Thứ Ba, 07/05/2024 12:55:46 GMT+7

Tin đăng lúc 27-05-2021

Lượt xem: 897

Hiệu quả từ việc hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Từ đề án khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Công thương (TTKC) tỉnh Hà Giang đã tư vấn, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mua sắm thiết bị, máy móc, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm chế biến công nghiệp.
Hiệu quả từ việc hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
Tủ sấy bằng bóng đèn nhiệt cỏ thể sấy từ 1 - 120 độ C

Bắc Quang là một huyện miền núi của tỉnh Hà Giang, những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư khuyến khích phát triển của Đảng, Nhà nước, nông dân Hà Giang nói chung và huyện Bắc Quang nói riêng đã tập trung đầu tư khai thác tìm hướng đi cho các sản phẩm có thế mạnh, phát triển mô hình chăn nuôi trâu bò, dê lợn… nhằm phát huy thế mạnh các sản phẩm địa phương.

 

Theo đánh giá của TTKC tỉnh, tổng đàn gia súc có trên 137.000 con, trong đó đàn trâu, bò có trên 21.700 con, đàn lợn trên 68.000 con, sản lượng thịt hơi bán ra thị trường đạt khoảng 10.000 tấn/năm. Chỉ riêng chăn nuôi gia súc, gia cầm đã chiếm từ 32% - 35% giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp của huyện Bắc Quang.

 

Ông Lê Quốc Thăng – Trưởng phòng Khuyến công, TTKC và Xúc tiến Công Thương Hà Giang cho biết: Từ năm 2016, TTKC đã quan tâm đến sản phẩm sạch tại địa phương, các sản phảm được chế biến từ thịt lợn đen, bò… để tạo ra những sản phẩm có chất lượng và đặc trưng của địa phương. Chính vì vậy, TTKC đã tư vấn, hỗ trợ trên cơ sở nhu cầu của đơn vị xây dựng Đề án hỗ trợ kinh phí khuyến công, giúp doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

 

Từ cơ sở chế biến giò, chả truyền thống tại địa chỉ: Tổ 12, thị trấn Việt Quan, huyện Bắc Quang, năm 2007, Hợp tác xã (HTX) Hải Khang chính thức thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua hơn 10 năm hoạt động, HTX Hải Khang đã quy hoạch được diện tích hơn 2ha để chăn nuôi nguồn thực phẩm sạch tại thôn Minh Thành, xã Việt Minh, trong đó chủ yếu nuôi các loài như lợn đen, trâu, bò, đà điểu và liên doanh, liên kết với các hộ dân, nhằm tận dụng được nguồn nguyên liệu sạch tại địa phương, giúp người chăn nuôi phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời cung cấp các sản phẩm thực phẩm đa dạng như giò lợn, giò bò, nem chua, gà vịt muối, thịt bò sấy khô, thịt lợn sấy kho, xúc xích… có chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

 

Qua nghiên cứu nguồn nguyên liệu và khảo sát thị trường, nhận thấy tiềm năng trong sản xuất và chế biến thực phẩm sạch có tính đặc trưng của địa phương, HTX Hải Khang đã quyết định đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, phương tiện sản xuất, đổi mới công nghệ, nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm truyền thống của mình. Năm 2015, HTX Hải Khang đã đầu tư, lắp đặt kho đông lạnh, máy đùn xúc xích, máy xay thịt giò chả loại mới. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của sản phẩm, qua quá trình sản xuất chế biến, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu lợi nhuận doanh nghiệp và ngân sách địa phương.

 

 

Kho lạnh được thiết kế giàn lạnh công nghiệp, tiết kiệm điện năng

 

Năm 2020, được sự hỗ trợ từ TTKC tỉnh Hà Giang, HTX Hải Khang đã xây dựng đề án hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến thực phẩm sạch. Đề án có hai nội dung là: Hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và đầu tư máy móc thiết bị, với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Trong đó, kho lạnh bảo quản thực phẩm được lắp mới 100%, có dung tích 60 m3, đạt nhiệt độ kho lạnh đạt từ 18 - 20 độ âm. Kho lạnh được thiết kế và lắp đặt với giàn lạnh công nghiệp, tiết kiệm điện năng, thích hợp bảo quản thực phẩm, nông sản, thủy hải sản trong thời gian dài và tủ sấy thực phẩm với 16 khay sấy, có thể sấy từ 1 - 120 độ, nguyên liệu được xếp vào khay và được sấy khô bởi sức nóng của các bóng đèn nhiệt cùng hệ thống quạt đối lưu khuyếch tán nhiệt đều giữa các ngăn đảm bảo hàm lượng vitamin và màu sắc thành phẩm.

 

Bên cạnh sự hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm máy móc, TTKC tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ HTX Hải Khang tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm và sản xuất thử 33.000 nhãn mác bao bì, những nhãn mác này không chỉ thể hiện đặc tính của sản phẩm mà còn khá bắt mắt và gây được thiện cảm của khách hàng. Hiện nay, các bộ sản phẩm như: Giò chả, thịt xông khói, chân giò muối… của HTX Hải Khang đều đã đăng ký bảo hộ thương hiệu và nhiều lần được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh những năm 2014, 2016, 2018, 2020.

 

Theo bà Nguyễn Thị Khang – Giám đốc Hợp tác xã Hải Khang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang chia sẻ: Cùng với sự hỗ trợ từ TTKC tỉnh Hà Gang, HTX Hải Khang đã có thêm động lực phát triển, có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm sức lao động, hạ giá thành và tạo uy tín cho các loại sản phẩm.

 

Đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất thực phẩm sạch ở HTX Hải Khang, khi đi vào hoạt động đã không chỉ tạo điều kiện cho người dân địa phương an tâm chăm sóc và phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mà còn góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân.

 

Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo TTKC tích cực tư vấn, xây dựng đề án hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh, trong việc tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương để sản xuất ra nhiều mặt hàng có thế mạnh cung cấp cho thị trường đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang