Thứ Hai, 29/04/2024 08:33:39 GMT+7

Tin đăng lúc 15-06-2017

Lượt xem: 5817

Hà Nội: Tràn lan giấy khám sức khỏe giả trên thị trường

Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan tới giấy khám sức khỏe giả đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Tuy nhiên, thực trạng giấy khám sức khỏe (GKSK) vẫn diễn ra ở nhiều nơi và kéo theo nhiều hệ lụy, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần có những biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng này.
Hà Nội: Tràn lan giấy khám sức khỏe giả trên thị trường
Các con dấu bị làm giả để phục vụ cho việc bán giấy khám sức khỏe giả kiếm lời

Chỉ cần truy cập vào công cụ tìm kiếm google.com.vn hay các trang mạng xã hội facebook, zalo… và gõ từ khóa “mua giấy khám sức khỏe”, một loạt các trang web, fanpage nhận làm GKSK theo nhu cầu sẽ hiện ra, người mua chỉ cần click vào các trang web đó, gọi điện thoại và cung cấp thông tin, vài tiếng sau GKSK sẽ được đem đến tận nhà theo đúng yêu cầu. Trên thực tế, lượng người có nhu cầu mua GKSK rất nhiều, nhất là sinh viên mới tốt nghiệp đi xin việc làm, chuẩn bị một lúc hàng chục bộ hồ sơ để gửi khắp nơi; người làm hồ sơ thi giấy phép lái xe... Ví dụ, nếu khách hàng có nhu cầu mua GKSK để thi bằng lái xe, chỉ cần cung cấp hai ảnh thẻ 3x4; thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán là có thể nhận một GKSK với giá từ 200 đến 300 nghìn đồng/giấy, trong đó các chỉ số về sức khỏe đều được ghi ở mức “chuẩn”. Nếu khách hàng cẩn thận thì tự cung cấp số đo chiều cao, cân nặng, thị lực mắt... để điền vào GKSK. Để đấu tranh với loại tội phạm này, các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn, vì phần lớn đối tượng giao dịch trên mạng là “cò mồi” và rất khó xác định được các đối tượng cầm đầu, trực tiếp sản xuất, làm giả phôi và con dấu.

 

Theo quan sát của PV, tại quán nước ở cổng của một số bệnh viện ở Hà Nội, các đối tượng là “cò mồi” còn cho khách hàng xem mẫu GKSK của các bệnh viện lớn để lựa chọn và khẳng định, đây là những GKSK thật, lấy từ các bệnh viện ra, với chữ ký, con dấu “xịn”. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế có con dấu in trên GKSK, đại diện các cơ sở này đều khẳng định, đó hoàn toàn là GKSK giả cả về hình thức và nội dung.

 

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ nhiều đường dây làm giả GKSK. Cụ thể, ngày 7/6 Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Phạm Tiến Nghĩa (26 tuổi) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo tài liệu điều tra, nhóm đối tượng này đã mua con dấu giả của các bệnh viện, in và photo các loại GKSK, giấy ra viện sau đó rao bán trên mạng với số tiền từ 30.000 - 120.000 đồng/tờ. Công an cũng thu giữ hàng chục con dấu giả, dấu tên tuổi chức danh của các bác sĩ chuyên khoa thuộc một số bệnh viện Trung ương. Bên cạnh đó, quá trình khám xét, cơ quan chức năng còn thu giữ khoảng gần 3000 tờ phôi GKSK khác, giấy ra vào viện… Các giấy tờ này do Nghĩa tự sản xuất, tự ký tên, đóng dấu và rao bán trên facebook.Mỗi ngày nhóm đối tượng kiếm lời bất chính từ 2 - 3 triệu đồng từ việc bán GKSK giả. 

 

Ngày 5/5, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Đào Đức Hải (60 tuổi) cùng các đồng phạm về tội Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức. Theo bản án sơ thẩm, Hải là chủ một nhà hàng. Trong một lần chuyển địa điểm kinh doanh, ông ta nhặt được túi đồ chứa hàng chục con dấu của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương bao gồm: dấu tròn của bệnh viện; dấu tên tuổi cùng chức danh của giám đốc, các phó giám đốc và hàng loạt con dấu chức danh bác sĩ chuyên khoa. Biết nhiều người cần các loại giấy tờ liên quan đến sức khỏe như: giấy khám sức khỏe thông thường, giấy chứng nhận sức khỏe, GKSK đối với người học lái xe, giấy ra viện, giấy xác nhận nằm viện, trích sao bệnh án…, ông Hải lên kế hoạch "kiếm tiền". In các loại giấy tờ giả rồi đóng dấu, sau đó thuê người rao bán với giá từ 10.000 đến 60.000 đồng một bản. Nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Hải 42 tháng tù vì tội làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức.

 

Ngày 10/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45) - CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án Ngô Quang Bình và đồng bọn về tội “Làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức". Trước đó, cơ quan công an kiểm tra hành chính 4 đối tượng đang mua bán GKSK giả của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương (BV GTVTTW) tại một quán cà phê trên phố Hoàng Ngân (phường Nhân Chính, Thanh Xuân). Từ đầu tháng 10/2016, thông qua mạng xã hội, Bình đã mua của một đối tượng không quen biết các loại dấu giả gồm một con dấu tròn và các dấu chức danh của các bác sỹ, dấu kết luận kết quả khám bệnh của BV GTVTTW. Sau đó, Bình tìm mẫu giấy khám sức khỏe của bệnh viện này, photo ra làm nhiều bản để tự ký và đóng dấu vào các mục khám, tên người khám bệnh để trống. Đầu tháng 11/2016, Bình bắt đầu bán buôn cho các đối tượng khác với giấy khám sức khỏe khổ A3 là 40.000 đồng/tờ, giấy khám sức khỏe khổ A4 là 20.000 đồng/tờ, giấy khám sức khỏe khổ A3 có dán ảnh người khám đóng dấu giáp lai là 60.000 đồng/tờ. Từ khi bán giấy khám sức khỏe giả, Bình đã thu lời bất chính khoảng 20 triệu đồng.

 

Nguyên nhân của tình trạng mua bán GKSK giả, một phần do ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao, trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng trong quá trình khám và cấp GKSK tại các cơ sở y tế cũng như các đơn vị tiếp nhận hồ sơ bị buông lỏng.

 

Hành vi cấp khống và bán GKSK giả không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mà còn khiến uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều quan trọng hơn là những GKSK giả đã góp phần khiến tình trạng tai nạn giao thông tăng cao do những người không đủ điều kiện và sức khỏe gây ra khi tham gia giao thông. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn nữa tình trạng này, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, để hành vi mua bán GKSK giả sẽ không còn “đất” phát triển.

 

Nguyễn Hoa (t/h)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang