Thứ Bẩy, 27/04/2024 14:01:32 GMT+7

Tin đăng lúc 07-10-2023

Lượt xem: 813

Hà Nội: Hơn 130 gian hàng tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2023

Tối 6/10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2023 với sự tham gia của hơn 130 gian hàng.
Hà Nội: Hơn 130 gian hàng tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2023
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2023

Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2023 được diễn ra tại trục đường Nguyễn Bặc và khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì từ ngày 6/10/2023 - 11/10/2023. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa chào mừng 69 năm ngày Giải phóng huyện Thanh Trì (6/10/1954 - 6/10/2023) và 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).

 

Với quy mô trên 130 gian hàng của trên 80 doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và 18 tỉnh gồm: Hà Nam, Hưng Yên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Bình Thuận, Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Nam… Hội chợ nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản an toàn, sản phẩm mùa vụ, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP…

 

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, thực hiện hiệu quả kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ của thành phố, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Mang đến hội chợ các dòng sản phẩm trái cây tươi như chanh leo, dưa, thanh long và các sản phẩm sấy dẻo như xoài, đu đủ, dâu tây… bà Bùi Phương Thanh - Phó Giám đốc hợp tác xã nông sản bản địa Nọng Phiêu huyện Yên Châu (Sơn La) cho hay, chúng tôi mong muốn giới thiệu cho bà con Thủ đô về các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Sơn La. Trên bao bì sản phẩm đều ghi rõ thông tin cần liên hệ, do đó, không chỉ bán trực tiếp tại gian hàng, chúng tôi còn triển khai dịch vụ giao hàng tới tận nơi cho người tiêu dùng Thủ đô khi có nhu cầu đặt mua online.

 

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cho biết, hội chợ đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, cũng như có thể kết nối trực tiếp với kênh phân phối tại thị trường Hà Nội.

 

Về phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Thu Lan (huyện Thanh Trì) cho hay, chúng tôi đến với Hội chợ và mua được rất nhiều sản phẩm địa phương đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý. "Hôm nay tôi mua rất nhiều sản phẩm như miến to bản thái bằng tay, mật ong, hạt tiêu, hành củ, ớt tươi, rau bắp cải... của các địa phương khu vực miền núi phía Bắc và cả các sản phẩm OCOP của Nghệ An. Phải nói rằng sản phẩm nào cũng rất tuyệt vời", chị Lan cho biết.

 

 

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ

 

Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các địa phương trong hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối trái cây, nông sản, đặc sản tại thị trường Hà Nội thông qua trên 100 hoạt động giao thương, hội chợ…

 

Bên cạnh đó, sở cũng đã hỗ trợ đoàn công tác các tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An, Kon Tum, Tây Ninh… trong việc khảo sát, làm việc trực tiếp với các kênh phân phối Hà Nội như: Aeon, Central Retail, MM Mega Market; chuỗi Biggreen, siêu thị Đức Thành…

 

Đồng thời, các đơn vị phân phối của Hà Nội đã tư vấn các địa phương về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói thân thiện… để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại.

 

Do đó, các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của các địa phương không những được bán tại các kênh phân phối của các siêu thị nước ngoài Aeon (Nhật Bản), Central Retail (Thái Lan) tại Hà Nội mà còn được các kênh phân phối này hỗ trợ đưa vào hệ thống phân phối của đơn vị tại nước ngoài.

 

 

Nhiều người tiêu dùng Thủ đô đến Hội chợ tham quan và mua hàng

 

Hiện nay, nhiều địa phương đẩy mạnh xây dựng, duy trì phát triển nhiều vùng sản xuất chuyên canh trái cây, nông sản an toàn có hiệu quả kinh tế cao, phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng…

 

Với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, Hà Nội có nhu cầu về thực phẩm nông lâm thủy sản rất lớn, trong khi sản xuất nông nghiệp của Thủ đô không thể đáp ứng 100% nhu cầu đó.

 

Riêng với mặt hàng rau củ, trong 1 tháng, sản lượng sản xuất của Hà Nội là 67.299 tấn, trong khi nhu cầu của thành phố là 103.300 tấn/tháng. Như vậy, sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn chỉ đáp ứng được 65,1% tổng nhu cầu, lượng rau củ cần cung cấp từ bên ngoài thành phố là 36.001 tấn (34,9%).

 

Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Do đó, hội chợ sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực tham gia đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

 

Luôn đồng hành trong kết nối giao thương trái cây, nông sản an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội. Đồng thời, giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang