Chủ Nhật, 05/05/2024 19:13:34 GMT+7

Tin đăng lúc 20-01-2022

Lượt xem: 1176

Hải Phòng: Công nghiệp tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Hải Phòng đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá vào năm 2025.
Hải Phòng: Công nghiệp tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Đến nay, Tập đoàn LG đã đầu tư hơn 7 tỷ USD vào Hải Phòng với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Thu hút nhiều dự án lớn

 

Năm 2021, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Hải Phòng (IIP) tăng 18,5%, vượt mức kế hoạch năm (17%), cao hơn nhiều so với năm 2020 (14,8%) và gấp hơn 2 lần so với bình quân chung cả nước.

 

Đóng góp vào sự phát triển này là việc xuất hiện của nhiều dự án công nghiệp lớn, hàng đầu của thế giới và Việt Nam như: LG, Bridgestone; Fuji Xerox; GE; Roze Roboted; Nipro Pharma; Kyocera, Fuji Xerox… Các sản phẩm sản xuất tại Hải Phòng đều nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết, các dự án công nghiệp khi đầu tư vào Hải Phòng đều được thực hiện rất nhanh chóng. Các nhà máy của doanh nghiệp công nghiệp trong nước cũng không ngừng được đầu tư và áp dụng công nghệ mới nhất vào sản xuất.

 

Điển hình là các nhà máy của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại KCN Tràng Duệ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường dấy lên lo ngại về khả năng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đơn hàng, thậm chí là dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam thì ngày 31/8/2021, Công ty TNHH LG Display Việt Nam được trao Giấy chứng nhận đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 1,4 tỷ USD cho tổ hợp dự án trong KCN Tràng Duệ. Ðây là lần tăng vốn thứ tư của LG tại Hải Phòng và là lần tăng vốn thứ hai trong năm 2021. Như vậy, đến nay, Tập đoàn LG đã đầu tư hơn 7 tỷ USD vào Hải Phòng với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, sản xuất các sản phẩm như màn hình Oled TV, màn hình Oled nhựa cho các thiết bị di động; sản phẩm điện, điện tử công nghiệp cao, ti vi màu, tivi thông minh, tủ lạnh, máy giặt…

 

Theo đại diên Công ty LG Display, doanh nghiệp đánh giá cao sự tạo điều kiện hỗ trợ của TP Hải Phòng trong hoạt động của nhà đầu tư. LG Display chỉ mất 5 ngày để nhận Giấy chứng nhận đầu tư cho đợt tăng vốn lần thứ nhất và 3 ngày đối với đợt điều chỉnh thứ hai. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 tới nay, công ty vẫn duy trì sản xuất liên tục, bảo đảm hoàn thành các đơn hàng đã ký kết. Ngoài 2 nhà máy H1, H2 đưa vào sử dụng, từ tháng 8/2021, công ty triển khai xây dựng nhà máy H3 trên diện tích hơn 4 ha tại KCN Tràng Duệ. Hiện tiến độ xây dựng rất khẩn trương, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2023.

 

Không chỉ có các dự án lớn đến từ nước ngoài, sự xuất hiện của nhà máy sản xuất ô tô VinFast – nhà máy mang thương hiệu Việt Nam đã khẳng định sức hấp dẫn của công nghiệp Hải Phòng. Được hoàn thành và đưa vào hoạt động chỉ sau 21 tháng thi công, đến nay, quy mô, phạm vi hoạt động của VinFast đã được mở rộng và vươn tầm thế giới khi chính thức công bố và đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng xe ô tô tiêu thụ của VinFast có mức tăng trưởng tới hơn 80%, nộp ngân sách của Hải Phòng hơn 5.000 tỷ đồng.

 

Đưa công nghiệp trở thành trụ cột phát triển

 

Công nghiệp là 1 trong 3 trụ cột phát triển cùng với cảng biển và du lịch, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao. Để hiện thực hoá điều này, Hải Phòng sẽ cơ cấu lại ngành công nghiệp; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho ngân sách như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí, công nghệ thông tin, viễn thông, hóa dầu…

 

Theo ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, năm 2022, Hải Phòng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới về nguồn lực khi tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương từ năm 2022 cao hơn giai đoạn trước. Do đó, TP Hải Phòng cần có giải pháp tích cực, hiệu quả cao thu hút các nguồn lực khác cùng với chắt chiu trong đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng… Cùng với đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư lớn để mang lại nguồn thu cao, bền vững. Hiện, TP Hải Phòng đang nỗ lực mời gọi một số doanh nghiệp lớn tới Hải Phòng đầu tư sản xuất ô tô, sản xuất điện khí, điện gió…

 

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng, hầu hết các nhà máy công nghiệp trong các KCN, KKT của Hải Phòng đều ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và được thu hút đầu tư một cách có chọn lọc. TP Hải Phòng kiên quyết từ chối các dự án sử dụng nguyên liệu không thân thiện với môi trường.

 

Cũng theo đại diện BQL KKT Hải Phòng, năm 2021, Hải Phòng tiếp tục ghi dấu ấn về các dự án phát triển công nghiệp mới như: các dự án điện khí tại huyện Tiên Lãng, Cát Hải; dự án điện gió ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ… Các dự án này đều có tổng vốn đầu tư 5-10 tỷ USD, hứa hẹn mang lại sức bật và những giá trị to lớn hơn cho công nghiệp Hải Phòng. Riêng đối với dự án của tập đoàn điện tử Pegatron - nhà cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo… hiện đang hoàn tất quá trình đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Đình Vũ, với tổng vốn khoảng 481 triệu USD và chuẩn bị đưa vào hoạt động.

 

Năm 2021, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của Hải Phòng đạt 42,8% (năm 2020 đạt 38,97%); tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt 50%, tăng 3,5% so với kế hoạch năm và cao hơn so với năm 2020 (45,5%).

 

Theo Diễn đàn DN


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang