Thứ Sáu, 03/05/2024 23:05:33 GMT+7

Tin đăng lúc 25-12-2023

Lượt xem: 252

Hải Phòng: Chuyển đổi để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Tại Hải Phòng, nhận thức được tác động quan trọng của các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA đối với hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế, thời gian qua, địa phương này đã triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA .
Hải Phòng: Chuyển đổi để tận dụng cơ hội từ EVFTA
Hoạt động vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu tại Hải Phòng

Theo ông Nguyễn Công Hân – Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, EVFTA là hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới”, có nhiều điểm khác biệt so với FTA “truyền thống” bởi những cam kết sâu rộng và toàn diện. Hiệp định được đánh giá là mang lại nhiều kết quả tích cực cho Việt Nam. Tình hình tận dụng ưu đãi theo EVFTA của các doanh nghiệp Hải Phòng cũng rất khả quan. Thống kê qua công tác cấp C/O ưu đãi tại Sở Công Thương Hải Phòng cho thấy, C/O mẫu EUR.1 năm 2023 ước chiếm 28,37% số lượng và 30,21% trị giá tổng lượng C/O cấp.

 

Còn theo Cục Hải quan Hải Phòng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hải Phòng với các nước thành viên thuộc Hiệp định EVFTA đến tháng 11/2023 đạt 1 tỷ USD, bằng 104 % so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt  0,62 tỷ triệu USD, bằng 101,34% so với năm 2022 với các mặt hàng chủ lực là máy móc và thiết bị; sắt thép; giày dép; nhập khẩu đạt 0,38 tỷ USD, bằng 108,62% so với năm 2022 với các mặt hàng có giá trị lớn máy móc, plastic và các sản phẩm bằng plastics.

 

“Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định EVFTA đã góp phần quan trọng, làm giảm nhẹ các tác động bất lợi và thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam cũng như Hải Phòng. Hiệp định đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Hải Phòng sang các thị trường đối tác”, ông Hân cho biết thêm.

 

Thực tế, Hiệp định EVFTA đã và đang mang lại những tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế của TP Hải Phòng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, mặc dù hiệu quả tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA của doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng sang thị trường EU vẫn còn rất khiêm tốn, hàng hóa đa phần là gia công, chưa có nhiều thương hiệu riêng.

 

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, thời gian qua, TP Hải Phòng đã tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận thông tin thị trường. Trong đó, đẩy mạnh công tác nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi Hiệp định EVFTA.

 

Bên cạnh đó, địa phương này còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối, liên kết các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng, khai thác triệt để các thị trường, nhất là các chuỗi cung ứng nhằm mang lại những giá trị không chỉ cho chính các doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.

 

Mới đây, Sở Công thương Hải Phòng đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tổ chức Lớp tập huấn chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào Liên minh Châu Âu; tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào Na Uy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ theo cơ chế REX.

 

Theo đại diện Sở Công thương Hải Phòng, lớp tập huấn được tổ chức nhằm giúp các đại biểu cùng cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về điều kiện để hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường hiệu quả việc tận dụng Hiệp định EVFTA.

 

Cũng theo đại diện Sở Công thương, TP Hải Phòng rất chú trọng đến việc đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thực thi các FTA. Để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế, TP Hải Phòng cũng thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức về công tác hội nhập đối ngoại, đầu tư mua sắm Chính phủ, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ, hải quan, logistics và kết nối giao thương với các thị trường quốc tế…

 

Theo đại diện Công ty TNHH Logistics Tân Hải Long cho biết: "Khi mà các bộ luật đang khá nhiều, từ luật quốc tế cũng như luật trong nước, phía doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong công tác đào tạo và hướng dẫn. Bởi vì doanh nghiệp vừa, nhỏ rất thiếu các khâu đó. Việc tham gia các hội nghị do Sở Công thương tổ chức đã giúp doanh nghiệp cập nhật được các thông tin liên quan đến các hiệp định thương mại đa phương, song phương. Từ đó, doanh nghiệp có thể tư vấn cho khách hàng tận dụng tối ưu hoá các lợi thế về hiệp định đem lại trong quá trình tham gia xuất nhập khẩu hàng hoá".

 

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: “Chúng ta có hiểu biết về thông tin của các hiệp định thương mại tự do, cũng như lợi ích và tác động của các hiệp định này thì chúng ta mới có một sự chuẩn bị thích ứng để có thể đón nhận, nắm bắt cơ hội. Đồng thời, đưa ra các biện pháp hoá giải thách thức”.

 

Theo DiendanDN


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang