc đẩy hợp tác, mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng cho Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cũng thông tin thêm, hiện nay Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cấp có thẩm quyền thông qua. Những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có vật liệu bán dẫn, sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này.

 

Huyền My


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang