Thứ Bẩy, 27/04/2024 10:54:51 GMT+7

Tin đăng lúc 08-04-2016

Lượt xem: 5676

Hiệp định Thương mại tự do với EU – Thách thức không nhỏ với ngành Dệt may Việt Nam

Ngày 02/12/2015, tại Brúc-xen, Bỉ, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Hiệp định Thương mại tự do với EU – Thách thức không nhỏ với ngành Dệt may Việt Nam
Ngành Dệt may đứng trước thời cơ và cũng nhiều thách thức

Đây là hiệp định được đánh giá là mở ra một kỷ nguyên trong quan hệ giữa Việt Nam và 28 quốc gia ở EU, hai bên sẽ xóa bỏ hầu hết các hàng rào thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu và doanh nghiệp châu Âu có thể đầu tư vào Việt Nam. Ngay khi FTA có hiệu lực, thì EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85% số dòng thuế ắp lên hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và sau 7 năm con số sẽ là hơn 90% các dòng thuế sẽ bị gỡ bỏ, trong khi đó Việt Nam cam kết sẽ xóa trên 90% các dòng thuế cho hàng hóa từ EU trong thời hạn là 10 năm.

 

Được biết, ngay sau khi FTA được ký kết, thì EU bỏ thuế nhập khẩu đối với toàn bộ sản phẩm rau, củ, quả tươi, hay đã qua chế biến, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh từ Việt Nam. EU cũng cam kết các mặt hàng dệt may, giày dép, thủy sản và các mặt hàng sản phẩm từ gạo sẽ theo lộ trình đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng tối đa là 07 năm. Việc kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU là một dấu mốc quan trọng, nhờ tác động của FTA mà suất khẩu của Việt Nam sang EU được ước tính tăng trưởng thêm khoảng 10% đến năm 2025.  

 

Nhận định về sự kiện này, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Cái được lớn nhất của nền kinh tế trong nước là Việt Nam sẽ có thị trường nhiều hơn, sẽ xuất khẩu nhiều hơn về mặt số lượng các mặt hàng mà trước đây chúng ta đã xuất khẩu. Còn về dài hạn, là các yếu tố về cải cách quá trình sản xuất, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp, tính trách nhiệm cao hơn của doanh nghiệp đối với người lao động. Từ đó sẽ tạo ra một cách thức sản xuất và tổ chức sản xuất mới hiện đại và theo tiêu chuẩn quốc tế nhiều hơn”. Còn bà Nicola Connolly – Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam thì cho rằng, các nước tham gia ký kết kỳ vọng Hiệp định sau khi đi vào thực thi sẽ tạo bước tăng trưởng hoạt động thương mại 15%, hiện có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam vào EU và đây sẽ là cơ hội thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn vào EU. Trong vòng từ 3 – 5 năm tới, Việt Nam phải đẩy mạnh các quy định mới cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Trao đổi với các phóng viên, ông Thân Đức Việt – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10: Bản chất của các hiệp định thương mại tự do là cắt giảm các dòng thuế, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại có thế mạnh về sản xuất. Đối với lĩnh vực may mặc, thì Tổng công ty May 10 cũng là một trong số những doanh nghiệp may mặc lớn của ngành Dệt may Việt Nam, với thị phần xuất khẩu hàng năm của Công ty vào châu Âu khoảng 35 – 40%, riêng năm 2014 May 10 đã xuất khẩu vào châu Âu là 32 triệu USD (chiếm khoảng 37%), với doanh thu xuất khẩu trong năm 2015 khoảng 38 triệu USD. Nếu Hiệp đinh FTA được ký kết, châu Âu sẽ gỡ bỏ thuế cho dệt may theo cam kết thì đây sẽ là một cơ hội tăng trưởng rất lớn cho ngành May Việt Nam.

 

Lý giải về việc, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải sử dụng tới 80% vải nhập khẩu và để được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ 18% xuống 0% thì một bộ phận các doanh nghiệp đang tìm nguồn vải trong nước thay cho vải nhập khẩu, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Tổng công ty may Hưng Yên trong Tập đoàn Vinatex. Nhưng cũng giống hàng nghìn các doanh nghiệp may trong nước, Công ty phải nhập khẩu đến 70% vải nguyên liệu. Vào thời gian mà Hiệp đinh FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, thì cũng là lúc Tổng công ty đang tích cực chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước.

 

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) thì hiện tại, ngành Dệt may mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu, trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm tới 48%. Nhiều doanh nghiệp đang rất chật vật trong việc tìm lối đi cho vấn đề chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu do vấn đề chi phí cho việc nhập nguyên phụ liệu từ thị trường khác, trong khi, nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc lại có giá rẻ, chỉ bằng khoảng 25-35% giá thành so với nguyên liệu nhập từ Nhật Bản. Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thì cho rằng, hiện các DN ngành Dệt may cũng đã và đang chủ động tìm kiếm thị trường mới, không chỉ đa dạng thị trường xuất khẩu mà các DN dệt may cũng đã chú trọng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu để tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, đặc biệt là để thoát khỏi sự phụ thuộc nguyên phụ liệu có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, với hàng loạt các dự án mở rộng trong năm hai năm 2015 - 2016, Vinatex sẽ đặt ra mục tiêu đến năm 2017 có thể chủ động được trên 55% vải các loại trong chuỗi DN của mình. Đồng thời, từ nay đến năm 2020, ngành Dệt may đề ra kế hoạch sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 80%. Khi đó, việc hưởng lợi từ thuế suất từ các Hiệp định Thương mại tự do khác mới thực sự phát huy tác dụng”.

 

Hiệp định FTA kết thúc đàm phán sẽ mở ra một thị trường rộng lớn cho hàng hóa của Việt Nam, nhưng đó cũng là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và chỉ có những mặt hàng tốt nhất mới có thể chiếm lĩnh được thị trường, cơ hội thì đã nhìn thấy rõ nhưng làm thế nào để có thể tận dụng và phát huy được cơ hội này thì đúng là một bài toán không hề đơn giản đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả trong ngành Dệt may, một trong những lĩnh vực được coi là thế mạnh của Việt Nam. 

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang